(Xây dựng) – Công ty Cổ phần phát triển đô thị Từ Liêm (Lideco) gần đây nổi lên như một hiện tượng trong giới đầu tư bất động sản, dù sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn, vị trí đắc địa, lợi nhuận hàng trăm tỷ, nhưng nợ thuế hàng chục tỷ đồng, tồn kho lớn, thặng dư vốn cổ phần âm hơn trăm tỷ đồng.
Khu đô thị Lideco được coi là một trong những dự án BĐS lớn của Lideco. |
Lideco tiền thân là Xí nghiệp Xây dựng Từ Liêm được thành lập từ năm 1974. Năm 1992 phát triển thành một doanh nghiệp Nhà nước mang tên Công ty Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh nhà (Từ Liêm). Năm 2004, công ty được chuyển đổi từ doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần (Nhà nước không nắm giữ cổ phần) theo Quyết định số 3755/QĐ-UB ngày 16/06/2004 của UBND Thành phố Hà Nội. Hiện nay, người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Văn Kha, Chủ tịch HĐQT.
Tìm hiểu được biết Lideco là chủ sở hữu của nhiều dự án tầm cỡ tại Hà Nội và các tỉnh, trong đó nổi lên gồm Dự án Khu đô thị mới Bắc Quốc lộ 32 (Hoài Đức, Hà Nội), Khu đô thị mới Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), Dự án chung cư Lideco Hạ Long (Hạ Long, Quảng Ninh),…
“Thụt két” hơn trăm tỷ từ thặng dư vốn cổ phần
Theo báo cáo tài chính năm 2020 và quý II/2021, Lideco có tổng tài sản lên đến gần 2.000 tỷ đồng, lợi nhuận được ghi nhận hàng trăm tỷ đồng, chủ yếu từ hoạt động kinh doanh bất động sản bất chấp tình hình dịch bệnh Covid – 19 phức tạp, kéo dài, gây sóng gió cho thị trường bất động sản Hà Nội và các tỉnh.
Cụ thể, tính đến hết ngày 31/12 ghi nhận tổng tài sản của Lideco là hơn 1.809 tỷ đồng tăng khoảng 267 tỷ đồng so với đầu năm, tính đến hết quý II/2021 thì tổng tài sản hơn 1.816 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong cơ cấu tổng tài sản thì hàng tồn kho được ghi nhận rất lớn, hơn 1.158 tỷ đồng năm 2020 và hơn 1.237 tỷ đồng tính đến hết quý II/2021. Giá trị hao mòn lũy kế năm hết năm 2020 là hơn 30,59 tỷ đồng, tính đến hết quý II/2021 là hơn 31.11 tỷ đồng. So với nguyên giá tài sản cố định thì giá trị hao mòn lũy kế chiếm khoảng 45%.
Hơn 1.158 tỷ đồng hàng tồn kho chủ yếu từ tồn kho nguyên vật liệu, hàng hóa bất động sản và chi phí sản xuất kinh doanh dang dở. Cụ thể, từ các dự án mà Lideco đang đầu tư gồm: Dự án chung cư tại thành phố Hạ Long hơn 51,6 tỷ đồng; tòa nhà N04B1, khu đô thị Dịch Vọng Cầu Giấy (Hà Nội) hơn 10.7 tỷ đồng; tòa NO11 chi phí GPMB, tiền sử dụng đất hơn 143,6 tỷ đồng; Dự án Dịch Vọng chi phí đầu tư xây dựng hạ tầng là hơn 100 tỷ đồng; Dự án khu 23ha Bãi Muối, (Hạ Long, Quảng Ninh) hơn 544 tỷ đồng; Dự án KĐT mới Bắc Quốc lộ 32 là hơn 298 tỷ đồng…
Nợ ngắn hạn ở mức cao và có xu hướng tăng theo thời gian. Năm 2019, hơn 555 tỷ đồng, năm 2020 hơn 634 tỷ đồng, hết quý II/2021 là hơn 658 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ dài hạn giữ nguyên ở mức hơn 10.86 tỷ đồng từ 2019 cho đến nay.
Khả năng huy động vốn của Lideco cũng được đánh giá là chưa tốt, vì khoản vay ngắn hạn ngân hàng phát sinh trong năm là hơn 61 tỷ đồng (năm 2020) trong khi vay cá nhân là hơn 93 tỷ đồng lãi suất 13%/năm.
Về nguồn vốn chủ sở hữu được ghi nhận là hơn 1.164 tỷ năm 2020. Cấu thành nguồn vốn chủ sở hữu chủ yếu từ vốn góp chủ sở hữu hơn 609 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là hơn 658 tỷ đồng. Hết quý II/2021, nguồn vốn chủ sở hữu hơn 1.147 tỷ đồng, so với 2020, vốn góp không thay đổi còn lợi nhuận sau thuế là hơn 641 tỷ đồng.
Một điểm đáng chú ý trong nguồn vốn chủ sở hữu là thặng dư vốn cổ phần âm hơn 104 tỷ đồng từ năm 2019 cho đến nay. Điều này khiến cho chủ sở hữu bị “bốc hơi” hơn trăm tỷ đồng.
Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp cho thấy đến hết 31/12/2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 652 tỷ đồng, giảm khoảng 183 tỷ so với năm 2019. Quý II/2021 thì con số này là hơn 109 tỷ, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước (tăng khoảng 8 tỷ đồng), lũy kế năm nay là hơn 159 tỷ đồng và năm trước là 143 tỷ đồng.
Biểu đồ minh họa số liệu Báo cáo tài chính của Lideco |
Siêu lợi nhuận, sao vẫn nợ thuế?
Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 421 tỷ năm 2020, tăng khoảng 68 tỷ so với năm 2019 (hơn 353 tỷ đồng). Nếu tính quý II/2021 thì con số này là hơn 69 tỷ đồng, tăng khoảng 5 tỷ đồng so với cùng kỳ và lũy kế năm là hơn 91 tỷ, tăng gần 8 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2019 là hơn 233 tỷ đồng, năm 2020 là hơn 295 tỷ đồng, tăng 62 tỷ (tăng khoảng 26% so với cùng kỳ năm trước). Quý II/2021 ghi nhận lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là 51 tỷ đồng cùng kỳ năm trước là hơn 42 tỷ đồng, lũy kế năm là hơn 64 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước tăng gần 10 tỷ đồng.
Theo báo cáo tài chính của Lideco năm 2020, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ là 652 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ là hơn 421 tỷ đồng (chiếm khoảng 64,57% doanh thu), lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh là hơn 369 tỷ đồng (chiếm khoảng 56,59% doanh thu), tổng lợi nhuận kế toán trước thuế là hơn 370 tỷ đồng (chiếm khoảng 56,74 % doanh thu), lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 295 tỷ đồng (chiếm khoảng 45,24% doanh thu).
Về phần chi phí bán hàng cũng được ghi nhận mức tăng nhanh 2,5 lần, từ hơn 11.8 tỷ đồng năm 2019 lên hơn 28.6 tỷ đồng năm 2020. Chi phí quản lý doanh nghiệp 2019 là 25 tỷ đồng và năm 2020 là 29 tỷ đồng.
Mặc dù tài sản, doanh thu, lợi nhuận của Lideco đều rất lớn, các con số được ghi nhận ở mức hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Dù Lideco đã tích cực đóng thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước nhưng mức nợ vẫn cao, lên đến hơn 78 tỷ đồng (riêng Thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 68 tỷ đồng) năm 2020, tăng gần 40 tỷ đồng so với năm 2019. Tính đến cuối kỳ quý II/2021 thuế và các khoản phải nộp Nhà nước là hơn 33 tỷ đồng.
Một số điểm đáng lưu ý khác trong BCTC năm 2020 của Lideco là bị thuế phạt, bị truy thu, phạt hành chính hơn 206 triệu đồng, chi phí không phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh là hơn 992 triệu đồng, chi phí khác không được giải thích rõ là hơn 270 triệu đồng. Thù lao và cổ tức phải trả Hội đồng quản trị là hơn 33 tỷ đồng, Cổ tức, lợi nhuận phải trả là hơn 62 tỷ đồng (không tính Cổ tức Hội đồng Quản trị).
Qua đó có thể thấy Lideco “làm ăn” rất tốt trong thời gian gần đây, doanh thu tốt, lợi nhuận cao, tài sản trị giá hơn nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên vẫn có những điểm chưa “sáng” như tồn kho lớn, chi phí lớn, “thụt két” hàng trăm tỷ, nợ thuế hàng chục tỷ đồng. Mặt khác, tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu ở mức rất cao cũng khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Có ý kiến cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh Covid – 19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp bất động sản ảnh hưởng nghiêm trọng, doanh thu sụt giảm, kéo theo lợi nhuận giảm. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, nhiều doanh nghiệp để có thể huy động vốn từ cổ phiếu, trái phiếu nhằm có nguồn tiền chi trả, người ta có thể công bố tình hình kinh doanh tốt hơn so với thực tế để dễ đạt hiệu quả cho việc huy động vốn từ các nhà đầu tư.
Báo điện tử Xây dựng sẽ thông tin thêm./.
Đỗ Lê
Theo