(Xây dựng) – Tại cuộc Họp báo quý III/2024 của UBND Thành phố Hà Nội, vấn đề cây xanh trên địa bàn Thủ đô bị gãy, đổ sau bão số 3 (Yagi), đặc biệt là tình trạng cây xanh được trồng còn nguyên bầu bọc rễ là nội dung được nhiều cơ quan báo chí quan tâm.
Có 11.756 cây xanh do Thành phố Hà Nội quản lý bị gãy, đổ do cơn bão số 3. |
Chiều 3/10, UBND Thành phố Hà Nội tổ chức cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội quý III/2024. Tại cuộc họp báo, vấn đề cây xanh của Hà Nội gãy, đổ sau bão số 3 được nhiều cơ quan báo chí quan tâm, đặt câu hỏi.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết: Đa số cây xanh bị gãy, đổ là do không thể chịu được sức tàn phá của thiên nhiên. Đặc biệt, đối với hệ thống cây xanh Hà Nội lớn, môi trường đô thị chật hẹp, bộ rễ của cây không đủ điều kiện để phát triển tương đương với tán lá.
Đối với hậu quả của cơn bão số 3 vừa qua, ông Nguyễn Đức Hưng nhận định: Đây là cơn bão có cường độ rất mạnh trong hàng chục năm qua. Qua thống kê sơ bộ, có 11.756 cây xanh do Thành phố Hà Nội quản lý bị gãy, đổ. Trong số đó, có 3.515 cây được dựng lại ngay tại chỗ; 658 cây mang về vườn ươm; cây gãy đổ không cứu được đưa ra đấu giá, cắt khúc thanh lý là 7.635 cây.
Về vấn đề nhiều cây xanh sau khi bị gãy đổ có hiện tượng còn nguyên bầu bọc rễ, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội cho biết: Việc trồng cây xanh đã được Thành phố quy định về quy trình, định mức, kỹ thuật, kích thước hố, kích thước bầu, độ sâu trồng rất cụ thể. Năm 2014, Sở Xây dựng Thành phố đã rà soát lại những cây xanh trồng mà còn nguyên bầu. Tuy nhiên, sau cơn bão số 3, trong tổng số những cây xanh bị gãy, đổ, có 12 cây còn nguyên bầu (trong đó, 7 cây có bầu rễ được bọc bằng vật liệu không thể tiêu hủy, 5 cây có bầu rễ vẫn còn bọc bao ximăng).
“Những cây còn bầu bọc rễ sẽ khiến cây khó phát triển, dễ gãy, đổ khi có gió to. Sở Xây dựng Hà Nội đang truy tìm các chủ đầu tư trồng cây còn nguyên bầu bọc rễ để quy trách nhiệm và có biện pháp xử lý”, ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật Thành phố Hà Nội thông tin.
Tiến Hào
Theo