(Xây dựng) - Theo báo cáo, chỉ số sản xuất toàn ngành Công nghiệp Hà Tĩnh tháng 7/2024 tăng 4,18% so với tháng trước và tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do ảnh hưởng của thị trường khiến xuất khẩu thép, phôi thép giảm đến 25,3% so với cùng kỳ năm trước. |
Theo đó, ngành Công nghiệp khai khoáng ước tăng 6,72% so với tháng trước và tăng 37,19% so với cùng kỳ; ngành Công nghiệp chế biến chế tạo ước tăng 14,87% so với tháng trước và tăng 25,07% so với cùng kỳ; ngành sản xuất và phân phối điện dự tính giảm 37,05% so với tháng trước và giảm 12,88% so với cùng kỳ; ngành cung cấp nước và xả lý rác thải dự ước giảm 1,17% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 12,01%.
Một số sản phẩm công nghiệp 7 tháng năm 2024 tăng so với năm trước: Quặng ilmenite và tinh quặng ilmenite tăng 70,97%; bê tông trộn sẵn tăng 36,65%; vỏ bào, dăm gỗ tăng 31,06%; bia đóng lon tăng 26,03%; điện sản xuất tăng 28,32%; điện thương phẩm tăng 15,55%...
Một số sản phẩm công nghiệp 7 tháng năm 2024 giảm so với cùng kỳ năm trước bao gồm: Gạch xây dựng bằng đất sét nung giảm 43,35%; thép không gỉ ở dạng bán thành phẩm giảm 13,82%...
Sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi mạnh mẽ. Doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị... để tăng công suất hoạt động, đáp ứng nhu cầu của các dự án lớn đang triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Các doanh nghiệp trên địa bàn đang đẩy mạnh tìm kiếm thị trường, mở rộng mạng lưới khách hàng để tăng tốc sản xuất - kinh doanh trong chặng giữa năm, sớm hoàn thành mục tiêu sản xuất - kinh doanh năm nay. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có dấu hiệu khởi sắc hơn khi tăng cao so với tháng trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt mức so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, kim ngạch xuất nhập khẩu trong tháng 7 ước đạt 458,9 triệu USD, tăng 20,8% so với tháng trước nhưng vẫn giảm 18,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 178,2 triệu USD, tăng 38,7% so với tháng trước nhưng giảm đến 21,4% so với cùng kỳ năm 2023; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 280,7 triệu USD, tăng 11,7% so với tháng trước nhưng giảm 16,2% so với cùng kỳ năm trước.
Tính chung 7 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 3,531 tỷ USD, giảm 6,54% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu ước đạt hơn 1,275 tỷ USD, giảm 22% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,256 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước.
Nguyên nhân dẫn đến kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do ảnh hưởng của thị trường khiến xuất khẩu thép, phôi thép giảm đến 25,3% so với cùng kỳ năm trước. Đây là nhóm hàng chiếm tỷ trọng hơn 89% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Ngoài ra, các nhóm hàng xuất khẩu khác như: Thủy sản, dăm gỗ, may mặc cũng giảm khá sâu, chỉ có duy nhất nhóm ngành chè có tăng trưởng trong 7 tháng đầu năm nhưng giá trị xuất khẩu chỉ đạt 3,17 triệu USD.
Tổng vốn đầu tư phát triển thuộc nguồn vốn ngân sách Nhà nước do địa phương quản lý tháng 7/2024 ước đạt 441,01 tỷ đồng, tăng 8,86% so với tháng trước, giảm 16,51% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó: Vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh ước đạt 261,14 tỷ đồng, tăng 9,69% so với tháng trước và giảm 32,93% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện ước đạt 135,15 tỷ đồng, tăng 8,02% so với tháng trước và tăng 46,39% so với cùng kỳ năm trước; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã ước đạt 44,71 tỷ đồng, tăng 6,66% so với tháng trước và giảm 3,90% so với cùng kỳ năm trước.
Trong tháng, một số công trình thi công với tiến độ lớn như: Đường trục chính trung tâm nối Quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Kỳ Anh đến cụm Cảng nước sâu Vũng Áng - Sơn Dương ước đạt 25.300 triệu đồng; tiểu dự án cải thiện cơ sở hạ tầng đô thị Thạch Hà đạt ước đạt 42.541 triệu đồng; đường từ Quốc Lộ 12C đi khu liên hợp gang thép Formosa tỉnh Hà Tĩnh ước đạt 15.000 triệu đồng; dự án đường vành đai phía Nam Khu kinh tế Vũng Áng ước đạt 7.400 triệu đồng…
Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm còn chậm so với kế hoạch giao, vốn ngân sách cấp tỉnh quản lý giải ngân chỉ đạt 31,54% kế hoạch vốn đã phân bổ, trong đó nguồn vốn ODA giải ngân chỉ đạt 7,76% kế hoạch vốn giao. Các công trình lớn thuộc nguồn vốn Trung ương và vốn ODA thực hiện chậm do còn vướng mắc công tác giải phóng mặt bằng cũng như quy trình thủ tục đầu tư, hồ sơ thi công dẫn đến giá trị thực hiện các tháng đầu năm còn đạt thấp. Mặc dù trải qua nửa chặng đường năm 2024 tuy nhiên tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chỉ mới đạt 30,6% kế hoạch năm.
Phương Dung
Theo