(Xây dựng) - Nói về xây dựng đô thị, từ những đô thị cổ đại xây dựng đầu tiên của người Hy Lạp, Ai Cập… cho đến những đô thị hiện đại ở những đất nước phát triển như hiện nay; nhìn chung, về nguyên lý thiết kế đô thị trước hết là thiết kế hệ thống giao thông đô thị. Hầu như tất cả các đô thị, mạng lưới giao thông đều được thiết kế theo dạng “mạng nhện” hoặc “ô bàn cờ”, hệ thống “xương cá” hoặc hệ thống giao thông kết hợp của 3 dạng trên.
Trên cơ sở đó, người ta mới bố trí phân khu chức năng như nơi làm việc của các cơ quan công quyền, nơi ở của người dân, nơi xây dựng các công trình công cộng, nơi vui chơi giải trí… để phục vụ lợi ích chung.
Xã hội càng phát triển, nhu cầu con người ngày càng cao thì hệ thống hạ tầng đô thị, các tiện ích đô thị cũng phải phát triển theo để đáp ứng nhu cầu của con người trong đô thị ấy. Người ta bắt đầu nghiên cứu mở rộng những khu sinh hoạt cộng đồng, nhũng khu y tế, giáo dục, nghiên cứu, những khu cảnh quan thiên nhiên và nhân tạo phục vụ cho đời sống con người; đặc biệt là việc nghiên cứu phát triển các dịch vụ tiện ích phục vụ nhu cầu ăn, ở, đi lại, học hành, chăm sóc sức khỏe, vui chơi giải trí và các dịch vụ khác nhằm ngày một nâng cao đời sống của con người trong đô thị. Những chỉ số đó là thước đo của sự phát triển trong công việc xây dựng đô thị của loài người trong từng giai đoạn lịch sử.
Loài người đã từng sống trong các thành phố do chính mình xây dựng đó là: Thành phố thời cổ đại, thành phố thời trung đại, thành phố hiện đại, thành phố xanh, thành phố sinh thái, thành phố vườn, thành phố đáng sống…
Những tên gọi đều là thành phố, nhưng nó mang theo những sự khác biệt về bản chất của từng loại thành phố, điều đó thể hiện mức độ đáp ứng nhu cầu của con người đòi hỏi cao hơn về môi trường sống, về hạ tầng đô thị và các tiện ích đô thị.
Vậy thành phố thông minh mà tác giả nêu trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển thành phố thông minh đảm bảo các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” khác với các thành phố mà loài người đã trải qua là gì?
Xét về cơ bản thì việc điều tra, nghiên cứu để thiết kế quy hoạch, xây dựng một đô thị thông minh cũng có nhiều nét tương đồng như việc thiết kế xây dựng đô thị đã nêu; nhưng có điều để đạt được một đô thị thông minh thì phương pháp điều tra hiện trạng, việc sử dụng các tư liệu, tài liệu, các tiêu chuẩn thiết kế… có những vấn đề khác biệt với việc thiết kế các đô thị thông thường.
Cái khác biệt chính là với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 thì những đô thị này được sử dụng công cụ điều khiển tích hợp kết nối hệ thống thế giới thực và thế giới ảo, phương tiện là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông. Trong nhiều dịch vụ tiện ích đô thị, sức lao động của con người được thay thế bằng trí tuệ nhân tạo và robot nhằm đảm bảo 10 chỉ số an ninh, 11 chỉ số an sinh và 10 chỉ số an toàn và đề phòng 28 rủi ro phi truyền thống như cuốn sách đã đặt ra.
Với tôi, cuốn sách này vừa là một giáo trình, vừa là một đề cương để hướng dẫn chúng ta bắt tay vào xây dựng một thành phố thông minh trong đó bao gồm: Định hướng xây dựng một thành phố thông minh, Chiến lược xây dựng một thành phố thông minh; Nguyên tắc quy hoạch, định hướng, quản lý thành phố thông minh, các bước xây dựng một thành phố thông minh.
Cũng trong cuốn sách này tác giả đã gợi ý xây dựng và phát triển thành phố thông minh tại một số tỉnh thành như: Thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ, thành phố Bắc Ninh. Ở mỗi nơi đó có những điều kiện về địa lý, tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau để ứng dụng các lý thuyết nghiên cứu.
Cũng trong cuốn sách này tác giả đặt ra 2 tiêu chuẩn đó là: Thành phố đạt chuẩn ISO 37120 (về quản lý theo tiêu chuẩn quốc tế). Thành phố thông minh (Smart City), ISO 3712X. Trong đó, ISO 3712X do chính tác giả xây dựng tại thành phố Hải Phòng theo tiêu chuẩn quản lý quốc tế đã được Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế ISO có trụ sở tại Geneva, Thụy Sỹ công nhận và phát hành năm 2014.
Ngoài cuốn sách này, tác giả cũng đã tham gia một số công trình nghiên cứu về đô thị thông minh cùng các nhà khoa học thế giới và được đánh giá cao.
Xin lược dịch lại lời giới thiệu của Giáo sư Đại học Harvard, Hoa Kỳ – Thomas E. Patterson Bradlee: “Bằng cách đào tạo, kinh nghiệm thực hành và thông qua nghiên cứu của mình, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là một chuyên gia hàng đầu thế giới về các thành phố thông minh. Cuốn sách “Xây dựng và Phát triển thành phố thông minh…” của tác giả đưa ra lời khuyên hiền triết để các thành phố và thị trấn có thể phục vụ tốt nhu cầu và lợi ích của người dân, đưa ra một lộ trình làm thế nào để xây dựng, tạo ra một thành phố thông minh. Đây là cuốn sách phải đọc cho những người quan tâm đến việc thiết kế trí tuệ cho Thế kỷ 21”.
Tuy nhiên, bên cạnh những công nghệ cần phải có chính quyền thông minh, lãnh đạo thông minh, đề ra những quyết định đúng, lựa chọn đúng và có được những giải pháp thông minh, chứ không chỉ dựa hoàn toàn vào công nghệ…
Gần đây, trong nhiều bài phát biểu của Tổng Bí Thư cũng như Thủ tướng Chính phủ thường nói về sử dụng công nghệ 4.0. Tôi cho rằng các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước cũng đã thực sự quan tâm việc ứng dụng khoa học của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào đời sống xã hội Việt Nam. Cái chính là các “tư lệnh ngành” sẽ hành động ra sao trong bối cảnh này?
Tôi nghĩ cuốn sách này có thể bổ sung, sửa đổi làm giáo trình cho các khoa quy hoạch xây dựng của trường Đại học Kiến trúc, Đại học Xây dựng và các trường đại học khác có khoa quy hoạch xây dựng, để đào tạo sinh viên có những cơ sở khoa học về thành phố thông minh. Cuốn sách này cũng có thể nghiên cứu nâng lên thành những văn bản quy phạm pháp luật cấp Chính phủ, cấp Bộ để thực hiện từng bước đưa đô thị thông minh vào các khu đô thị cải tạo, khu đô thị mới ở Việt Nam.
Gần đây, tại Hà Nội có một cuộc khởi công rầm rộ về việc xây dựng thành phố thông minh của một chủ đầu tư nào đó. Tôi nghĩ đây cũng là một cơ hội để Bộ Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn chủ đầu tư thiết kế, xây dựng thành phố thông minh theo các chỉ tiêu ISO 37120 và ISO 3712X. Nếu làm được như vậy, biết đâu chúng ta sẽ có một thành phố thông minh đầu tiên theo các quy chuẩn của thế giới.
Xin tỏ lòng hâm mộ và kính trọng Thượng tướng, PGS.TS. Nguyễn Văn Thành. Hy vọng ông sẽ là người tiếp tục cộng tác với ngành Xây dựng, với các ngành liên quan, với chính quyền các tỉnh, thành phố để từng bước áp dụng và hoàn thành những nghiên cứu khoa học của mình.
TS. Phạm Gia Yên
Theo