(Xây dựng) - Việc xảy ra chậm thanh toán trong các dự án đầu tư xây dựng diễn ra phổ biến, song cho đến nay chưa có cơ chế quy trách nhiệm các cơ quan quản lý khi chủ đầu tư chậm thanh toán.
Dự án đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long. |
Chậm thanh toán rất phổ biến
Trong quá trình thực hiện hợp đồng thi công xây dựng, việc chủ đầu tư chậm thanh toán theo nghĩa vụ hợp đồng là chuyện “cơm bữa”. Nguyên nhân thì có nhiều, cả chủ quan lẫn khách quan. Tuy đã có cơ sở pháp lý khá rõ ràng, đầy đủ song việc hiểu, áp dụng trong thực tiễn còn nhiều bất cập, còn lúng túng, thiếu linh hoạt... Điều này có thể thấy rõ bởi Bộ Xây dựng thường xuyên nhận được yêu cầu hướng dẫn xử lý các trường hợp chủ đầu tư chậm thanh toán cho nhà thầu.
Ví dụ như trường hợp của Tổng Công ty Điện lực Thành phố Hồ Chí Minh có Văn bản số 3236/EVNHCMC-QLĐT đề nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn về thời hạn thanh toán và chi phí bồi thường chậm thanh toán hợp đồng xây dựng.
Qua đó, Bộ Xây dựng có công văn trả lời về thời hạn thanh toán được quy định tại Khoản 10 Điều 19 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng: “Thời hạn thanh toán do các bên thỏa thuận trong hợp đồng phù hợp với quy mô và tính chất của từng hợp đồng. Thời hạn thanh toán không được kéo dài quá 14 ngày làm việc kể từ ngày bên giao thầu nhận đủ hồ sơ thanh toán hợp lệ theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
Theo các chuyên gia pháp lý, cũng giống như các giao dịch kinh doanh thương mại khác, pháp luật tôn trọng quyền tự quyết của các bên thông qua hợp đồng. Song, như vậy là chưa đủ, bởi vì trong lĩnh vực thi công xây dựng liên quan đến nhiều bên, số vốn bỏ ra rất lớn, thời gian thu hồi lâu và có rất nhiều rủi ro trong quá trình thực hiện. Đặc biệt, ngoài những trường hợp do khách quan ra thì có nhiều trường hợp, nhiều chủ đầu tư cố tình lạm dụng vốn, tìm đủ mọi lý do để thanh quyết toán chậm, gây áp lực, thiệt hại cho nhà thầu thi công. Từ đó có thể dẫn đến ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công trình nhất là trong lĩnh vực đầu tư công.
Hành lang pháp lý trong lĩnh vực thi công, xây dựng đã tương đối đầy đủ như Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng và các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành nhưng thực tế chưa gắn được trách nhiệm của chủ đầu tư, cơ quan quản lý vì thiếu quy định cụ thể. Do đó, khi phát sinh chậm thanh toán rất khó xử lý, thiệt hại cho doanh nghiệp mà không biết kêu ai.
Theo ông Đỗ Minh Hùng, Giám đốc một công ty xây dựng có hàng chục năm kinh nghiệm thi công trong mảng giao thông, thủy lợi, dân dụng cho rằng việc các chủ đầu tư chậm thanh toán là chuyện phổ biến, do nhà thầu phải phụ thuộc vào chủ đầu tư nên hầu hết các nhà thầu đều muốn giữ mối quan hệ tốt đẹp với chủ đầu tư mà không dám hành động quyết liệt. Mặt khác, cũng không có cơ sở pháp lý nào để các nhà thầu yêu cầu các cơ quan quản lý can thiệp vào quá trình thực hiện hợp đồng của các bên.
Không có chế tài đối với cơ quan quản lý
Theo các chuyên gia việc tranh chấp hợp đồng trong lĩnh vực thi công xây dựng trong đó có việc tranh chấp việc nghĩa vụ thanh toán cũng giống như những giao dịch dân sự, thương mại khác. Đàm phán, thương lượng là giải pháp tốt nhất để các bên đạt được lợi ích song hành. Ngoài ra, có thể lựa chọn trọng tài để hòa giải hoặc khởi kiện ra Toà án Kinh tế nếu cần.
Theo quy định của pháp luật, trong lĩnh vực xây dựng, nếu xảy ra chậm thanh toán so với hợp đồng thì các bên có quyền yêu cầu bên vi phạm chịu phạt, bồi thường thiệt hại (nếu có) theo thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật. Điều 301 Luật Thương mại 2005 (áp dụng cho hợp đồng xây dựng không sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước), mức phạt vi phạm hợp đồng là tối đa 08% trên nghĩa vụ vi phạm. Tại Điều 146 Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 tối đa là 12% (áp dụng với hợp đồng xây dựng có sử dụng vốn Ngân sách Nhà nước). Ngoài ra, các bên có thể áp dụng và Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng và các thông tư.
Một số luật sư nhận định rằng, hiện nay pháp luật không quy định trách nhiệm của các cơ quan chức năng khi chủ đầu tư để xảy ra việc chậm thanh quyết toán trong hợp đồng thi công xây dựng đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công. Lý do là bởi, bản chất của hợp đồng xây dựng cũng là 1 giao dịch dân sự, kinh tế thông thường, cho nên pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các bên và các bên tự chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Thực tế chỉ ra rằng, ở một số dự án mặc dù chưa cân đối được nguồn vốn nhưng vẫn được các cấp có thẩm quyền cho phép triển khai thực hiện, trong khi chưa có quy định nào cho phép doanh nghiệp tự bỏ vốn đầu tư, thi công dự án khi chưa được bố trí nguồn vốn. Hệ lụy là có những dự án đã thi công xong cả 5-10 năm vẫn chưa thể thanh quyết toán. Trong trường hợp này cần phải cơ chế xử lý để tránh tùy tiện trong công tác triển khai dự án, gây thất thiệt hại cho doanh nghiệp, có thể dẫn tới gây thất thoát Ngân sách Nhà nước.
Theo ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xây dựng Việt Nam: Lâu nay, các quy định pháp luật dường như “nương nhẹ” chủ đầu tư và chưa có các chế tài đủ mạnh cho nên những quy định hay chỉ đạo của Chính phủ chưa được tuân thủ, vì thế cần có chế tài xử lý nghiêm chủ đầu tư. Để tăng trách nhiệm của chủ đầu tư, cần bổ sung cơ chế chủ đầu tư bảo lãnh vốn thanh toán trong Luật Đấu thầu. Cụ thể, khi giá trị khối lượng gói thầu còn lại từ 20 đến 30% (tùy theo quy mô gói thầu, hình thức thanh toán gói thầu) chủ đầu tư phải thực hiện thủ tục bảo lãnh vốn thanh toán.
Như vậy, hiện nay chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc đề xuất tăng cường trách nhiệm cho chủ đầu tư nhưng cơ sở pháp lý chưa cụ thể. Để hạn chế tranh chấp thanh toán trong xây dựng cơ bản, chắc hẳn cần phải xây dựng chế tài đủ mạnh, rõ ràng và cần thiết phải quy trách nhiệm cho chủ đầu tư đồng thời nêu cao tinh thần trách nhiệm người đứng đầu ở các cơ quan quản lý, nhất là các trường hợp cơ quan có thẩm quyền tùy tiện quyết định triển khai dự án khi không đủ điều kiện về nguồn vốn (đối với đầu tư công). Có như vậy mới hạn chế khả năng chậm thanh quyết toán trong xây dựng cơ bản, đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp.
Đỗ Quang
Theo