(Xây dựng) - Như tin đã đưa, ngày 25/5, trong chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề “việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023”.
Quốc hội thảo luận ở hội trường ngày 25/5. (Ảnh: Quốc hội) |
Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận phân tích những tồn tại và đề xuất giải pháp nhằm triển khai hiệu quả các dự án quan trọng quốc gia.
Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, thời gian quan, nhiều dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm của ngành giao thông được đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, mỏ vật liệu xây dựng, giải ngân ở mức cao so với các năm trước…
Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng cần có nhiều giải pháp căn cơ, cốt lõi hơn để đạt được mục tiêu, chỉ tiêu, quan điểm của Nghị quyết. Về lâu dài, đối với các dự án có vốn đầu tư lớn cần phải quy hoạch từ đầu nguồn vật liệu, tránh việc đến lúc triển khai dự án phải mua lại dẫn đến đội chi phí lên cao.
Đại biểu cũng cho rằng cần làm rõ hơn việc phân cấp cho chính quyền cấp tỉnh có đủ năng lực làm cơ quan chủ quản thực hiện các đoạn, tuyến cao tốc đi qua địa bàn có gì khó khăn trong khâu điều hành. Đây là chính sách mới, chưa có tiền lệ nên cũng cần có thời gian thực hiện, rút kinh nghiệm để nhân rộng.
Cho rằng việc chậm bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công cũng là một trong nhữngnguyên nhân làm chậm tiến độ các dự án và thực tế cho thấy có địa phương thực hiện rất tốt, có địa phương thì ì ạch… Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Chính phủ đánh giá trách nhiệm của địa phương, ngành, đơn vị thi công để phân định, đôn đốc, nhắc nhở, phê bình nghiêm khắc.
Cũng nhắc lại kết quả giám sát cho thấy việc phân cấp cho các địa phương làm cơ quan chủ quan đối với các dự án tuyến đường cao tốc, có nhiều địa phương đã làm rất tốt, nhưng cũng có những địa phương còn lúng túng, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội đặt vấn đề: Nếu áp dụng nhân rộng mô hình này, cần chú ý hai điểm. Thứ nhất, cần nâng cao năng lực thực hiện của các địa phương. Thứ hai là đi đôi với quyền hạn cần quy định rõ hơn về trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu…
Đại biểu Hoàng Văn Cường - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội thì nhận định, qua giám sát đã cho thấy, các chương trình dự án có cơ chế chính sách đặc thù kèm theo đã tháo gỡ được nhiều khó khăn giúp dự án triển khai nhanh, như các dự án quan trọng quốc gia được chỉ định thầu… Trong khi đó, nhiều dự án không có cơ chế đặc thù nên triển khai chậm, thậm chí nhiều dự án không thực hiện được.
“Dù dự án có phức tạp đến đâu mà có được cơ chế đặc thù, được phép bỏ qua những quy định không cần thiết, được làm theo phương thức phù hợp với thực tế thì dù khó mấy cũng thực hiện được”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng trong những vấn đề đang triển khai thực tế của các dự án có nhiều việc cần phải được thực hiện phù hợp với tình hình thực tiễn để có hiệu quả tốt hơn nhưng hiện chưa được quy định trong cơ chế đặc thù nên nhiều dự án đang phải dừng lại để chờ đợi, như dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Mê Thuột.
Hay như dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội thì phần khó khăn nhất như giải phóng mặt bằnlại làm nhanh, tuy nhiên công trình chính thì lại chưa triển khai được do chưa đấu thầu được. Do đó, rất cần kêu gọi được nhà thầu có đủ năng lực, kêu gọi được các nhà đầu tư có đủ tiềm lực, thu hút được nhà đầu tư nước ngoài…
Đại biểu đề nghị cần bổ sung vào Nghị quyết giám sát đối với dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô cho phép các nhà đầu tư trong nước được liên danh với nhà đầu tư nước ngoài, trong đó nhà đầu tư trong nước đứng đầu liên danh.
Cũng cho ý kiến về các dự án đường cao tốc, đại biểu Nguyễn Lâm Thành - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị cần phải có các nghiên cứu, báo cáo bổ sung như kiến nghị của Đoàn giám sát. Đồng thời cần làm rõ những nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình triển khai một số dự án quan trọng quốc gia.
Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nhận định: Các đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả giám sát và nỗ lực của Đoàn giám sát; sự chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, của Chính phủ và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan để Đoàn giám sát hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả giám sát cơ bản đạt được các mục tiêu đã đặt ra.
Các đại biểu cũng đã tập trung phân tích kết quả được, bất cập, hạn chế và nguyên nhân, trách nhiệm trong việc thực hiện nghị quyết; đóng góp giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án quan trọng quốc gia và thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nghị quyết 43 còn chưa kết thúc.
Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định, việc thực hiện các Nghị quyết về dự án quan trọng quốc gia đã cải thiện đáng kể hạ tầng giao thông, mở ra không gian phát triển mới, tăng cường liên kết vùng, nội vùng tạo động lực, sức lan tỏa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho các địa phương, các vùng trong cả nước và mở rộng đầu tư, thu hút vốn trong nước và quốc tế…
Bằng kinh nghiệm công tác của mình ở các Bộ, ngành, địa phương và từ thực tiễn, từ lắng nghe ý kiến của cử tri và nhân dân, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến quan trọng đối với việc thực hiện Nghị quyết 43 và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia.
Phó Chủ tịch Nguyễn Đức Hải cho biết, ý kiến của đại biểu Quốc hội được ghi âm, ghi chép đầy đủ. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo Đoàn giám sát và các cơ quan liên quan nghiên cứu tiếp thu để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết giám sát, trình Quốc hội thông qua.
Quý Anh
Theo