(Xây dựng) - Trong nửa đầu năm 2024, ngành Du lịch Kon Tum đã ghi nhận sự phát triển vượt bậc với hơn 1,5 triệu lượt khách và tổng doanh thu gần 430 tỷ đồng. Đây là một con số ấn tượng, chứng minh sức hút ngày càng lớn của tỉnh Kon Tum đối với du khách trong và ngoài nước.
Nhà thờ Gỗ là một trong những điểm du lịch nổi tiếng về kiến trúc tại Kon Tum. |
Theo báo cáo từ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum, toàn tỉnh có 213 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số 3.083 phòng và 6 đơn vị kinh doanh lữ hành, bao gồm 3 đơn vị lữ hành quốc tế và 3 đơn vị lữ hành nội địa. Trong 6 tháng đầu năm, Kon Tum đã thu hút trên 1,5 triệu lượt khách và mang về gần 430 tỷ đồng doanh thu từ du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 13 quyết định công nhận điểm du lịch cộng đồng và 1 khu du lịch cấp tỉnh.
Mặc dù đạt được những kết quả ấn tượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum Bạch Thị Mân cho biết, ngành Du lịch của tỉnh vẫn đang đối mặt với một số khó khăn. “Chúng ta chưa tổ chức xúc tiến, quảng bá sâu rộng hình ảnh, sản phẩm du lịch Kon Tum đến thị trường quốc tế. Chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn khiêm tốn, với tỷ lệ người lao động chưa qua đào tạo nghiệp vụ du lịch chiếm khoảng 65%”, bà Bạch Thị Mân chia sẻ.
Trong những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Kon Tum đã luôn chú trọng đến việc quản lý và bảo tồn các di sản, giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh, kết hợp với phát triển du lịch theo hướng bền vững. Công tác xúc tiến quảng bá cũng được đa dạng hóa với nhiều loại hình ấn phẩm du lịch phong phú và đa dạng hơn.
Để tiếp tục đà phát triển này, bà Bạch Thị Mân nhấn mạnh, các đơn vị liên quan cần đẩy mạnh quy hoạch đầu tư phát triển du lịch một cách bài bản, dài hạn và quy mô lớn. Đồng thời, cần xây dựng các mô hình đầu tư có hệ sinh thái về du lịch và hoàn thiện cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ cho hoạt động xúc tiến du lịch tại chỗ. “Từ đó, chúng ta sẽ phát triển du lịch Kon Tum trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh”, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định.
Tượng Đức Mẹ Măng Đen là một trong những điểm du lịch tâm linh thu hút du khách tham quan. |
Ngày 12/7, tại Hà Nội, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị thẩm định Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum đến năm 2045, do Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn Chủ trì Hội nghị.
Mục tiêu lập quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Măng Đen đến năm 2045 nhằm cụ thể hóa Quy hoạch hệ thống du lịch Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch xây dựng vùng du lịch sinh thái Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; Quy hoạch tỉnh Kon Tum thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch khác có liên quan; cụ thể hóa Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 của Bộ Chính trị, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác; phát triển du lịch bền vững; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa và các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc; bảo vệ môi trường và thiên nhiên; giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội;
Bên cạnh đó, quy hoạch chung còn nhằm xây dựng lộ trình thực hiện quy hoạch, quản lý đầu tư phát triển khu du lịch đạt các tiêu chí khu du lịch quốc gia; đầu tư cơ sở hạ tầng, vật chất kỹ thuật, dịch vụ phát triển Khu du lịch Măng Đen sớm đạt các điều kiện để được công nhận khu du lịch quốc gia, trở thành một trong những động lực phát triển du lịch cả nước; đảm bảo quốc phòng, an ninh; xác định các kế hoạch, chương trình đầu tư và cơ chế quản lý phù hợp với việc tôn tạo, khai thác bền vững cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; làm cơ sở thực hiện các quy hoạch cụ thể, khai thác tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên thiên nhiên, quản lý xây dựng và phát huy giá trị của vùng du lịch, đồng thời bảo tồn sinh thái và nền văn hóa mang đậm bản sắc của địa phương.
Một góc thành phố Kon Tum về đêm. |
Về tầm nhìn, Khu du lịch Măng Đen được xây dựng trở thành thành phố du lịch trong tự nhiên - Mô hình mới của phát triển du lịch gắn với cộng đồng; định hình lối sống hòa hợp với tự nhiên; hướng đến sức khỏe và thể chất; xây dựng cộng đồng xanh không phát thải ròng; mang bản sắc văn hóa dân tộc là điểm đến du lịch mang tầm quốc gia, quốc tế.
Với những nỗ lực và chiến lược phát triển rõ ràng, du lịch Kon Tum đang trên đà bứt phá, hứa hẹn mang đến nhiều cơ hội phát triển kinh tế và văn hóa cho địa phương trong thời gian tới.
Bá Tứ
Theo