(Xây dựng) - Từ một tỉnh chỉ có 10 đơn vị hành chính cấp huyện vào năm 1975, đến nay, cùng với chặng đường 49 năm thống nhất và phát triển của đất nước, tỉnh Hòa Bình với 1 thành phố, 10 đơn vị hành chính cấp huyện đang tiếp tục nâng tầm đô thị theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa.
Diện mạo đô thị tỉnh Hòa Bình ngày càng khang trang, hiện đại. |
Từng bước ổn định bộ máy hành chính
Tỉnh Hòa Bình được thành lập từ năm 1886 trên cơ sở điều chỉnh các vùng đất đai có đông đồng bào dân tộc Mường cư trú thuộc các tỉnh Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội và Ninh Bình. Khi mới thành lập có 04 phủ và gọi là tỉnh Mường, đến năm 1896 chính thức gọi là tỉnh Hòa Bình.
Giai đoạn trước năm 1975, đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Hòa Bình có nhiều biến động do sáp nhập và điều chỉnh. Đến năm 1975, tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 01 thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) và 9 huyện gồm: Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Mai Châu, Tân Lạc và Yên Thủy. Đến nay, sau nhiều biến động về chia tách, điều chỉnh địa giới hành chính, tỉnh Hòa Bình có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 151 đơn vị hành chính cấp xã.
Quá trình sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính tại tỉnh Hòa Bình đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa, hiệu lực quản lý của bộ máy Nhà nước; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội và thuận lợi cho đời sống sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, qua đó cũng bộc lộ một số bất cập, hạn chế. Số lượng đơn vị hành chính các cấp trên địa bàn tỉnh nhiều so với quy mô dân số và diện tích tự nhiên của tỉnh (nếu tổ chức theo tiêu chuẩn hiện hành thì về quy mô dân số toàn tỉnh tổ chức khoảng 9 đơn vị cấp huyện và 140 đơn vị cấp xã; về diện tích tự nhiên toàn tỉnh tổ chức khoảng 06 đơn vị cấp huyện và 88 đơn vị cấp xã). Quy mô về dân số, diện tích tự nhiên, số lượng đơn vị hành chính, tổ chức trực thuộc của đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã không đồng đều. Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh trước khi thực hiện sáp nhập vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều đầu mối, nhiều biên chế; chi thường xuyên của ngân sách Nhà nước cho các địa phương lớn. Hiệu quả của công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành của hệ thống chính trị chưa cao và có sự chênh lệch lớn về số lượng nhiệm vụ, công việc phải giải quyết của cán bộ, công chức cùng vị trí nhưng khác đơn vị hành chính cùng cấp.
Hiện, tỉnh Hòa Bình có 11 đô thị hiện hữu, trong đó có thành phố Hòa Bình được phân loại đô thị loại II, 2 đô thị loại IV là Thị xã Lương Sơn, Thị trấn Mai Châu và 8 đô thị loại V.
Quy hoạch để nâng tầm đô thị
Theo Quyết định 1648/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030 tầm nhìn đến năm 2050, đến 2030, tỉnh Hòa Bình sẽ thành lập 6 đô thị mới.
Cụ thể, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Hòa Bình có 13 đô thị. Bao gồm 11 đô thị hiện hữu và thành lập 2 đô thị mới đạt tiêu chí đô thị loại V (thị trấn Phong Phú, huyện Tân Lạc và thị trấn Mường Vó, huyện Lạc Sơn). Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Hòa Bình có 17 đô thị.
Đô thị Hòa Bình phát triển theo mô hình chuỗi đô thị, gồm đô thị trung tâm hành chính - chính trị và các đô thị vệ tinh, được liên kết bằng hệ thống giao thông bán vành đai kết hợp các trục dọc, trục ngang có mối liên kết với mạng lưới giao thông vùng Trung du và miền núi phía Bắc và quốc gia. Phát triển không gian dựa trên kết nối các yếu tố tự nhiên và văn hóa truyền thống. Phát triển mô hình "Hành lang xanh" trong cấu trúc không gian đô thị của tỉnh.
Về phương án tổ chức lãnh thổ khu vực nông thôn, quy hoạch các khu dân cư mới theo nhu cầu thực tế của từng địa phương. Hình thành điểm dân cư nông thôn phân bố dọc theo các trục giao thông và lân cận các đô thị - công nghiệp tập trung. Đối với các khu dân cư thuần nông, có định hướng chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp hàng hoá, áp dụng mô hình kinh tế trang trại. Bố trí các điểm dịch vụ thương mại hàng hoá tại các trung tâm xã, nhằm khuyến khích phát triển trao đổi sản phẩm nông nghiệp hàng hoá.
Phát triển Hòa Bình trở thành trung tâm đô thị và nhà ở mới xanh, sạch, đẹp, có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giao thông công cộng kết nối cao, vượt trội về giáo dục, y tế, dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Nhà ở vệ tinh trở thành một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Một góc Thành phố Hòa Bình ngày nay. |
Ông Đoàn Tiến Lập - Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hòa Bình nhấn mạnh: Đô thị Hòa Bình thiết kế xây dựng theo năm tiêu chí: Khu dân cư linh hoạt có nhiều loại hình nhà ở với các mức giá khác nhau, áp dụng và nhân rộng các công nghệ thành phố thông minh; khả năng tiếp cận tiện ích trong khoảng cách đi bộ và tạo đủ không gian cho hội họp/giải trí; chất lượng môi trường được cải thiện, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; tính di động, tạo cơ sở hạ tầng hỗ trợ người đi bộ và các phương tiện không có động cơ, cung cấp giao thông công cộng/chia sẻ xanh đa phương thức hiệu quả; xây dựng nhiều loại cơ sở hạ tầng xã hội, đảm bảo người có nhu cầu đặc biệt cũng có thể tiếp cận được. Đồng thời tập trung vào các chương trình như mô hình ngôi nhà thứ hai; trung tâm đô thị xanh đa chức năng, tập trung huy động nguồn lực tư nhân để thực hiện các dự án nhà ở.
Để đạt được các mục tiêu này, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề ra nhiệm vụ đối với từng đô thị và việc tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp. Tập trung vào giải pháp về nguồn vốn, thu hút đầu tư, chính sách, phát triển đô thị thích ứng với biến đổi khí hậu, thiên tai; nguồn lực, về xây dựng, quản lý và thực hiện quy hoạch… Riêng giải pháp nguồn vốn là huy động đa dạng từ Trung ương, vốn ODA, ngân sách địa phương, nguồn vốn xã hội hóa và những nguồn vốn hợp pháp khác. Các nguồn vốn sẽ được sử dụng tốt cho đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, đảm bảo phát triển đồng bộ hạ tầng kinh tế, kỹ thuật, xã hội đô thị, đáp ứng tiêu chí phân loại đô thị theo chương trình, kế hoạch phát triển đô thị. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển đô thị đồng bộ, ưu tiên công trình có tính chất động lực, lan tỏa mạnh trong khu vực…
Tin tưởng rằng, với những mục tiêu và giải pháp cụ thể, tỉnh Hòa Bình sẽ sớm “về đích” trên hành trình đô thị hóa, tiếp tục tận dụng cơ hội, đánh thức tiềm năng, thu hút đầu tư để phát triển bền vững và toàn diện, trở thành một đô thị văn minh, hiện đại ngay cửa ngõ Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội.
Mai Thu
Theo