(Xây dựng) - Kỷ niệm 79 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 02/9 vào thời điểm đất nước có bước chuyển mình của cơ hội cùng thách thức mới trên con đường phát triển. Quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế mà nòng cốt là mở rộng thị trường, địa bàn kinh tế, đòi hỏi tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia, ngành hàng và doanh nghiệp, tạo điều kiện phát triển sản xuất trong nước, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Mục tiêu cơ bản là thực hiện thắng lợi 23 chỉ tiêu kinh tế - xã hội do Đại hội Đảng XIII đề ra, phấn đấu đến năm 2030 thoát khỏi mức thu nhập trung bình thấp, trở thành quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 là nước phát triển…
Giá trị lịch sử của thắng lợi vĩ đại
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 02/9/1945 mở ra bước ngoặt vĩ đại, mang tính lịch sử. Một Đảng ra đời mới 15 năm đã làm cuộc cách mạng thành công, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc, Nhân dân từ cảnh lầm than, nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình. Cuộc cách mạng mang tính lịch sử ấy khẳng định giá trị của hoà bình, truyền thống hào hùng của dân tộc. Đó là trang sử vàng chói lọi trong cuộc đấu tranh dựng nước, giữ nước, kết tinh, hội tụ và toả sáng ý chí độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của dân tộc dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu. Thắng lợi mang tầm vóc kỳ vĩ này đã xoá bỏ chế độ phong kiến, đánh bại chủ nghĩa thực dân và phát xít, là tấm gương ngời sáng cổ vũ mạnh mẽ cho các nước, các dân tộc trên thế giới đang mất độc lập, tự do, noi theo.
Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám đã tạo nên sức mạnh quật khởi, dấy lên cao lòng yêu nước nồng nàn, ý chí, niềm tin bất diệt, cổ vũ Nhân dân kiên cường đấu tranh để sau đó liên tiếp giành những thắng lợi vang dội mà đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Với ý nghĩa lịch sử và tầm vóc của cuộc cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và Nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.
Cơ hội mới và thách thức mới
Hơn lúc nào hết, cơ hội đất nước có nhiều điều kiện thuận lợi và tiềm năng phát triển. Việt Nam đi từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung của những năm 80 thế kỷ XX chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN sau gần 40 năm đổi mới đạt nhiều thành tựu. Đặc biệt, thể chế kinh tế thị trường hình thành, ngày càng được bổ sung, mở rộng. Xây dựng nền kinh tế thị trường với nòng cốt là tạo điều kiện cho cơ chế vận hành, làm nền tảng và cơ sở phát triển, tạo lập môi trường sản xuất, kinh doanh dựa trên sự cạnh tranh bình đẳng, hiệu quả. Trong quan hệ quốc tế, tuy đến sau hội nhập nhưng là một trong những nước khởi xướng sự hợp tác thương mại, là thành viên sáng lập của các Hiệp định CPTTP, RCEP và nhiều Hiệp định FTA song phương thế hệ mới. Việt Nam cũng là một trong những nước đi đầu giai đoạn hội nhập thế hệ mới, đồng hành với quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường, mở rộng địa bàn kinh tế, thị trường thương mại, đầu tư, ký kết hợp tác với hầu hết các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới nên có “độ mở” của nền kinh tế thuộc nhóm cao trong khu vực và toàn cầu. Hàng chục quốc gia, trong đó hầu hết các nước lớn là đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện, dòng vốn từ nhiều nước đang chuyển dịch đầu tư vào Đông Nam Á, nổi bật vào nước ta…
Tuy nhiên, bối cảnh thế giới đang diễn ra nhiều biến động về địa - chính trị, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội. Đó là gia tăng và căng thẳng xung đột Nga - Ucraina, Trung Cận Đông, Nam Á; biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn, mạnh hơn, khó dự báo hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, tác động đáng kể đến nguồn lực phát triển của các quốc gia. Tình trạng lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế ở nhiều nước lớn chưa ổn định, thậm chí có xu hướng gia tăng. Thế giới đang đối mặt với nguy cơ một cuộc suy thoái mới. Nhiều cường quốc thắt chặt chính sách tiền tệ khiến cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm. Mặt khác, thế giới cũng đang diễn ra đan xen quá trình hội nhập và chia tách. Nhiều nước phương Tây, đặc biệt châu Âu gặp khó khăn về nguồn năng lượng và nhiều hệ luỵ khác. Nguy cơ an ninh phi truyền thống diễn biến ngày càng gay gắt như đại dịch Covid-19, đậu mùa khỉ châu Phi là nguy cơ chưa từng có trong tiền lệ, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và chuỗi cung ứng. Nhiều nước điều chỉnh mục tiêu chiến lược và chuyển dịch dòng vốn sang các nước mới nổi để ứng phó với rủi ro khiến các nước phải điều chỉnh chính sách phát triển kinh tế.
Vượt lên thách thức, phấn đấu đạt mục tiêu chiến lược
Để đạt mục tiêu chiến lược đến giữa thế kỷ XXI trở thành quốc gia phát triển, nước ta phải đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường, vận hành đồng bộ, thông qua mở rộng địa bàn, hội nhập sâu trên trường quốc tế, tăng cường sức cạnh tranh ngành hàng, cạnh tranh doanh nghiệp, kết nối chặt chẽ với chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu.
Tiếp tục đổi mới tư duy về kinh tế, có chủ trương, đường lối đúng và lãnh đạo thành công trong những bước đi vững chắc. Phát huy dân chủ trong toàn xã hội, xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, của đất nước, dựa vào dân, khai thác trí tuệ toàn dân trong xây dựng chủ trương, chính sách, khắc phục duy ý chí, áp đặt chủ quan, giáo điều, xuất phát từ thực tiễn, bám sát thực tiễn. Bảo đảm tính thống nhất biện chứng giữa kinh tế và chính trị, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết; kiên định độc lập, tự chủ, đồng thời chủ động và tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi.
Tăng cường đổi mới thể chế, kiện toàn, xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch vững mạnh, chuyển từ tư duy Nhà nước quản trị sang Nhà nước kiến tạo phát triển, thúc đẩy cải cách hành chính, phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan công quyền, Trung ương với địa phương bảo đảm sự vận hành “dọc ngang thông suốt”, “trên dưới đồng lòng”. Đổi mới công tác cán bộ, có cơ chế phát hiện, bảo vệ cán bộ đổi mới sáng tạo, bố trí cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, cán bộ trẻ có triển vọng vào vị trí lãnh đạo, quản lý, quản trị quốc gia.
Đẩy mạnh cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế số, xã hội số; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, đổi mới sáng tạo, khả năng thích ứng và sức chống chịu trước diễn biến địa - chính trị và biến đổi khí hậu; triển khai mạnh mẽ Luật Đất đai năm 2024, cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, sắp xếp lại và xử lý những yếu kém, thất thoát của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông (đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường sắt, đường thuỷ) ở các vùng kinh tế trọng điểm, khu vực khó khăn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng đô thị, hạ tầng năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long, Duyên hải miền Trung, Tây Nguyên; phát triển hài hoà hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng số, kết nối các phương thức vận tải, logistic, đô thị văn minh và kinh tế đô thị,…
Ra sức củng cố quốc phòng, an ninh; kiên quyết bảo vệ và giữ vững chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng lực lượng Quân đội, lực lượng Công an Nhân dân chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại hoá.
Để nền kinh tế - xã hội phát triển lành mạnh, bền vững, củng cố lòng tin trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc cần kiên quyết, kiên trì, không dừng, không nghỉ đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai và triệt để thu hồi tài sản tham nhũng,..
Kim Quốc Hoa
Theo