(Xây dựng) - Một doanh nghiệp xây dựng dày công xây đắp thương hiệu, tạo dựng thành quả sẽ thành “miếng mồi” ngon của các cá nhân, tổ chức tài chính quốc tế. Họ muốn “thay máu” doanh nghiệp nội, nếu cổ đông không sáng suốt, lãnh đạo doanh nghiệp không vững “tay chèo” thì thương hiệu Việt ấy sẽ có nguy cơ biến mất, thị trường xây dựng trong nước sẽ mất đi một nhà thầu uy tín. Đó là câu chuyện của Coteccons đang diễn ra trong thời gian gần đây, khi các cổ đông ngoại đang muốn thay thế lãnh đạo chủ chốt.
Mới đây, Forbes còn công bố Coteccons là doanh nghiệp 7 lần liên tiếp vào Top 50 Công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam (Ảnh: Internet). |
Trong thông báo mới đây, Coteccons đã đặt ra nghi vấn: Có hay không mối liên hệ giữa Kusto (chiếm 18,23% tỷ lệ có quyền biểu quyết) với Thành Công (chiếm 14,67% tỷ lệ có quyền biểu quyết), The8th (chiếm 10,82% tỷ lệ có quyền biểu quyết), Ma Dao Trading Pte.Ltd (chiếm 2,15% tỷ lệ có quyền biểu quyết) cùng một số cổ đông cá nhân khác… trong việc cấu kết với nhau tìm mọi cách bãi miễn những người sáng lập Coteccons nhằm hoàn tất quá trình thâu tóm Công ty? Có hay không việc nhóm cổ đông này vi phạm pháp luật về chào mua công khai và công bố thông tin để sở hữu trái phép cổ phiếu CTD?
Coteccons cũng bị cáo buộc kiểu chung chung như: “kết quả hoạt động của Coteccons thấp hơn rất nhiều so với tiềm năng thực sự; Vấn đề lớn nhất hiện đang làm xói mòn Coteccons là vấn đề về quản trị doanh nghiệp…”. Tuy nhiên, Coteccons lại nhận được sự đánh giá cao từ nhiều phía.
Ông Nguyễn Thiêm - Phó Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam khẳng định: Trong nhiều năm qua, Coteccons xứng đáng là doanh nghiệp hàng đầu của thị trường thầu xây dựng Việt Nam. Để Coteccon có được sự tín nhiệm này bởi sự dẫn dắt nhiều kinh nghiệp của ông Nguyễn Bá Dương - Chủ tịch HĐQT Coteccons cùng đội ngũ lãnh đạo Coteccons.
Đúng như ông Thiêm nhận định: Với vốn điều lệ chỉ 792,55 tỷ đồng, trong nhiều năm qua doanh thu Coteccons luôn đạt trên 20.000 tỷ đồng/năm. Coteccons cũng là đơn vị xây dựng hiếm hoi từng lọt vào top những doanh nghiệp có lợi nhuận trên 1.000 tỷ đồng nhiều năm liên tiếp. Ở thời điểm khó khăn của thị trường bất động sản như năm 2019, Công ty vẫn đạt lợi nhuận sau thuế 710 tỷ, xấp xỉ vốn điều lệ. Trong năm 2020, dù chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, lợi nhuận quý I của Coteccons vẫn đạt 123 tỷ, vượt xa các doanh nghiệp cùng ngành nghề đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Ngoài ra, biên lợi nhuận của Công ty đã liên tục được cải thiện trong suốt 4 quý vừa qua (hiện đạt 5,5%). Tất cả điều đó đã nói lên những nỗ lực của Ban điều hành và toàn thể cán bộ nhân viên trong việc cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, mang lại lợi ích to lớn cho tất cả cổ đông. Hàng năm, Coteccon luôn trả cổ tức với tỷ lệ từ 30 - 50% và năm nay cũng không ngoại lệ.
Bên cạnh đó, Coteccons luôn đứng đầu khối doanh nghiệp tư nhân ngành Xây dựng, lọt top 20 công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam (Theo VNR500), top 50 công ty kinh doanh hiệu quả nhất Việt Nam nhiều năm liên tiếp… Coteccons còn là một trong số ít doanh nghiệp không vay nợ và có lượng tiền thặng dư gửi ngân hàng (duy trì khoảng 3.000 – 4.000 tỷ đồng).
Ông Thiêm nhấn mạnh thêm: Coteccons được xây dựng bởi ông Nguyễn Bá Dương. Trong hơn 15 năm năm qua, trải qua nhiều giai đoạn, ông Dương là người chèo lái con thuyền Coteccons, hiểu được điểm yếu, điểm mạnh của Coteccons, đưa ra những quyết sách về nhân sự, kinh tế để tạo nên sức mạnh của doanh nghiệp, chiếm được niềm tin với những chủ đầu tư lớn như Vingroup... ông Dương là người có chuyên môn, biết các sử dụng nhân lực cũng như áp dụng công nghệ xây dựng phù phợp... tất cả những điều đó góp phần tạo nên sức mạnh Coteccons.
Còn nhớ khi Coteccons vượt qua rất nhiều nhà thầu nước ngoài nổi tiếng, để thắng thầu dự án The Landmark 81 do Tập đoàn Vingroup làm chủ đầu tư, rất nhiều người trong và ngoài ngành Xây dựng đã xúc động. Người Coteccons đã chinh phục hoàn toàn niềm tin của Tập đoàn Vingroup trong việc “chọn mặt gửi vàng” cho siêu dự án quan trọng bậc nhất này. Không chỉ vậy, Coteccons đã luôn song hành cùng Vingroup, vượt mọi khó khăn để hoàn thành vượt tiến độ và chất lượng rất nhiều dự án lớn trên cả nước.
Ông Thiêm lo lắng, nếu Coteccons rơi vào tay cá nhân hay tổ chức khác thì rất dễ mất đi một thương hiệu nhà thầu có uy tín, sẽ giảm đi khả năng cạnh tranh trên thương trường. Bởi, với thị trường xây dựng Việt Nam thì uy tín người đứng đầu doanh nghiệp rất quan trọng đối với quá trình phát triển của doanh nghiệp, đặc biệt đối với doanh nghiệp có tính chất đặc thù về chuyên môn. Vì vậy, Coteccons có được đội ngũ lãnh đạo như hiện nay là rất thuận lợi trong các cuộc đấu thầu công trình xây dựng. Cổ đông của Coteccons nên tiếp tục tận dụng khai thác thế mạnh của đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay.
Coteccons khẳng định: Ngay từ những ngày đầu thành lập, Coteccons đã hoạt động theo tiêu chí minh bạch, rõ ràng và luôn tuân theo những quy tắc quản trị cao nhất từ quá trình đấu thầu cho đến giai đoạn thi công. Ở Coteccons, không ai được phép đứng trên tập thể và hệ thống Công ty, không có việc “sống lâu lên lão làng”, một người suốt đời làm vị trí lãnh đạo…. Chính vì vậy, đây là nơi quy tụ những kỹ sư, kiến trúc sư có trình độ cao cũng như các chuyện gia uy tín người nước ngoài. Tất cả cán bộ nhân viên luôn xem Coteccons như ngôi nhà thứ 2, không bao giờ đòi hỏi mà luôn cố gắng hết sức để đảm bào tiến độ và chất lượng của dự án. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày không chỉ vì thương hiệu Coteccons – niềm tự hào của ngành Xây dựng Việt Nam mà còn để mang lại lợi ích to lớn cho toàn bộ cổ đông.
Được biết, lãnh đạo Coteccons sẵn sàng lắng nghe ý kiến từ các cổ đông lớn, sẵn sàng chuyển giao vị trí của mình cho những ứng cử viên với điều kiện họ có đủ uy tín và năng lực để dẫn dắt Công ty phát triển lâu dài, bền vững.
Chia sẻ kinh nghiệm, Tiến sỹ kinh tế Nguyễn Hồng Phú - Phó phòng Quản lý thị trường bất động sản - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết: Quy luật “cá lớn nuốt cá bé” trên thương trường luôn xảy ra khi có cơ hội, vì vậy doanh nghiệp luôn cần có đánh giá trước những nguy cơ này khi “sức khỏe” nền kinh tế bị yếu để kịp thời đưa ra những chế tài nhằm đảm bảo một số doanh nghiệp vốn nội chủ lực, có tính đầu kéo không để vốn hoá từ nước ngoài.
Trường hợp của Coteccons chỉ là điển hình của nhiều doanh nghiệp nội đang phải đối mặt với nguy cơ bị mua bán bởi thị trường kinh tế trong nước và thế giới đang gặp nhiều khó khăn. Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đã từng kiến nghị gửi lên Thủ tướng về việc cần phải có những biện pháp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước, tránh sự thâu tóm các doanh nghiệp chủ chốt.
Mai Thanh
Theo