(Xây dựng) - Tháng 2/2020 chứng kiến sự gián đoạn chưa từng có của chuỗi cung ứng toàn cầu bởi dịch Covid-19 gây gián đoạn các hoạt động thương mại. Tiến sĩ Reza Akbari - chủ nhiệm bộ môn và giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam đã đưa ra quan điểm của mình về vấn đề này.
Tiến sĩ Reza Akbari - chủ nhiệm bộ môn và giảng viên cấp cao ngành Quản lý chuỗi cung ứng và logistics tại khoa Kinh doanh và Quản trị Đại học RMIT Việt Nam. |
Tính đến ngày 6/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê hơn 98.000 ca nhiễm Covid-19 và ít nhất 3.300 ca tử vong vì dịch bệnh này trên toàn cầu. Tại Trung Quốc, quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ Covid-19, chính phủ nước này đã khuyến cáo hàng trăm triệu lao động ở nhà để ngăn chặn virus phát tán. Hậu quả là nhiều nhà máy và cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa kéo dài sau dịp Tết Nguyên đán.
Vẫn còn quá sớm để dự đoán hay dự báo tác động đầy đủ nhưng nhìn vào những gì đang diễn ra với ngành sản xuất, chúng ta có thể thấy được gián đoạn nặng nề trên chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến tất cả các thị trường.
Áp lực chi phí đối với chuỗi cung ứng buộc các doanh nghiệp phải tập trung hơn vào các chiến lược sản xuất tinh gọn và/hoặc thuê ngoài. Nếu có bất kỳ gián đoạn nào ở đầu chuỗi cung ứng, việc sản xuất sẽ bị đình trệ do thiếu nguyên liệu thô hoặc linh kiện.
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu từ Trung Quốc, Covid-19 sẽ tác động lên chuỗi cung ứng toàn cầu khiến sản xuất trì trệ hay tạm thời ngừng dây chuyền lắp ráp và sản xuất trên khắp thế giới. Điều này đã và đang xảy ra. Nissan hiện phải giảm sản lượng do việc ngưng hoạt động khẩn cấp ở Trung Quốc. Tương tự tại Hàn Quốc, Hyundai phải tạm dừng tất cả các hoạt động do thiếu linh kiện, phụ tùng từ Trung Quốc. Tình trạng bất ổn này nhiều khả năng sẽ tiếp diễn vì “khi Trung Quốc hắt hơi, thế giới sẽ bị cảm lạnh”.
Chuỗi cung ứng tại Việt Nam cũng không là trường hợp ngoại lệ và đang chịu tác động từ Covid-19, vì Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhiều mặt hàng nhập khẩu từ nước này đóng vai trò thiết yếu với sản xuất nước nhà. Các thị trường nhập khẩu lớn khác của Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Mỹ cũng đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Hiển nhiên, dịch Covid-19 đang khiến nhiều cá nhân và tổ chức lo lắng. Nhưng nếu nhìn nhận một cách tích cực, đây cũng là thời điểm của những cơ hội mới, để chúng ta nhận ra những điểm yếu trong chuỗi cung ứng hiện tại, để vượt qua khủng hoảng toàn cầu và cải thiện chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại. Nhờ đó, chính việc gián đoạn đáng kể lên chuỗi cung ứng hiện nay có thể là động lực khiến chúng ta thay đổi cách thức sản xuất, vận chuyển và thanh toán đối với những sản phẩm và dịch vụ.
Bằng cách tiến tới mô hình thành phố thông minh và chuyển đổi kỹ thuật số, chúng ta có thể khắc phục nhiều vấn đề trong tương lai như ô nhiễm, tắc nghẽn giao thông và bất kỳ dịch bệnh nào, như Covid-19, MERS-CoV hay SARS. Những công nghệ đột phá có thể giúp chúng ta thay đổi toàn bộ cơ chế, chuyển sang hệ sinh thái chuỗi cung ứng thông minh hơn và kết nối tốt hơn, nhờ đó, có thể xây dựng môi trường làm việc linh hoạt (ví dụ như làm việc từ xa), loại bỏ nhiều nhiệm vụ mà hiện tại con người vẫn đảm nhiệm, và tăng cường các giao thức chia sẻ dữ liệu mỗi khi dịch bệnh hay thảm họa xảy ra.
Hiện có 9 công nghệ đột phá được mệnh danh là những công cụ đem đến cải cách mạnh mẽ trong tương lai và có tiềm năng ứng dụng trong các chuỗi cung ứng. Những công nghệ này gồm in 3D, trí tuệ nhân tạo, xe tự lái, phân tích dữ liệu lớn, blockchain, máy bay không người lái (drone), Internet vạn vật (IoT), robot học, thực tế ảo (VR) và/hoặc thực tế ảo tăng cường (AR).
Ví du, một chuỗi bán lẻ lớn của Mỹ là Target gần đây vừa tuyên bố sẽ bắt đầu đưa các giải pháp robot học vào quy trình trước mùa hè năm 2020, nhằm giúp phân loại và bổ sung hàng hóa tại hàng trăm cửa hàng của thương hiệu này một cách chính xác.
Trong khi đó, nhiều nhà sản xuất khác đang tìm hiểu cách ứng dụng Internet vạn vật IoT để có được dữ liệu thời gian thực về lượng nguyên liệu hiện có, từ đó có thể lường trước rủi ro và đưa ra các quyết định thu mua đúng đắn hơn.
Để có được tương lai như mong đợi, không chỉ các cơ quan trực thuộc chính phủ, mà mọi cá nhân và tổ chức phải hợp tác cùng nhau. Càng ứng phó nhanh bao nhiêu trong giai đoạn khủng hoảng, chúng ta càng vượt qua những gián đoạn hay dịch bệnh trong tương lai càng sớm bấy nhiêu.
Diệp Anh (Theo RMIT Việt Nam)
Theo