(Xây dựng) - Hiện nay, nhiều người mua chung cư cũ muốn cải tạo sửa chữa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp pháp luật yêu cầu trước khi sửa chữa nhà chung cư phải thực hiện thủ tục xin cấp phép.
Chủ nhà không được tự ý sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. |
Những trường hợp sửa chữa nhà chung cư phải xin phép
Việc sửa chữa nhà chung cư sẽ tùy thuộc vào nhu cầu của chủ sở hữu cũng như hiện trạng của nhà chung cư. Tuy nhiên trong một số trường hợp pháp luật yêu cầu trước khi sửa chữa nhà chung cư phải thực hiện thủ tục xin cấp phép.
Căn cứ tại Điều 6 Luật Nhà ở 2014 nêu rõ các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó quy định: Chiếm dụng diện tích nhà ở trái pháp luật; lấn chiếm không gian và các phần thuộc sở hữu chung hoặc của các chủ sở hữu khác dưới mọi hình thức; tự ý thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư.
Ngoài ra, tại Khoản 2 Điều 87 Luật Nhà ở cũng quy định việc cải tạo nhà ở phải thực hiện theo quy định của Luật này và pháp luật về xây dựng. Trường hợp pháp luật quy định phải lập dự án để cải tạo nhà ở thì phải thực hiện theo dự án được phê duyệt.
Như vậy, chủ nhà không được tự ý sửa chữa làm thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà chung cư. Điều này cũng có nghĩa, trong trường hợp muốn sửa chữa nhà chung cư nhưng việc sửa chữa gây ra thay đổi kết cấu chịu lực hoặc thay đổi thiết kế phần sở hữu riêng trong nhà thì chủ nhà phải tiến hành xin cấp phép trước khi sửa chữa.
Mặt khác, theo khoản 1 và khoản 2 Điều 4 Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 28/2016/TT-BXD quy định:
Trường hợp căn hộ hoặc phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng có hư hỏng thì chủ sở hữu hoặc người sử dụng được quyền sửa chữa, thay thế nhưng không được làm hư hỏng phần sở hữu chung và ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác.
Trường hợp thay thế, sửa chữa hoặc lắp đặt thiết bị thêm thì phải bảo đảm không làm thay đổi, biến dạng hoặc làm hư hỏng kết cấu của nhà chung cư.
Đối chiếu quy định trên, có thể thấy trường hợp sửa chữa chung cư không cần phải xin giấy phép khi đảm bảo không làm hư hỏng phần sở hữu chung và ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác, đảm bảo không làm thay đổi, biến dạng hoặc làm hư hỏng kết cấu của nhà chung cư. Các trường hợp cải tạo, sửa chữa nhà chung cư như lát nền, sơn lại nhà chung cư… thì không cần xin giấy phép xây dựng.
Sửa chữa nhà chung cư cần xin phép cơ quan nào?
Căn cứ theo Điều 103 Luật Xây dựng 2014 sửa đổi bởi khoản 37 Điều 1 Luật sửa đổi 2020, cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép sửa chữa nhà chung cư gồm:
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh: Cấp giấy phép xây dựng trên địa bàn tỉnh trừ công trình thuộc UBND cấp huyện cấp.
Ủy ban nhân dân cấp huyện: Công trình cấp III, cấp IV và nhà ở riêng lẻ.
Như vậy, chủ nhà sẽ tới cơ quan có thẩm quyền nêu trên để xin cấp giấy phép xây dựng khi có nhu cầu sửa chữa nhà chung cư.
Tiến Hào
Theo