(Xây dựng) - Dù chưa là điểm nóng, nhưng nạn cát tặc, đất tặc vẫn diễn ra ở nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Trước thực tế này, UBND tỉnh đang có những giải pháp để đảm bảo đủ lượng vật liệu xây dựng, giảm chi phí đầu tư, tăng thu ngân sách và không để thất thoát tài nguyên.
Nhu cầu đất san lấp lớn, kéo theo việc tổ chức, cá nhân vi phạm khi khai thác trái phép. |
"Chảy máu" khoáng sản đất, cát vì đâu?
Những năm gần đây, các công trình xây dựng, cơ sở hạ tầng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình tăng mạnh nên nguồn vật liệu đất, cát phục vụ xây dựng cũng theo đó tăng cao. Theo thông tin từ Sở Xây dựng, hiện các mỏ được cấp phép khai thác đối với đất san lấp mới đáp ứng hơn 60% nhu cầu, cát xây dựng 50%; 10/13 nhà máy sản xuất gạch tuynel có mỏ sét vật liệu…
Mặt khác, việc khai thác, kinh doanh khoáng sản trái phép có lợi nhuận cao nên nhiều tổ chức, cá nhân tìm nhiều cách để “vượt rào” vi phạm. Bên cạnh đó, việc chấp hành quy định pháp luật sau cấp phép của các đơn vị hoạt động khoáng sản chưa cao.
“Trong quá trình khai thác, các đơn vị chưa chú trọng tuân thủ thiết kế và yêu cầu kỹ thuật, khai thác mỏ, sử dụng vượt diện tích cấp phép. Trong khi đó, mặc dù đã bị cơ quan chức năng xử phạt hành chính nhưng các nội dung vi phạm vẫn tiếp tục tái diễn” - ông Phan Xuân Tuấn, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) từng cho biết.
Huyện Quảng Ninh là địa phương có hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông Long Đại khá “sôi động”. Chủ tịch UBND huyện Quảng Ninh Phạm Trung Đông cho hay: Trên địa bàn có 8 mỏ cát được cấp phép hoạt động, tuy vậy, chưa đủ so với nhu cầu sử dụng của người dân, công trình dự án. Để hạn chế việc khai thác trái phép trên sông, biện pháp hữu hiệu nhất là thành lập các hợp tác xã khai thác cát, sỏi. Tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các địa phương, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vi phạm.
Cùng đó, tại địa bàn các xã Gia Ninh, Hải Ninh (huyện Quảng Ninh) gần đây cũng xuất hiện tình trạng các cá nhân dùng máy xúc bánh lốp vào khai thác cát trái phép trong phạm vi khu vực dự án điện gió B&T, gây nguy hiểm cho tuyến cáp điện ngầm. Hoạt động này đã được địa phương ngăn chặn và tiếp tục giám sát.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khai thác đất, cát trái phép được phía Công an tỉnh Quảng Bình phân tích: Chính quyền địa phương cấp huyện, đặc biệt là cấp xã chưa thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình trong quản lý, xử lý thiếu kiên quyết. Trong khi đó, phương thức, thủ đoạn của các đối tượng ngày càng liều lĩnh, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn.
Đơn cử, cuối tháng 12/2021, lực lượng chức năng Quảng Bình phát hiện một mỏ khai thác đất và quặng sắt trái phép tại xã Kim Hóa (huyện Tuyên Hóa). Tại hiện trường, cơ quan chức năng xác định các đối tượng đã khai thác trái phép trên diện tích đất và quặng sắt (khoảng 2-3ha), tàn phá với độ sâu hơn 5m. Hay như việc cải tạo tận thu đất tại xã Đồng Hóa (huyện Tuyên Hóa) ngang nhiên khai thác trái phép hàng nghìn khối đá. Sự việc diễn ra trong thời gian khá dài, nhưng chính quyền sở tại không xử lý quyết liệt.
Từng bước quản lý chặt tài nguyên đất, cát
Quảng Bình đã triển khai nhiều giải pháp trong quản lý, khai thác khoáng sản, nhờ đó, hoạt động này được kiểm soát và không phát sinh các điểm nóng. Tuy nhiên, để lập lại trật tự, hạn chế thấp nhất việc “chảy máu” tài nguyên cũng như góp phần bảo vệ môi trường, tăng thu ngân sách, cần sự vào cuộc quyết liệt, cứng rắn, trách nhiệm cao hơn của các đơn vị liên quan.
Theo đó, cần tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý các tổ chức, cá nhân và quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương nếu để xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, lập bến bãi thu mua khoáng sản trái phép. Quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế đối với việc mua bán đất, cát; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng mua bán, sử dụng bất hợp pháp, hợp thức hóa chứng từ đầu vào đối với cát, sỏi xây dựng.
Đặc biệt, để giải quyết vấn đề cốt lõi về cung và cầu, liên Sở: Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Đồng thời, bổ sung các khu vực mới có tiềm năng và điều kiện để tiến hành cấp mỏ.
Cát, sỏi lòng sông vẫn là vấn đề nhức nhối kéo dài, thách thức công tác quản lý của các địa phương. |
Phòng Quản lý nhà, bất động sản và vật liệu Sở Xây dựng tỉnh Quảng Bình nhìn nhận: Để hạn chế tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, Quy hoạch khoáng sản đất làm vật liệu san lấp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 của tỉnh, đã chủ động khoanh định lấy ý kiến đưa vào quy hoạch tỉnh 73 điểm mỏ đất san lấp với tổng diện tích sử dụng đất là 842,26ha; tổng trữ lượng, tài nguyên dự báo khoảng 50,48 triệu m3. Khuyến khích doanh nghiệp sản xuất cát nhân tạo để làm cát, đá xây dựng hoặc vật liệu cấp phối... góp phần giảm tải bãi thải mỏ, tiết kiệm tài nguyên.
Theo chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Bình về chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trái phép và cải tạo tận thu, ngành chức năng sẽ thành lập, tổ chức một số chuyên án để “đánh mạnh” vào hành vi vi phạm pháp luật này.
Nhất Linh
Theo