(Xây dựng) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Năng lượng vừa ký Quyết định số 12/QĐ-BCĐNL ngày 25/1/2024 ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo này.
Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo quy định tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ (ảnh: Supercorp Vietnam). |
Theo đó, Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Năng lượng (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Năng lượng.
Nhiệm vụ, quyền hạn và thành phần của Ban Chỉ đạo quy định tại Quyết định số 1447/QĐ-TTg ngày 22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
Trưởng ban, các Phó Trưởng ban, các Ủy viên Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm về phần việc được phân công, chịu trách nhiệm đôn đốc, xử lý các công việc thuộc thẩm quyền của cơ quan mình công tác; Trưởng ban hoặc người được Trưởng ban ủy quyền quyết định các nội dung công việc theo quyền hạn của Ban Chỉ đạo.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo.
Trưởng Ban Chỉ đạo quyết định việc mời các chuyên gia trong và ngoài nước để tham khảo ý kiến trong trường hợp cần thiết trên cơ sở đề xuất của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.
Ban Chỉ đạo làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể thảo luận, Trưởng Ban chỉ đạo kết luận và chỉ đạo thực hiện.
Về tổ chức các cuộc họp, Quy chế nêu rõ: Trưởng ban triệu tập và chủ trì các phiên họp thường kỳ 6 tháng một lần; họp kiểm điểm tiến độ các dự án trọng điểm, cấp bách 3 tháng một lần và các phiên họp đột xuất khi cần thiết. Trưởng ban có thể ủy quyền cho Phó Trưởng ban thường trực chủ trì các phiên họp.
Các thành viên Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham gia đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo và chuẩn bị nội dung báo cáo theo quy định; trường hợp các thành viên trong Ban Chỉ đạo không thể tham dự phiên họp phải ủy quyền cho người có trách nhiệm tham dự.
Nội dung các phiên họp nhằm đánh giá các mặt hoạt động của Ban Chỉ đạo, kết quả thực hiện nhiệm vụ của các Bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, các cơ quan/đơn vị tư vấn và các nhà thầu; kết quả xử lý các kiến nghị do Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị đề xuất; đề ra nhiệm vụ, kế hoạch, mục tiêu thực hiện tiếp theo; xem xét giải quyết hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết những vấn đề vượt quá thẩm quyền của Ban Chỉ đạo.
Đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương
Ban Chỉ đạo là đầu mối phối hợp chỉ đạo hoạt động của các Bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ đề ra để công tác đầu tư các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Năng lượng và các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc các chương trình đảm bảo tiến độ, an toàn, chất lượng và hiệu quả.
Văn phòng Ban Chỉ đạo đặt tại Bộ Công Thương là bộ phận tham mưu, giúp việc Ban Chỉ đạo, hoạt động chuyên trách.
Tổ Thư ký Ban Chỉ đạo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thành lập, bao gồm các lãnh đạo, công chức thuộc Văn phòng Chính phủ làm việc theo chế độ kiêm nhiệm.
Ngọc Linh
Theo