(Xây dựng) - Tối qua (24/11), Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp lần tiêu biểu Hà Tĩnh lần thứ 6 được tiến hành khai mạc, với sự góp mặt của 100 gian hàng bao gồm các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn với sự chuẩn bị công phu, độc đáo.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu khai mạc buổi lễ. |
Tôn vinh thương hiệu, thúc đẩy phát triển kinh tế
Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp 2023 thu hút đông đảo hàng nghìn lượt khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, khám phá các mặt hàng nông sản nổi tiếng đến từ các địa phương trong địa bàn toàn tỉnh.
Với đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu, thời gian qua, ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã sản xuất nhiều sản phẩm đặc trưng, trong đó cam là một trong 15 cây trồng chủ lực thu hoạch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 2 năm sau. Tổng diện tích cam trên địa bàn toàn tỉnh đạt trên 7.200 ha, trong đó diện tích cho quả đạt trên 6.100ha với năng suất khoảng 110 tạ/ha. Tổng sản lượng năm 2023 đạt gần 68.000 tấn/năm.
Thời gian qua, Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ các cơ chế chính sách, chú trọng áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap và hữu cơ để mở rộng diện tích, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, đã có 130 cơ sở sản xuất cam được cấp chứng nhận VietGAP cho diện tích 762ha; diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ là 70,8ha.
Xác định chuyển đổi số là một trong những bước đi quan trọng nhằm gia tăng giá trị trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh đã chỉ đạo xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc cây cam Hà Tĩnh tại địa chỉ //camhatinh.gov.vn để minh bạch thông tin đến người tiêu dùng.
Cam giòn Thượng Lộc (huyện Can Lộc) một trong những sản phẩm được ưa chuộng tham gia tại lễ hội. |
Triển khai chương trình OCOP và chương trình khuyến công, đến nay, nhiều sản phẩm của tỉnh không ngừng hoàn thiện chất lượng, mẫu mã, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Toàn tỉnh hiện có 239 sản phẩm OCOP 3 sao trở lên; 166 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 38 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và 13 sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia.
Sự thành công của những lần tổ chức trước là tiền đề để năm nay sự kiện tiếp tục được nhân rộng, nhằm mục đích giới thiệu, thực hiện chiến lược quảng bá, tôn vinh thương hiệu, chất lượng ngon nổi tiếng của cam Hà Tĩnh và một số nông sản, đặc sản của địa phương đến với đông đảo người dân trong tỉnh, trong nước và nước ngoài. Đồng thời đây cũng là cơ hội để kích cầu tiêu dùng sản phẩm cam và các nông sản khác, từ đó nâng cao hiệu quả kinh doanh, phát triển sản xuất, góp phần tăng tưởng kinh tế địa phương.
Bên cạnh đó, Lễ hội cam và các sản phẩm nông nghiệp năm 2023 còn là nơi để các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về bảo tồn các giống cây, công nghệ áp dụng trong sản xuất, sự chuyển giao khoa học kỹ thuật… nhằm tăng chất lượng cũng như sản lượng các mặt hàng một cách bền vững, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến khâu tiêu dùng một cách hiệu quả.
Sắc màu lễ hội
Lễ hội năm nay quy tụ 100 gian hàng của 13 địa phương và 7 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cùng đặc sản của tỉnh.
Ông Phan Cao Kỳ – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Can Lộc cho biết: “Ngay từ thời điểm các vườn cam vào mùa thu hoạch, huyện Can Lộc đã đề nghị các địa phương có thế mạnh lập danh sách hộ đăng kí tham gia; thành lập đoàn tiến hành đến khảo sát tận vườn hộ để lựa chọn những vườn cam, cây cam đảm bảo chất lượng trưng bày trong lễ hội năm nay. Đoàn ưu tiên chọn những nhà vườn, hợp tác xã đảm bảo thực hiện các quy trình, kỹ thuật sản xuất cam sạch theo hướng VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học”.
Huyện Lộc Hà mang đến hội chợ những sản phẩm đặc sản như: Tôm khô, cá khô, nước mắm… |
Ông Trần Đình Chiến - Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Hương Sơn chia sẻ: “Lễ hội là nơi chúng tôi giao lưu, chia sẻ cũng như tìm kiếm đối tác nên chúng tôi chuẩn bị chu đáo về nguồn hàng. Sản phẩm chủ đạo là nhung hươu tươi, nhung hươu khô và các sản phẩm chế biến từ nhung hươu như: Cao, rượu, nhung hươu ngâm mật ong... bên cạnh đó, khi có chủ trương triển khai chuyển đổi số trong chương trình OCOP, công ty đã nhanh chóng tiếp cận và dẫn đầu trong việc xúc tiến quảng cáo, kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các gian hàng trực tuyến nhằm quảng bá thương hiệu nông sản Hương Sơn”.
Chủ cơ sở giò me Tiến Giáp (thị trấn Hương Khê) cho biết: Cở sở đã chuẩn bị chu đáo cho lễ hội năm nay với 3 tạ giò me, 1 tạ chả sụn, 1 tạ xúc xích và nhiều sản phẩm khác”.
Chị Nguyễn Thu Thanh (phường Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết: “Đây là năm thứ 6 tôi tham gia lễ hội, thấy năm nay có nhiều điểm mới rất thu hút, đặc biệt là khâu trang trí các gian hàng bắt mắt, hấp dẫn. Chúng tôi đã đi tham quan nhiều gian trưng bày các sản phẩm cam, quýt, tôm, cá, mực, các giống cây trồng..., được mở mang tầm mắt cũng như tin tưởng vào sự phát triển của nông sản tỉnh nhà trong tương lai.”
Lễ hội cam và sản phẩm nông nghiệp Hà Tĩnh sẽ diễn ra đến hết ngày 26/11 tại thành phố Hà Tĩnh.
Phương Dung - Lê Minh
Theo