(Xây dựng) - Phát triển đồng bộ và nâng cấp hệ thống giao thông trong đó chú trọng kết nối giao thông liên vùng; hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến hạ tầng biên giới và phát triển hoạt động thương mại biên giới như dự án bãi kiểm hóa, trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm thương mại dịch vụ là những giải pháp căn cơ đang được tỉnh Hà Tĩnh triển khai nhằm thúc đẩy hiệu quả hoạt động thương mại biên giới của địa phương này.
Ngày 25/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 259/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Sau quyết định này, các tỉnh, thành trên toàn quốc đã tích cực vào cuộc thực hiện và ban hành Kế hoạch phát triển thương mại biên giới với các mục tiêu, giải pháp cụ thể. Trong đó, Sở Công Thương được giao chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện, thành phố khu vực biên giới và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Kế hoạch này.
Để nắm bắt và hiểu rõ hơn về hiệu quả của việc triển khai Kế hoạch phát triển thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo điện tử Xây dựng đã có cuộc phỏng vấn với ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh.
Ông Võ Tá Nghĩa, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh. |
PV: Để khai thác tốt lợi thế, tiềm năng thương mại của địa phương thuộc khu vực biên giới, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh quốc phòng, biên giới quốc gia, Sở Công Thương tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức triển khai Kế hoạch phát triển hạ tầng thương mại biên giới như thế nào?
Ông Võ Tá Nghĩa: Với vai trò là cơ quan chủ trì, đầu mối tham mưu về phát triển thương mại biên giới, Sở Công Thương đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch Chương trình phát triển hạ tầng thương mại biên giới giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (được UBND tỉnh triển khai cụ thể các nội dung tại Kế hoạch số 110/KH-UBND ngày 13/4/2021), nhằm xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho các sở, ngành, địa phương liên quan; nhằm đảm bảo được tính khả thi và hiệu quả, có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất và sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể; huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn vốn xã hội hóa. trong đó tập trung vào các nhóm nhiệm vụ .
Cụ thể, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Rà soát, tích hợp các quy hoạch liên quan đến hạ tầng thương mại biên giới vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh; Thu hút, huy động nguồn lực phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Kết nối hạ tầng thương mại biên giới với các nước có chung đường biên giới và các nước trong khu vực; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm công tác phát triển và quản lý hạ tầng thương mại biên giới; Tuyên truyền, quảng bá về phát triển hạ tầng thương mại biên giới; Xây dựng cơ sở dữ liệu về phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tham mưu UBND tỉnh thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo phát triển thương mại biên giới tỉnh.
Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo Hà Tĩnh. |
PV: Tỉnh đã có những giải pháp căn cơ nào để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới, hạ tầng thương mại biên giới phát triển, đồng bộ kết cấu hạ tầng đưa hạ tầng kỹ thuật trở thành tiền đề mở đường cho thương mại biên giới phát triển?
Ông Võ Tá Nghĩa: Với đặc điểm đường biên giới tiếp giáp với các tỉnh thuộc Lào, địa hình hiểm trở, những giải pháp được tỉnh xác định các giải pháp chính để phát triển kết cấu hạ tầng thương mại khu vực biên giới, hạ tầng thương mại biên giới phát triển gồm:
Phát triển đồng bộ và nâng cấp hệ thống giao thông trong đó chú trọng kết nối giao thông liên vùng. Tăng cường hạ tầng giao thông trực tiếp tại các cửa khẩu, bao gồm hệ thống kho bãi, logistics, trạm kiểm soát, và các công trình hỗ trợ khác.
Đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư các dự án thương mại dịch vụ trên địa bàn; nâng cấp, cải tạo một số hạ tầng thương mại xuống cấp để phục vụ nhu cầu của người dân, phát triển hoạt động thương mại biên giới như dự án bãi kiểm hóa, trung tâm logistics, kho bãi, trung tâm thương mại dịch vụ (tại khu vực Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo). Hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến hạ tầng biên giới như: điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo đến năm 2045.
Thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án Logistics, cảng cạn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; rà soát, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng. Thu hút đầu tư xây mới 02 chợ biên giới, cụ thể: chợ biên giới Sơn Hồng, địa chỉ tại xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn với xếp loại chợ hạng III, diện tích quy hoạch 3.000 m2; chợ biên giới Sơn Kim, địa chỉ tại xã Sơn Kim 1, huyện Hương Sơn với xếp loại chợ hạng III, diện tích quy hoạch 6.800 m2 (theo Kế hoạch số 580/KH-UBND ngày 22/12/2023 của UBND tỉnh về phát triển hệ thống chợ trên địa bàn tỉnh đến năm 2030).
Trung tâm thương mại Vincom với quy mô loại II làm hiện đại hơn hệ thống hạ tầng thương mại của thành phố Hà Tĩnh. |
Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập khẩu, kiểm tra, thông quan người, hàng hóa, phương tiện qua lại cửa khẩu. Tăng cường phối hợp các lực lượng đảm bảo an ninh biên giới, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường hợp tác với các tỉnh có chung biên giới (Bolikhamxay và Khăm Muồn) để kết nối hạ tầng thương mại biên giới với các nước trong khu vực.
PV: Theo ông, bà, hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hiện tại cũng như hệ thống quy hoạch tỉnh có cần phải bổ sung hay hoàn thiện thêm để tạo hiệu quả trong việc triển khai phát triển hạ tầng thương mại biên giới?
Ông Võ Tá Nghĩa: Cơ chế chính sách và hành lang pháp lý hiện tại về việc triển khai phát triển hạ tầng thương mại biên giới thời gian qua đã từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc bố trí các nguồn lực để thực hiện các chính sách, đầu tư các dự án, hạng mục cơ sở hạ tầng thương mại biên giới còn khó khăn.
Trước đây, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo được hưởng các chính sách đặc thù riêng, nhưng hiện nay vẫn áp dụng các chính sách như các cửa khẩu quốc tế khác trong nước, trong khi các cửa khẩu tiếp giáp với Lào có những khó khăn riêng, địa hình phức tạp, dân cư thưa thớt, nên cần có những chính sách ưu đãi hơn.
Một số quy định phía nước bạn Lào có những thay đổi, như kiểm soát trọng tải phương tiện, hệ thống hạ tầng của Lào chưa đáp ứng yêu cầu cũng ảnh hưởng đến hoạt động thương mại biên giới. Nền kinh tế tỉnh Hà Tĩnh đang phát triển nhanh, cơ chế, chính sách thương mại biên giới của nước bạn Lào và các nước trong khu vực cũng thay đổi nhanh chóng, do đó tỉnh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước để phát triển kết cấu hạ tầng khu vực biên giới và Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.
Đồng thời, cần cập nhật và bổ sung các quy định liên quan đến thương mại biên giới, tạo ra khung pháp lý rõ ràng, minh bạch cho các hoạt động thương mại và đầu tư. Cần xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế, phí, và hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng thương mại, khuyến khích phát triển các dự án quy mô lớn.
Showroom ô tô Nissan Hà Tĩnh - Bình Thủy vừa được đầu tư xây dựng. |
PV: Việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực cá nhân, tổ chức tham gia phát triển thương mại biên giới và tăng cường liên kết phát triển giữa các địa phương trong tỉnh được thực hiện như thế nào?
Ông Võ Tá Nghĩa: Tỉnh Hà Tĩnh đã tích cực thực hiện các giải pháp để thu hút các nguồn lực đầu tư từ các nguồn lực cá nhân, tổ chức để đầu tư phát triển huy động các nguồn lực đầu tư làm động lực phát triển thương mại khu vực biên giới trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông quan trọng để tạo động lực phát triển cho cả khu vực biên giới.
Đến nay 100% chợ tại các xã biên giới đều đạt chuẩn nông thôn mới, cùng với đó, triển khai nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung khu kinh tế cửa khẩu phù hợp với tình hình mới.
Tăng cường công tác hợp tác, liên kết khuyến công giữa tỉnh Hà Tĩnh và các tỉnh của Lào, từng bước chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp tại các huyện biên giới từ tự cấp, tự túc truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Hỗ trợ các tỉnh của Lào xây dựng hạ tầng, bảo đảm an ninh biên giới, xây dựng các mô hình sản xuất mới được các địa phương đặc biệt quan tâm xây dựng và nhân rộng.
Đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm để thúc đẩy năng lực sản xuất hàng hoá của người dân địa phương, người dân các xã biên giới từ đđó thúc đẩy hoạt động thương mại và dịch vụ trở thành một bộ phận quan trọng trong cơ cấu kinh tế các xã biên giới, biển đảo.
PV: Kế hoạch, mục tiêu thời gian tới của tỉnh về phát triển thương mại biên giới là gì, thưa ông?
Ông Võ Tá Nghĩa: Với mục tiêu nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển và kết nối hạ tầng thương mại biên giới hai nước Việt - Lào, giữa tỉnh Hà Tĩnh và hai tỉnh Bolykhămxay và Khăm Muộn nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương hai bên biên giới; thu hút các nhà đầu tư, khuyến khích xã hội hóa đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại biên giới; tăng cường mối quan hệ hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực kinh tế - thương mại, văn hóa - xã hội của các huyện biên giới, góp phần nâng cao đời sống cư dân khu vực biên giới; đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực biên giới, thời gian tới tỉnh sẽ chú trọng một số nội dung như:
Tăng cường thu hút đầu tư vào hoạt động kinh doanh, thương mại biên giới, giao thương trong Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng thương mại vào Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế cầu treo hằm phục vụ hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá. Thực hiện xã hội hóa đầu tư xây dựng các dự án Logistics, cảng cạn tại Khu Kinh tế Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; rà soát, thúc đẩy triển khai các cơ chế, chính sách tạo điều kiện thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, cảng Vũng Áng.
Quan tâm chú trọng phát triển các chợ biên giới, chợ khu kinh tế, đường giao thông, trung tâm logistics, kho hàng hoá, siêu thị và hạ tầng kỹ thuật tại các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới nhằm đảm bảo đủ điều kiện để thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới. Huy động các nguồn lực, lồng ghép với nguồn kinh phí được Trung ương, tỉnh, huyện hỗ trợ về đầu tư xây dựng nông thôn mới để nâng cấp các chợ vùng biên giới và từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông nông thôn tại các xã biên giới, phục vụ nhu cầu giao thương và sinh hoạt cho người dân.
Đặc biệt, tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng như Hải quan, Biên phòng, Quản lý Thị trường, Công an các huyện có đường biên giới trong trao đổi thông tin, tuần tra, kiểm soát, đấu tranh, ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ xử lý các hành vi vi phạm và tội phạm về buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới.
Bên cạnh đó, tổ chức các chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng cho người lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và logistics, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Kim Oanh - Huyền Nhi (thực hiện)
Theo