(Xây dựng) - Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và trong xu hướng phát triển các mô hình thành phố của xã hội loài người, xây dựng và phát triển thành phố thông minh (Smart City) là xu hướng phát triển tất yếu, là một trong 15 lĩnh vực cốt lõi của cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là công cụ, phương tiện, để đạt tới mục tiêu xây dựng thành phố đáng sống, thành phố có giá trị, thành phố có sức sống, có khả năng phục hồi, có sức cạnh tranh và đạt mục tiêu phát triển bề vững. PGS.TS. Thượng tướng Nguyễn Văn Thành - Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an vừa hoàn tất đề tài nghiên cứu khoa học của ông với nội dung nêu trên qua cuốn sách “Xây dựng và phát triển thành phố thông minh đảm bảo các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” (Bản tiếng Anh và tiếng Việt).
Cuốn sách nhằm trả lời câu hỏi thành phố thông minh là gì? Tại sao phải xây dựng thành phố thông minh cho các đô thị trong thời đại thế giới chuyển đổi mạnh mẽ với sự bùng nổ nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư? Nội hàm của thành phố thông minh gồm những gì? Công cụ và các chỉ số thích ứng để quản lý, đánh giá thành phố thông minh trên bình diện quốc tế?
Tác giả đã tham gia xây dựng Bộ chỉ số ISO 37120 về quản lý thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế, theo dõi đánh giá, cấp chứng chỉ cho phát triển các cộng đồng bền vững trên cơ sở các chỉ số dịch vụ chất lượng cuộc sống đô thị. Đây là hệ tiêu chí đánh giá chất lượng đô thị được áp dụng cho các thành phố trên toàn cầu mà hiện nay có tới hàng trăm thành phố lớn trên khắp các châu lục đã và đang áp dụng. WCCD Global Cities Registry là danh sách các thành phố được chứng nhận theo tiêu chuẩn ISO 37120, hệ thống chứng nhận của Hội đồng thế giới về dữ liệu các thành phố (WCCD) có trụ sở tại Toronto, Canada.
Mục tiêu xây dựng và phát triển các thành phố trở thành thành phố có giá trị, có sức sống, có sức cạnh tranh và khả năng tự phục hồi sau các thảm họa và khủng hoảng, duy trì, phát triển bền vững, đạt 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc đến năm 2030. Trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thành phố thông minh sẽ là phương tiện để đạt tới các mục tiêu tốt đẹp cho các đô thị và cư dân của mình.
Việc chủ động xây dựng các chỉ số phục vụ công tác nghiên cứu, quy hoạch, đánh giá kết quả xây dựng thành phố thông minh thông qua các chỉ số bảo đảm an ninh, an sinh, an toàn là rất quan trọng trong bối cảnh xuất hiện các nguy cơ an ninh phi truyền thống và 28 rủi ro toàn cầu hiện nay cũng như bảo đảm chất lượng cuộc sống cho các đô thị đáng sống. Các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn cho các thành phố được tác giả nghiên cứu, xây dựng và trình bày tại Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu các thành phố nhóm họp tại Dubai vào tháng 3/2017, là một trong những nguồn đầu vào làm cơ sở để WCCD phối hợp với Tổ chức Tiêu chuẩn quốc tế ISO có trụ sở tại Thụy Sỹ xây dựng Bộ chỉ số quản lý thành phố thông minh 3712X (thuộc Ủy ban kỹ thuật: ISO/TC 268 các thành phố và cộng đồng bền vững).
Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã tạo ra sự bùng nổ các hình thức tổ chức xã hội mới, từ các tổ chức của Liên hợp quốc đến các tổ chức quốc tế, từ khu vực tư nhân đến khu vực Chính phủ, từ các tập đoàn đa quốc gia đến các doanh nghiệp địa phương, các hệ thống mới và các quan hệ đối tác được cấu trúc lại để tạo thuận lợi cho quá trình chuyển đổi từ một trật tự kinh tế - xã hội cũ sang một trật tự kinh tế - xã hội mới.
Bản thân các nhà lãnh đạo thành phố đã nhận thấy mô hình phát triển đô thị hiện nay đang tụt hậu với những thách thức và kỳ vọng của xã hội hiện đại. Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi một cuộc cách mạng xã hội cùng song hành. Như vậy, làm thế nào chúng ta có thể xây dựng thành phố thông minh thích ứng với những biến động đó?
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ning, an sinh, an toàn trong bối cảnh của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” đề cập tới các kết quả nghiên cứu, khảo sát, đánh giá của các đồng nghiệp trên thế giới và kết quả triển khai xây dựng thành phố thông minh tại Việt Nam được tác giả nghiên cứu, áp dụng trên thực tế cũng được trình bày như ví dụ minh họa (Thành phố Hải Phòng, thành phố Cần Thơ và tỉnh Bắc Ninh).
Với cơ hội phát triển và thử nghiệm phương pháp tư duy hệ thống, phân tích SWOT, xây dựng và đưa vào áp dụng trong thực tiễn mô hình thành phố thông minh cho một số địa phương với những đặc trưng khác biệt như thành phố cảng – đô thị lớn, thành phố đồng bằng vùng trũng với lưu vực sông và chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đô thị vùng trung du – vùng Thủ đô… cuốn sách góp phần định hướng và xác lập phương pháp tiếp cận để các thành phố, đô thị có được phương hướng rõ hơn trong lộ trình đầu tư xây dựng và phát triển thành phố thông minh phục vụ cộng đồng.
Sau khi đọc cuốn sách, GS.TS. LUC HENS - một học giả nổi tiếng đã giới thiệu về tướng Thành với các đồng nghiệp của mình như sau:
“PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là một nhà khoa học có ảnh hưởng quốc tế về khoa học hệ thống và khoa học tư duy hệ thống, là chuyên gia về quản lý và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, ông cũng là chuyên gia các cấp về các lĩnh vực nghiên cứu khoa học về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu, đa dạng, chính sách công nghiệp, quy hoạch và quản lý không gian biển, vùng bờ và đại dương và đó cũng là các lĩnh vực mà ông thường là chủ tọa của các hội nghị khoa học.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là bạn, đồng nghiệp của GS. Gerhard Chroust – Tổng Thư ký Liên đoàn Nghiên cứu khoa học hệ thống quốc tế IFSR; GS. Fredmund Malik – người sáng lập và Chủ tịch điều hành Viện Nghiên cứu quản lý quốc tế Malik, Thụy Sỹ, một nhà quản lý và lãnh đạo xuất sắc của thế kỷ XXI; GS.TS. Kambiz Maani - Phó Giám đốc Masey University, New Zealand.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là một trong 21 sáng lập viên và cố vấn cao cấp của Hội đồng thế giới về dữ liệu các thành phố (WCCD) có trụ sở tại Toronto, Canada trong việc xây dựng Bộ chỉ số quản lý đô thị thế giới ISO 37120.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là một nhà khoa học đa ngành, ông đã đóng góp trong nhiều công trình nghiên cứu, nhiều lĩnh vực không chỉ với vai trò là một nhà khoa học, mà còn là chủ trì nghiên cứu các đề án khoa học – công nghệ, hướng dẫn nghiên cứu sinh, Hội đồng đánh giá các luận án Tiến sĩ.
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành đã có nhiều nghiên cứu và thuyết trình với tư cách là diễn giả chính giới thiệu về xây dựng thành phố thông minh cho các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Bắc Ninh, Cần Thơ, Ninh Bình, Thanh Hóa… cũng như tại các Hội nghị khoa học chuyên sâu về thành phố thông minh: Hội thảo phát triển công nghiệp thông minh năm 2017 của Ban Kinh tế Trung ương; Hội nghị của Hội đồng khoa học các Cơ quan Đảng Trung ương; Hội nghị quốc tế xây dựng thành phố thông minh năm 2017 tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị quốc tế về thành phố thông minh của APEC (SOM3) tại thành phố Hồ Chí Minh; Hội nghị của Đảng ủy khối các cơ quan Trung ương; Hội nghị của Hội đồng Lý luận Trung ương; Hội nghị quốc tế về ứng dụng khoa học tư duy hệ thống xây dựng thành phố thông minh tại Linz, Áo (Tháng 4/2018); Hội nghị thượng đỉnh các thành phố toàn cầu về xây dựng thành phố thông minh đáp ứng tiêu chuẩn an ninh, an sinh, an toàn tại Dubai (Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất) vào tháng 3/2017…
Ông cũng là đồng chủ tọa nhiều Hội thảo khoa học quốc gia và quốc tế của các tổ chức quốc tế có uy tín và các trường đại học danh tiếng trên các lĩnh vực: Khoa học tư duy hệ thống (ISSS); quản lý tổng hợp biển và vùng bờ biển (ICOM); quy hoạch không gian biển (MSP); quản lý bảo tồn khu dự trữ sinh quyển (CBr); quy hoạch giao thông đô thị; xây dựng thành phố sinh thái – Thành phố kinh tế (ECO2 City); cộng đồng phát triển bền vững…
PGS.TS. Nguyễn Văn Thành là tác giả của trên 100 bài báo được đăng trên các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế.
Ông là tác giả của các cuốn sách: Unemployment Perspectives and Solutions, IntechOpen xuất bản tháng 8/2017 tại Croatia và Vương quốc Anh; Tác động của chính sách công nghiệp nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp công nghiêp, Nhà xuất bản: Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản năm 2017; Tư duy hệ thống thực tiễn tại Việt Nam, Nhà xuất bản: Khoa học xã hội xuất bản lần thứ nhất năm 2016; và là đồng tác giả của một số cuốn sách xuất bản quốc tế về quản trị nguồn nhân lực.
Thế giới đang bước vào giai đoạn biến đổi công nghiệp lớn cả về sản xuất và quản lý. Tự động hóa, khoa học máy tính và Internet rất cần thiết trong việc kết nối vạn vật, dữ liệu lớn robot, trí tuệ nhân tạo, cảm biến và kết nối ảo. Những khả năng này sẽ làm tăng năng suất lao động và cấu trúc. Nhiệm vụ lặp đi lặp lại sẽ được thực hiện bởi robot. Những thách thức lãnh đạo mới sẽ nổi lên ngang bằng các mối đe dọa an ninh phi truyền thống với 28 rủi ro toàn cầu.
Cuốn sách “Xây dựng và phát triển thành phố thông minh bảo đảm các chỉ số an ninh, an sinh, an toàn trong bối cảnh của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư” đề cập tới tất cả các lĩnh vực nêu trên và cung cấp rất nhiều thông tin dựa trên các nghiên cứu khoa học và phân tích. Cuốn sách sẽ giải đáp được nhiều thắc mắc của độc giả muốn tìm hiểu về thành phố thông minh và xu hướng của giai đoạn đại chuyển đổi ngày nay.
Đây là cuốn sách rất ấn tượng mà tôi từng được đọc và tôi không ngần ngại giới thiệu nó với các nhà lãnh đạo từ Trung ướng đến địa phương, những người ra quyết định của tỉnh, thành phố và các nhà khoa học về phát triển bền vững các thành phố…”
Quý độc giả có nhu cầu tìm đọc cuốn sách xin liên hệ: 789club ios . Địa chỉ: Số 37 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. ĐT: (024) 39780862. |
BXD
Theo