(Xây dựng) – Các công trình hầm dành cho người đi bộ tại địa bàn Hà Nội được xây dựng nhằm giúp đảm bảo an toàn cho người đi bộ, người đi xe đạp khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay, một thực trạng đáng quan ngại đó là người dân lại thờ ơ, không sử dụng hầm đi bộ khi di chuyển.
Hầm đi bộ tại nút giao Ngã Tư Sở dài gần 500m đi theo vòng tròn với 12 cửa đặt 4 góc đường Tây Sơn - Láng, Láng - Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi - Trường Chinh, Trường Chinh - Tây Sơn, mỗi cửa đều có 3 lối lên xuống dành cho người đi bộ, xe đạp. |
Trên địa bàn Hà Nội, tại những nơi có lưu lượng dân cư và mật độ giao thông đông đúc, hệ thống công trình hầm dành cho người đi bộ, người di chuyển bằng xe đạp đã được xây dựng nhằm đảm bảo an toàn khi qua đường cho người dân. Đồng thời, cũng giảm được tai nạn giao thông và giúp cho các phương tiện di chuyển tránh gặp cản trở trên đường đi.
Hiện tại Hà Nội có khoảng 23 hầm đi bộ đang hoạt động. Trong đó, trên đường Vành đai 3 có 17 hầm đi bộ, nút giao đường 32 với đường 70 có 4 hầm đi bộ, 2 hầm đi bộ ở nội thành là Ngã Tư Sở và nút giao Giải Phóng - Đại Cồ Việt. Một cư dân sinh sống gần hầm đi bộ Ngã Tư Sở, chia sẻ về cảm nhận khi sử dụng hầm đi bộ: “Tôi thường xuyên sử dụng hầm đi bộ để di chuyển. Nói chung là đi dưới hầm đi bộ rất tiện và an toàn hơn khi di chuyển ở trên”.
Không gian dưới hầm đi bộ thường được vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát. Theo quan sát, dưới hầm dưới hầm có rất nhiều bảng chỉ dẫn được đặt song song hai hướng đường đi và ở mỗi cửa lên xuống, cùng với đó là hệ thống đèn điện chiếu sáng 24/24. |
Một bạn sinh viên trường Đại học Hà Nội cũng đồng tình: “Mình sử dụng hầm đi bộ thường xuyên để phục vụ cho việc đi làm. Mình cảm thấy hầm đi bộ ở đây khá là sạch sẽ, luôn được các cô chú vệ sinh thường xuyên, mọi người đi lại văn minh. Hệ thống đèn chiếu sáng tốt, không gian thoáng mát, yên tĩnh, không khói bụi và đặc biệt an toàn”.
Bên cạnh việc có hệ thống đèn chiếu sáng 24/24, dưới hầm dành cho người đi bộ được lắp đặt khoảng 2m lại có camera an ninh, theo dõi người dân qua lại để đảm bảo an toàn cho người tham gia. |
Tuy nhiên, dù đã được xây dựng và đi vào hoạt động từ rất lâu, nhưng các công trình hầm dành cho người đi bộ vẫn dường như bị lãng quên, người dân thờ ơ. Một bộ phận dân cư vẫn lựa chọn cách sang đường truyền thống - đó là cứ tiện chỗ nào thì sang chỗ đấy, bất chấp xe cộ đông đúc có đi lại như thế nào...
Tuy nhiên, dù đã đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng công trình hầm đi bộ vẫn không được người dân sử dụng. Theo ghi nhận của phóng viên vào khoảng 16h ngày 6/6, lượng người đi bộ dưới hầm đi bộ hàng tỷ đồng này rất thưa thớt, chỉ lác đác vài người đang tập thể dục. |
Có thể thấy, do ý thức của một bộ phận dân cư khi tham gia giao thông chưa tốt, chưa nhận thức đúng được nguy hiểm, khi đi bộ sai luật cắt ngang dòng phương tiện. Bên cạnh đó, một số người dân vì muốn nhanh chóng qua đường, mà bất chấp tính mạng của mình và người khác khi tham gia giao thông đường bộ.
Khi được hỏi tại sao không lựa chọn hầm dành cho người đi bộ, một người dân sinh sống gần hầm đường bộ cho hay: “Tôi nghĩ mọi người cũng đều có suy nghĩ như mình, mặc dù biết sử dụng hầm đi bộ rất tốt, nhưng mà ai cũng có công việc của mình, nên muốn tiết kiệm thời gian nhanh nhanh chóng chóng nên muốn đi tắt ngang qua đường còn nếu muốn đi hầm đi bộ thì phải di chuyển bằng cầu thang khá tốn sức rồi đi đường vòng xa khá là xa”.
Theo ghi nhận, trên cung đường Ngã Tư Sở, với mật độ phương tiện di chuyển đông đúc, nhiều người dân bấp chấp đi ngược chiều để qua đường mà không dùng hầm đi bộ. |
Nhiều người dân cũng cho rằng, các hầm đi bộ quá xa vị trí mình muốn đến, nên thay vì việc đi lòng vòng, lên xuống nhiều bậc thang thì đi tắt ngang qua đường sẽ nhanh hơn. Mặc dù tại những hầm đi bộ đều có những biển chỉ dẫn nhưng khi mà đi lần đầu tiên hay không sử dụng thường xuyên thì rất dễ bị nhầm lẫn các cửa lên xuống tại các tuyến đường.
Có thể nói, với mật độ tham gia giao thông đông đúc hiện nay, việc đảm bảo an toàn và điều kiện cho người đi bộ sử dụng các công trình công cộng có ý nghĩa rất quan trọng. Vì vậy, chúng ta cần phải có những giải pháp an toàn, thoải mái vận động và khích lệ người dân sử dụng hầm, cầu vượt dành cho người đi bộ. Đồng thời, cần phải tăng cường tuyên truyền và nâng cao ý thức của người dân khi tham gia giao thông trong việc sử dụng các công trình hầm đường bộ để đảm bảo an toàn. Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải tự nâng cao ý thức và trách nhiệm của bản thân về an toàn cho bản thân và cho người khác và chúng tay cùng thành phố xây dựng một hệ thống giao thông hiện đại, an toàn cho người tham gia.
Trần Thị Thu Hiền
Sinh viên thực tập
Theo