(Xây dựng) - Thời gian qua, huyện Cam Lộ đã tập trung xây dựng được nhiều Cụm công nghiệp, thu hút hàng chục dự án, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, đóng góp một phần ngân sách đáng kể cho địa phương.
Trạm trộn bê tông tươi tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. |
Cam Lộ là một huyện bán trung du, có Quốc lộ 9 đi qua, nối đường xuyên Á đến cảng Cửa Việt, nơi có nhiều diện tích gỗ rừng trồng và nhiều cây công nghiệp khác… Với những lợi thế đó, Cam Lộ xác định phát triển các Cụm công nghiệp là một trong những mũi nhọn kinh tế của địa phương.
Dù nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp nhưng nhờ biết vận dụng, bố trí hài hòa nguồn kinh phí nên huyện Cam Lộ đã xây dựng được 3 Cụm công nghiệp có tổng diện tích 150ha, với tổng mức vốn đầu tư cho đến nay là trên 36 tỷ đồng. Trong đó, Cụm công nghiệp Cam Thành 25,5ha; Cụm công nghiệp Cam Hiếu 70ha; Cụm công nghiệp Cam Tuyền 54ha.
Đến nay, các Cụm công nghiệp ở huyện bán trung du này đã thu hút 36 dự án, trong đó: 20 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng, 8 dự án khác đang thực hiện thủ tục đầu tư, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.329 tỷ đồng; Tổng số vốn thực hiện khoảng 314,80 tỷ đồng; Tổng số lao động đăng ký là 2.536 lao động; Giải quyết được khoảng 900 lao động, nộp ngân sách hàng chục tỷ đồng/năm, nhiều doanh nghiệp có số nộp thuế tăng cao.
Cụ thể, năm 2019, một số doanh nghiệp hoàn thành và vượt chỉ tiêu nộp ngân sách năm được UBND huyện giao, như: Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu lâm sản Đường 9 Xanh nộp ngân sách 5,652 tỷ đồng, vượt 88,42% kế hoạch; Công ty TNHH một thành viên Thái Bình Quảng Trị nộp ngân sách 189,783 triệu đồng 89,78% kế hoạch.
Ông Trần Minh Thế - Giám đốc Công ty TNHH Thái Bình tại tỉnh Quảng Nam, chuyên sản xuất cấu kiện bê tông ly tâm đúc sẵn, trụ điện, ống cống... với công suất 30.000 sản phẩm/năm, hoạt động hơn 15 năm nay. Thị trường sản phẩm tại các tỉnh miền Trung và Tây nguyên. Khi xây dựng thêm nhà máy thứ hai, ông đã chọn Cụm công nghiệp Cam Thành, Cam Lộ để đầu tư. Ông Thế tâm sự: “Sau khi đi khảo sát nhiều địa phương, tôi thấy Cụm công nghiệp Cam Thành có nhiều lợi thế, từ vị thế cho đến các chính sách thu hút đầu tư của địa phương nên tôi quyết định đầu tư nhà máy thứ hai tại đây và thành lập Công ty con mang tên: Công ty TNHH một thành viên Thái Bình - Quảng Trị”. Nhà máy được đầu tư trên diện tích rộng gần 9.000m2, với công suất 10.000 sản phẩm/năm, được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động từ năm 2015. Từ đó đến nay, nhà máy hoạt động ổn định, hàng năm nộp ngân sách Nhà nước luôn vượt kế hoạch, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục lao đông.
Nhà máy sản xuất gạch không nung - Trạm trộn bê tông tươi - Xí nghiệp xây dựng và sản xuất vật liệu thuộc Công ty cổ phần Thiên Tân, tại Cụm công nghiệp Cam Hiếu, huyện Cam Lộ đi vào hoạt động năm 2013. Ông Dương Văn Sơn – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thiên Tân cho biết: Công ty hoạt động với phương châm “Lấy chất lượng làm đầu, chú trọng hoạt động tiếp cận thị trường”. Bên cạnh đó, Công ty còn phát huy những lợi thế sẵn có (công nhân có tay nghề cao, sự dồi dào nguyên liệu đầu vào) tạo ra lợi thế về cạnh tranh giá cả trên thị trường.
Nhà máy sản xuất gạch không nung Thiên Tân đã có những kết quả tích cực, sản lượng sản xuất ngày một tăng lên đáng kể, nhiều công trình xây dựng lớn sử dụng sản phẩm gạch không nung của nhà máy. Những năm trở lại đây, nhà máy sản xuất và tiêu thụ khoảng 8 triệu viên gạch tiêu chuẩn/năm, cung ứng từ 30-35 nghìn m3 bê tông tươi/năm, doanh thu đạt trên 45 triệu đồng, góp phần tăng tổng doanh thu đáng kể cho Công ty, tạo việc làm cho 50 lao động với mức thu nhập bình quân 7,5 triệu đồng/người/tháng.
Nhà máy sản xuất chế biến tinh bột sắn của Công ty Cổ phần chế biến tinh bột sắn An Thái được đầu tư tại Cụm công nghiệp Cam Tuyền có tổng mức vốn đầu tư hơn 140 tỷ, công suất 21.000 tấn/năm xây dựng hoàn thành và bắt đầu chạy thử từ tháng 10/2014. Ông Võ Quốc Minh - Giám đốc Công ty Cổ phần An Thái cho biết: Công ty thu mua sắn nguyên liệu chủ yếu ở huyện Cam Lộ và huyện Gio Linh, tạo công ăn việc làm cho gần 100 lao động, với mức thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Không những thế, công ty còn tạo đầu ra thuận tiện cho người trồng sắn trong vùng, từ đó bà con có cơ hội để mở rộng thêm diện tích trồng sắn.
Ông Nguyễn Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm phát triển Cụm công nghiệp và Khuyến công huyện Cam Lộ cho biết: Thời gian tiếp theo, Cam Lộ sẽ tiếp tục ưu tiên thu hút và kêu gọi đầu tư, trong đó ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gắn với phát triển công nghiệp hỗ trợ; ưu tiên các ngành nghề sử dụng nhiều lao động như: May, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, sản xuất các sản phẩm phục vụ xây dựng cơ bản từ nguyên liệu địa phương; sản xuất bia và nước ngọt; gia công đồ gỗ xuất khẩu từ gỗ rừng trồng; cơ khí, máy móc…
Hữu Tiến
Theo