(Xây dựng) – Sau hơn một năm, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh Ninh Bình tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật, về hoạt động khoáng sản đã có kết quả, tuy nhiên nhiều nội dung liên quan chưa được xem xét đánh giá cụ thể, chi tiết.
Hiện Ninh Bình có khoảng 70 mỏ đất và mỏ đá trên địa bàn tỉnh. |
Sau khi rà soát các nội dung tại báo cáo kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra liên ngành, UBND tỉnh Ninh Bình nhận thấy có nhiều nội dung liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản tại các mỏ chưa được xem xét đánh giá cụ thể, chi tiết theo từng lĩnh vực như: Đầu tư, xây dựng, đất đai, thực hiện các quy định về thiết kế mỏ được duyệt; việc quản lý sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; tình hình thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với Nhà nước và các nội dung theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; xử lý những vi phạm, tồn tại, hạn chế đối với từng mỏ khoáng sản được kiểm tra theo quy định.
Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoạt động khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật và để đảm bảo công tác kiểm tra được thực hiện nghiêm túc, đánh giá đúng thực chất về tình hình hoạt động khoáng sản tại các mỏ trên địa bàn, UBND tỉnh Ninh Bình đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao theo từng lĩnh vực tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá, làm rõ những nội dung liên quan đối với từng lĩnh vực.
Về lĩnh vực đầu tư xây dựng dự án công trình khai thác mỏ: Rà soát các hạng mục công trình đã được đầu tư xây dựng của dự án (về quy mô, vị trí, diện tích...) so với dự án đã được phê duyệt và các vi phạm, thiếu sót trong qua quá trình triển khai dự án (bao gồm cả những dự án khai thác mỏ do chủ đầu tư tự lập và phê duyệt).
Về lĩnh vực thẩm định thiết kế cơ sở khai thác mỏ: Kiểm tra làm rõ việc khai thác mỏ có đảm bảo đúng thiết kế khai thác đã được Sở Xây dựng, Sở Công Thương thẩm định, các vi phạm, thiếu sót trong quá trình triển khai dự án.
Về lĩnh vực đất đai, khoáng sản, môi trường: Kiểm tra vị trí, ranh giới mỏ khai thác, việc cắm mốc giới tọa độ khép góc của mỏ, việc đăng ký khai thác, việc khai thác, công suất khai thác, trữ lượng khai thác... theo giấy phép khai thác khoáng sản được cấp; kiểm tra tình hình quản lý, sử dụng đất: Vị trí, ranh giới, vi phạm trong lĩnh vực đất đai, công tác hoàn thiện hồ sơ thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất theo quy định; kiểm tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường, các nội dung liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường, cam kết bảo vệ môi trường và Đề án cải tạo phục hồi môi trường sau khai thác.
Cùng với đó, kiểm tra, đánh giá về tình hình thực hiện các quy định về an toàn lao động tại các mỏ khoáng sản đã được cấp phép khai thác. Việc thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp đối với các mỏ phải sử dụng vật liệu nổ công nghiệp theo giấy phép sử dụng vật liệu nổ và phương án sử dụng vật liệu nổ đã được phê duyệt (đối với những mỏ khoáng sản có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp).
Ngoài ra, kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với hoạt động khai thác mỏ như: Việc nộp tiền thuê đất, nộp thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường tiền cấp quyền khai thác, tiền ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật...
Anh Tú
Theo