(Xây dựng) - Hoàn thiện hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới, nâng cấp chợ trung tâm mở rộng hệ thống bán lẻ đang được tỉnh Thừa Thiên Huế đặc biệt chú trọng.
KKT Cửa khẩu A Đớt tỉnh Thừa Thiên Huế. (Ảnh minh hoạ) |
Thừa Thiên Huế là một trong 10 tỉnh biên giới của tuyến biên giới Việt Nam - Lào, với chiều dài 84 km, có 2 cửa khẩu biên giới đất liền là Hồng Vân - Cô Tài và A Đớt - Tà Vàng. Tại khu vực các cửa khẩu trên tuyến biên giới đều được tỉnh bố trí đủ các lực lượng chức năng như y tế, biên phòng, kiểm dịch và Chi cục Hải quan 1 cửa khẩu A Đớt.
Nhận thức được vị trí có tầm quan trọng tới hoạt động thương mại biên giới của địa phương, những năm vừa qua, việc quan tâm xây dựng hạ tầng thương mại tại khu vực biên giới đã được tỉnh Thừa Thiên Huế chú trọng.
Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Thừa Thiên Huế đã triển khai 2 dự án phát triển hạ tầng thương mại: Nâng cấp chợ A Lưới và xây mới chợ Bốt Đỏ (huyện A Lưới) với tổng mức đầu tư 25,182 tỷ đồng.
Theo quy hoạch phát triển thương mại tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021 - 2030, được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt, trên địa bàn huyện miền núi A Lưới sẽ xây dựng mới 2 chợ, quy mô hạng 3 gồm chợ cửa khẩu S3 (xã Hồng Vân), chợ cửa khẩu S10 (xã A Đớt). Khi hoàn thành, dự án sẽ đáp ứng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật phục vụ nhu cầu mua bán, giao thương của người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của một huyện miền núi.
Tỉnh cũng đã duy trì các hoạt động xúc tiến thương mại qua biên giới Việt Nam - Lào, phối hợp với các tỉnh biên giới của Lào tổ chức các Hội chợ, phiên chợ, Hội nghị kết nối... Qua đó, thúc đẩy đưa sản phẩm hàng hóa tiếp cận và thâm nhập thị trường thông qua các cửa khẩu, lối mở biên giới Việt Nam - Lào.
Vào hồi đầu năm 2024, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ Công Thương Lào Malaithong Kommasith đã ký kết Bản ghi nhớ về phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Đây là thỏa thuận cấp Chính phủ đầu tiên trong lĩnh vực hợp tác phát triển hạ tầng thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào.
Bản ghi nhớ với định hướng phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam – Lào đảm bảo phù hợp theo hướng hiện đại, bền vững; Trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng giữa Việt Nam với các nước trong khu vực và quốc tế; Góp phần phát triển kinh tế xã hội khu vực biên giới; Tạo động lực cho các doanh nghiệp đến giao lưu thương mại. Bản ghi nhớ được triển khai tại 10 tỉnh biên giới của Việt Nam, trong đó có Thừa Thiên Huế.
Hiện nay, chợ A Lưới và xây mới chợ Bốt Đỏ (huyện A Lưới) là 2 chợ đã được nâng cấp phát triển hạ tầng thương mại theo định hướng của tỉnh.
Trong đó, chợ A Lưới là nơi giao lưu buôn bán chính của huyện miền cao A Lưới. Chợ A Lưới trở thành điểm đến lý tưởng của nhiều cộng đồng dân cư, của nhiều dân tộc cũng như của nhiều vùng, miền trong tỉnh. Đến đây, không chỉ duy nhất là chuyện mua hàng hóa, mà còn để khám phá nét văn hóa phong phú, tập quán sinh sống, sinh hoạt đặc sắc của đồng bào dân dân tộc nơi đây như việc trao đổi hàng hóa; ăn mặc, cách mua sắm...
Tái hiện lễ vào nhà mới theo phong tục truyền thống tại chợ phiên vùng cao A Lưới. |
Một điều quan trọng không thể không kể đến sự đóng góp tích cực của chợ A Lưới, đó là, đã góp phần thay đổi tập quán tự cung tự cấp trước đây mà thay vào đó bà con đồng bào dân tộc giờ đã làm quen với phương thức buôn bán, giao lưu trao đổi hàng hóa, đặc biệt là hàng hóa tại biên giới, giúp tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài.
Lê Trang
Theo