(Xây dựng) – Liên quan đến dự thảo Nghị định quy định về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, mới đây, Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) có Công văn số 73/2024/CV-HoREA gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính góp ý sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 50 dự thảo Nghị định do quy định về “điều khoản chuyển tiếp đối với tiền sử dụng đất” chưa thật hợp lý.
Ảnh minh họa. |
Theo góp ý sửa đổi, bổ sung của HoREA, đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan trước ngày 01/01/2025 nhưng chưa quyết định giá đất thì thực hiện tính và thu tiền sử dụng đất theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai.
Khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai được tính bằng 50% khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, pháp luật về quản lý thuế từng thời kỳ, tính trên số tiền sử dụng đất phải nộp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024.
Đối với trường hợp người sử dụng đất thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất thì người sử dụng đất không phải nộp bổ sung khoản tiền đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất (phương án 1).
Hoặc người sử dụng đất phải nộp bổ sung khoản tiền đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất được tính bằng 25% khoản tiền tương đương với tiền chậm nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất, pháp luật về quản lý thuế từng thời kỳ, tính trên số tiền sử dụng đất phải nộp được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai năm 2024 (phương án 2).
Trong 2 phương án thì Hiệp hội đề nghị chọn phương án 1, bởi Điểm c khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024 về giải quyết tài chính đất đai, giá đất khi Luật này có hiệu lực thi hành quy định đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa quyết định giá đất thì thực hiện như sau:
Đối với trường hợp đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng theo quy định của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành nhưng phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền thì chính sách thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và giá đất được xác định tại thời điểm ban hành quyết định đó.
Trường hợp UBND cấp có thẩm quyền đã thực hiện giao đất, cho thuê đất theo tiến độ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thì giá đất cụ thể được xác định theo thời điểm ban hành của từng quyết định; d) Chính phủ quy định về việc áp dụng phương pháp định giá đất và khoản tiền người sử dụng đất phải nộp bổ sung đối với thời gian chưa tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 257.
Hiệp hội cũng nhận thấy, điểm c khoản 2 Điều 257 Luật Đất đai 2024 “không quy lỗi” để xảy ra tình trạng sau khi đã có quyết định giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hằng năm sang thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan, nhưng chưa ban hành quyết định giá đất, phương án giá đất chưa được trình UBND cấp có thẩm quyền, mà việc này thuộc về trách nhiệm của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cán bộ, công chức Nhà nước có liên quan.
Hiệp hội thống nhất “không quy lỗi” cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cán bộ, công chức Nhà nước có liên quan, bởi lẽ trước đây đã có tình trạng một số quy định pháp luật ban hành trong các thời kỳ bị chồng chéo, mâu thuẫn dẫn đến vướng mắc, ách tắc trong công tác thực thi pháp luật vì nếu quy lỗi thì phải xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây ra lỗi và có thể dẫn đến trách nhiệm bồi thường nhà nước hoặc trách nhiệm bồi thường cá nhân thì không phù hợp với tình hình thực tiễn.
Đan Linh
Theo