(Xây dựng) - Mặc dù đã trải qua 4 lần đổi thẻ nhà báo, từng công tác ở nhiều vị trí khác nhau liên quan đến hoạt động báo chí nhưng tôi vẫn tự nhận mình là một nhà báo “nghiệp dư” so với các anh chị nhà báo tên tuổi khác. Những phóng viên phụ trách địa bàn có nhiều thiên tai như miền Trung thì việc đối mặt với khó khăn trong quá trình tác nghiệp để có những thông tin quý giá gửi về toà soạn là cả một hành trình vất vả được trả bằng mồ hôi, nước mắt và sự dấn thân.
Cùng Tổng biên tập Nguyễn Anh Dũng tác nghiệp tại Formosa. |
Tôi còn nhớ như in vụ sập giàn giáo thi công cây xăng ở Hương Sơn vùi lấp 16 người năm 2016, nửa đêm tôi nhận được nhiệm vụ phải có mặt lúc 6h sáng tại hiện trường để đi theo đoàn Cục Kiểm định chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) để đưa tin. Do vị trí địa lý hơn 100 km đường lên biên giới khó đi nên khi tôi lên đến nơi hiện trường đã bị phong toả, hồi đó nữ nhà báo tác nghiệp hiện trường chưa nhiều như bây giờ mà lại là tác nghiệp ở những nơi nguy hiểm lại càng hiếm nên khi tôi có mặt ở hiện trường dù đã xuất trình hết các loại giấy tờ hợp pháp để chứng minh việc mình có mặt ở đây lúc tờ mờ sáng là để làm nhiệm vụ thì vẫn bị “canh chừng” và lâu lâu lại có người đến chất vấn: “Cô có thật là người của xây dựng không đấy”; “có biết gì về sắt thép, xi măng không mà viết…”
Lần khác, khi đang tác nghiệp về lũ lụt. Tôi đã quên mất đang mang trên mình các thiết bị máy móc nên đã nhảy xuống thuyền tự bơi vào chỗ an toàn khi phát hiện thuyền quá tải có nguy cơ bị chìm. Kệ đồ ướt, kệ hư máy, tôi đã nhận lời của em Hải Yến - phóng viên Tạp chí Nhân đạo & Đời sống chuyển 300 suất cơm cứu đói cho đồng bào ngập lụt (vì nhóm tôi mượn được thuyền) nên cứ theo thuyền đi phát cơm đến tận khuya. Về nhà, máy tính hết pin vì cả thành phố mất điện mấy ngày liền, chỉ còn cách gõ bài trên điện thoại, mà điện thoại cũng không còn đủ pin nên cứ gõ từng đoạn trên zalo gửi cho Biên tập viên ngoài toà soạn xâu nối thông tin, ghép ảnh lên bài.
Năm 2019, Hà Tĩnh xảy ra vụ cháy rừng lớn chưa từng có từ trước đến nay. Tất cả các lực lượng được điều động dồn sức chiến đấu với “giặc lửa”, chúng tôi tiếp cận hiện trường trong tâm thế bám sát lực lượng chữa cháy để ghi lại những thông tin, hình ảnh chân thực nhất, chính xác nhất và nhanh nhất gửi về toà soạn. Tiếp cận hiện trường, trước mặt chúng tôi là những cánh rừng bị bao phủ bởi khói, tiếng hò hét của các lực lượng cứu hộ lao mình vào lửa để cứu rừng… Thời tiết nắng nóng, hơi lửa bao trùm, cộng với gió phơn thổi mạnh khiến đám cháy càng lúc càng lan rộng, lửa rừng vừa được khống chế lại bùng cháy trở lại, nếu thiếu kỹ năng ứng phó và phán đoán thì phóng viên có thể gặp tai nạn bất cứ lúc nào. Đối mặt với khó khăn, chúng tôi càng cảm nhận sâu sắc sự vất vả khó nhọc của các lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, xúc động trước những hành động cao đẹp của các tổ chức trong và ngoài tỉnh đã đồng hành, chia sẻ với đồng bào gặp thiên tai.
Chúng tôi luôn xác định “ở đâu có thông tin, ở đó có chúng tôi” để chuyển tải đến bạn đọc những hình ảnh và thông tin chân thật và sống động nhất. Được trải nghiệm trong những tình huống khẩn cấp do thiên tai gây ra, chúng tôi tự cóp nhặt thêm cho mình nhiều vốn sống quý giá để sẻ chia và cống hiến.
Tuyết Mây
Theo