(Xây dựng) – Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, thành phố, với tinh thần chủ động, quyết liệt, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Sóc Sơn đã tích cực lao động, sản xuất, từng bước khắc phục khó khăn và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Sóc Sơn tiếp tục đẩy mạnh một số chỉ tiêu để đạt nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. |
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, huyện Sóc Sơn được xác định là một trong 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Tại Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Chính trị cũng đã định hướng huyện Sóc Sơn trong tương lai sẽ là một phần quan trọng để xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc thành phố. Những định hướng quan trọng nêu trên sẽ mở ra cho Sóc Sơn những thời cơ, thuận lợi to lớn để phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; song cũng đòi hỏi huyện Sóc Sơn nói riêng và Thành phố Hà Nội nói chung cần quyết tâm hơn nữa, biến những tiềm năng, lợi thế thành hành động để xây dựng huyện trở thành thành phố phía Bắc trực thuộc Thủ đô.
Cụ thể, theo báo cáo của huyện Sóc Sơn, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn (2015 - 2020) của huyện tăng 9,64%/năm. Với đặc thù là huyện có diện tích đất nông nghiệp lớn, tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm đa số, xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới còn thấp và còn nhiều khó khăn: Chưa có quy hoạch, hạ tầng thiếu và không đồng bộ; năm 2010, thu nhập bình quân đầu người rất thấp, chỉ đạt 18 triệu đồng/người/năm, mỗi xã chỉ đạt có 5/19 tiêu chí xây dựng chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 15,04%… Vì thế, quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, nông dân là nhiệm vụ hàng đầu của huyện.
Đến nay, 25/25 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và đạt 9/9 tiêu chí huyện nông thôn mới. Trong đó, nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa; trạm y tế xã, thị trấn bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân đều đạt 100%... Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 56,2 triệu đồng/người/năm (gấp 3,1 lần năm 2010), đặc biệt cuối năm 2021, huyện không còn hộ nghèo theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020.
Huyện cũng đã từng bước đầu tư đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyên canh, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Nổi bật, đã thực hiện dồn điền đổi thửa được 10.845ha, tạo tiền đề cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Xây dựng được 15 chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho hiệu quả kinh tế cao, 16 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; phát triển nhãn hiệu cho 8 sản phẩm, 10 thương hiệu hàng nông sản do hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ sản xuất, trên 100 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc qua mã QR. Đến hết năm 2021, huyện Sóc Sơn có 76 sản phẩm OCOP được UBND thành phố công nhận (trong đó có 10 sản phẩm 3 sao, 66 sản phẩm 4 sao).
Xác định nông dân là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nông thôn mới, những năm gần đây, các cấp Hội Nông dân Sóc Sơn đã tham gia tích cực vào xây dựng và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới trên địa bàn huyện. |
Đặc biệt, huyện đã huy động được nguồn lực lớn trong xây dựng nông thôn mới. Giai đoạn 2010 - 2020, tổng huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới của huyện là 4.419 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân đóng góp chiếm 29,1%. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp…
UBND huyện yêu cầu các xã rà soát, đánh giá lại toàn bộ các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo Bộ tiêu chí đánh giá xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao của UBND Thành phố tại Quyết định 3098/QĐ-UBND ngày 29/8/2022 của UBND Thành phố Hà Nội; khẩn trương hoàn thiện Đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao trên địa bàn trình Hội đồng huyện phê duyệt làm cơ sở để triển khai thực hiện. Đối với 3 xã: Phù Linh, Phù Lỗ, Đức Hòa đã được UBND huyện phê duyệt Đề án, khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ để hoàn thành nông thôn mới nâng cao năm 2022.
Ánh Dương
Theo