(Xây dựng) - “Thành công không đến từ sự lười biếng, thành công đến từ nỗ lực phi thường của bản thân để vượt qua giông gió cuộc đời. Tôi đã nỗ lực để thoát nghèo và giờ đây nỗ lực để sống có giá trị không chỉ cho bản thân, cho gia đình, mà cho cộng đồng xã hội” - Chị Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lan Anh chia sẻ.
Chị Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lan Anh. |
Nỗ lực thoát nghèo
“Tôi sinh ra ở một vùng quê nghèo khó xứ Thanh. Gia đình tôi rất nghèo. Thời đó bố tôi đi bộ đội, mẹ tôi tảo tần nuôi 06 người con. Tôi phải đi ở đợ cho nhà thầy thuốc để được học chữ. Tôi lấy chồng từ lúc còn rất trẻ, trong tay chẳng có gì ngoài mấy cái chữ học được ở cấp hai. Cuộc sống hôn nhân của tôi không hạnh phúc. Mỗi khi tôi ngồi nấu cơm ở gốc chuối, tôi thấy ánh lửa bập bùng mà sao cuộc sống của mình như màn đêm đen. Lúc nào tôi cũng thấy tủi cho phận mình, rồi hai hàng nước mắt lại tuôn rơi. Tôi đã quyết tâm rời xa quê hương, bế con nhỏ vào miền Nam sinh sống, mong tìm được cơ hội thoát nghèo” - Chị Nguyễn Nam Phương, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Lan Anh rưng rưng nước mắt nhớ lại năm tháng khó khăn đầu đời, khi chia sẻ với Báo điện tử Xây dựng.
“Thế giới mênh mông, nơi nào dành cho mình! Chị gái tôi là hy vọng. Tôi đã tìm tới huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước nơi chị gái tôi làm công nhân cao su để nương tựa. Khi ấy, nơi này được mệnh danh là “rừng sâu nước độc”, đất đai khô cằn, thời tiết khắc nghiệt, bom đạn vẫn còn găm dưới đất. Tôi bắt đầu với việc làm thuê, ai kêu gì làm đấy. Tôi không nề hà bất cứ công việc gì từ bán nước chè xanh, buôn chuối, mít, đan cỏ tranh, hái tiêu, điều… miễn là đổi mồ hôi lấy tiền nuôi con. Nhưng cuộc sống cũng chẳng êm đềm…”. Đôi mắt chị Phương ngấn lệ, giọng chị lạc đi trong câu chuyện khó khăn của cuộc đời mình.
“Cái nghèo, cái khó lấy đi của tôi nhiều thứ. Chồng tôi đã vào Bình Phước. Chúng tôi xoay sở trong cái nghèo mà không thoát ra được. Cuộc sống khắc nghiệt khiến chúng tôi không thể gắng gượng bên nhau được nữa. Thế là đường ai nấy đi. Tôi nuôi hai đứa con bằng tất cả nỗ lực, bằng cả năm tháng thanh xuân và nước mắt” - Chị Phương nghẹn ngào.
Không sống được ở Bình Phước, chị Phương cùng con khăn gói lên Thành phố Hồ Chí Minh làm thuê. Chị gửi con ở nhà dòng, rồi đi chạy bàn ở quán phở. Năm 1993, chị tích cóp được một ít tiền, sau đó về Vũng Tàu thuê lại nhà hàng của Công ty Nguyên Bình để kinh doanh. Được 8 cây vàng, chị dành hết để về xã Hòa Long, Bà Rịa mua hơn 2ha rẫy làm mô hình VAC, trước mắt là để phục vụ nhà hàng, sau là để phát triển mô hình kinh doanh mới.
“Hòa Long lúc bấy giờ là một vùng đất cằn cỗi, hoang dại, âm u, thưa người, nhưng lại phù hợp với số tiền chắt chiu của của tôi. Tôi tìm bằng được nơi gần mạch nước để mua, vì phải có nước mới nuôi trồng được. Và tôi đã tìm ra khu đất ở Suối Sỏi có cái giếng nước không bao giờ cạn đã giúp tôi khởi nghiệp”.
Chị Nguyễn Nam Phương cùng phóng viên Báo điện tử Xây dựng bên giếng nước Suối Sỏi khởi nghiệp. |
Suối Sỏi khởi nghiệp
“Nước là mạch nguồn của sự sống. Vùng đất cao có nước ngầm là vùng đất phong thủy tốt. Tôi có nước để trồng cây, nuôi bò, nuôi cá, ba ba… và tạo dựng một nhà hàng để kinh doanh thực phẩm sạch khép kín. Năm tháng cuộc đời cùng với sự trải nghiệm sương gió nay đây mai đó đã giúp tôi nhanh nhạy hơn. Tôi xắn tay vào giải quyết ngay từ những việc nhỏ hiệu quả, việc lớn mới có kết quả, Chị Phương tâm sự.
“Tôi trở lại Bình Phước để mua bò về nuôi. Không có nhiều tiền mua những cặp bò đẹp, tôi mua những con bò xấu mang về tự chăm chút, ghép đôi. Tôi đã sáng kiến kỹ thuật nuôi bò ghép thành công và hiệu quả, từ bò xấu trở thành cặp bò đẹp. Thế rồi cuộc sống cũng nở hoa, những con bò khỏe mạnh, béo tốt, bán rất được giá. Tôi có vốn để làm những việc khác”, mắt chị Phương lấp lánh niềm vui.
Mô hình vườn – ao - chuồng thành công từ nỗ lực ngày đêm của chị. Mô hình ngày càng phát triển, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng chị thu lợi khoảng 400 triệu đồng. Mô hình này không chỉ giúp chị thoát nghèo, mà còn giúp rất nhiều lao động địa phương có công ăn việc làm. 10 năm làm việc cật lực, những nỗ lực của chị Phương đã được xã hội ghi nhận. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam hai lần liên tiếp trao tặng danh hiệu Giải Trâu vàng đất Việt cho chị.
Vẫn là từ nước, khi có vốn, chị Phương đã đầu tư nhà máy sản xuất nước tinh khiết đóng chai. Nguồn nước Suối Sỏi trong mát, sạch sẽ, đã mang lại cho chị thu nhập đáng kể. Năm 2005, chị đã thành lập doanh nghiệp tư nhân và sản phẩm nước uống của chị mang tên Safety ra đời.
Năm 2006, chị Nguyễn Nam Phương đã thành lập Công ty TNHH MTV Lan Anh, sản xuất, kinh doanh ở 4 lĩnh vực chính: kinh doanh nhà hàng sân vườn, sản xuất nước uống tinh khiết đóng chai, đầu tư kinh doanh bất động sản và sản xuất nông nghiệp (Năm 2009 chị đầu tư thêm dây chuyền sản xuất gạch ốp lát).
“Công ty Lan Anh ra đời là một dấu son trong cuộc đời tôi! Phải có hành động mới có kết quả, phải làm việc mới có thành công. Vì thành công trước hết là nỗ lực của bản thân mình. Thành công không đến từ sự lười biếng, thành công đến từ nỗ lực phi thường của bản thân để vượt qua giông gió cuộc đời. Tôi đã nỗ lực để thoát nghèo và giờ đây nỗ lực để sống có giá trị không chỉ cho bản thân, cho gia đình, mà cho cộng đồng xã hội” - Chị Nguyễn Nam Phương chia sẻ.
Sống có giá trị
“Hòa Long là xứ yên bình, quê hương cách mạng. Gia đình tôi là gia đình cách mạng, bố tôi là đại tá quân đội về hưu, nên tôi đã chọn Hòa Long vùng đất anh hùng làm quê hương thứ hai. Tôi muốn phát triển và gắn bó với vùng đất này…” - Chị Phương chia sẻ về ý định gắn bó của mình.
“Năm 2006, khu vực thị xã Bà Rịa (nay là thành phố Bà Rịa) là vùng đất thưa thớt người ở, hạ tầng nông thôn chưa đồng bộ, điều kiện sinh sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, bản thân tôi đã cùng Ban lãnh đạo Công ty Lan Anh nghiên cứu, đi đầu phát triển đầu tư khu dân cư ở các vùng nông thôn, thuộc các vùng sâu vùng xa nhằm mục tiêu phát triển vùng nông thôn mới. Tiên phong làm nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp và thực hiện đúng chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước” - Chị Phương nói.
11 dự án khu dân cư Lan Anh ra đời trong vòng 15 năm với số tiền nhiều ngàn tỷ đồng đã thay đổi bộ mặt nông thôn Hòa Long nói riêng, vùng Bà Rịa nói chung và những khu vực kế cận. Từ vùng đất hoang sơ vắng vẻ, dân cư thưa thớt, Hòa Long nói riêng đã trở thành nơi đáng sống với môi trường cảnh quan xanh – sạch – đẹp của các khu dân cư khép kín, đồng bộ hạ tầng, dịch vụ thiết yếu đầy đủ.
Chưa hết, chị Phương cho biết, tới năm 2030, chị và Công ty của chị sẽ hoàn thiện 30 dự án bất động sản, xây dựng nhiều nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Việc này sẽ làm thay đổi lớn bộ mặt nông thôn mới ở các huyện thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và các xã thuộc thành phố Bà Rịa.
Điều đặc biệt, trong các dự án của chị, chị luôn hướng đến và ưu tiên việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp. Đây là tâm huyết và cũng là trăn trở của chị, bởi nhà cho những đối tượng này đem lại lợi nhuận không nhiều, thậm chí nếu tính toán không tốt sẽ bị lỗ. Thế nhưng chị vẫn làm. Hàng trăm căn nhà cho người thu nhập thấp đã hoàn thiện bàn giao, hàng trăm căn nhà ở xã hội đã xây dựng, đáp ứng chỗ an cư lạc nghiệp cho hàng ngàn người trong thời gian qua vẫn chưa làm vơi nhiệt huyết hướng về cộng đồng của chị. Ngay cả lúc khó khăn nhất, chị và Công ty của chị vẫn quyết tâm thực hiện xây nhà cho người thu nhập thấp. Đó là thời điểm năm 2011, khi khủng hoảng kinh tế toàn cầu, bất động sản trong nước đóng băng, nhưng chị vẫn dũng cảm quyết định xây dựng 300 căn nhà ở cho người thu nhập thấp. Không những vậy, chị còn cho người mua nhà được trả chậm trong vòng 5-15 năm. Đó là tấm lòng của chị và cũng là uy tín của chị đối với cộng đồng.
“Tôi nghĩ đến những người nghèo, người thu nhập thấp bởi vì tôi cũng từ đói nghèo mà trưởng thành. Nhà là nơi khởi nguồn của hạnh phúc, của tình yêu thương. Tôi muốn họ có nhà. Và đương nhiên, mua sản phẩm của tôi họ không chỉ có nhà, có đất, mà còn có sổ, với mức giá không thể cạnh tranh hơn, lại còn được trả chậm trong thời gian hàng chục năm. Giúp đỡ họ được bởi tôi không cầm sổ đỏ vào ngân hàng để vay vốn!” - Chị Phương khẳng định.
“Tôi nghĩ làm như vậy thiết thực hơn cả việc đi chùa cúng dường. Tôi đã có của ăn của để, đã có 4 đứa con ngoan hiền hiếu thảo, có những đứa cháu dễ thương, tôi muốn làm những việc có ý nghĩa để con cháu noi gương và để cuộc sống có giá trị” - Chị Phương tâm sự.
Không chỉ hướng về cộng đồng bằng những sản phẩm thiết thực, chị Phương còn trực tiếp tài trợ hàng chục tỷ đồng để giúp địa phương cải thiện đường sá, hạ tầng nông thôn. Chị đóng góp hàng tỷ đồng cho quỹ an sinh xã hội địa phương, đóng góp gần 30 tỷ cho phòng chống dịch Covid-19, xây hàng chục căn nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho người nghèo, hỗ trợ cho rất nhiều ca mổ tim… Nơi nào có khó khăn cần đến chị, trong khả năng của mình, chị đều giúp đỡ.
Đối với gia đình, chị luôn hướng những đứa con của mình, ngoài công việc kinh doanh, cần có tấm lòng hướng về cộng đồng, xã hội. Những đứa con của chị giờ đây mỗi đứa đã có công ty riêng, đang hoạt động trong tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Công ty Lan Anh. Chị muốn các con của chị kế thừa và phát huy được văn hóa doanh nghiệp, tấm lòng vì cộng đồng của doanh nghiệp Lan Anh mà tâm huyết nhiều năm chị gây dựng. Các con của chị cùng chị phát triển và gắn bó với vùng đất Hòa Long nói riêng, Bà Rịa và vùng lân cận nói chung. Các Công ty của các con chị mang tên riêng và riêng từng thương hiệu: Con trai đầu làm chủ Công ty TNHH Thương mại - Vận tải Huy Đức, con gái thứ hai làm chủ Công ty TNHH Xây dựng Tiến Hùng, con gái thứ 3 Công ty TNHH MTV bất động sản và thương mại dịch vụ Mai Thương, con gái thứ 4 đang làm thủ tục xin đầu tư kinh doanh Công ty TNHH Lan Anh Thịnh Vượng. Công ty của các con chị đang hoạt động đúng như kỳ vọng của chị.
Chia sẻ về quan điểm sống có giá trị, chị Nguyễn Nam Phương nói rất đơn giản, là sống có giá trị cho bản thân, cho gia đình và cho cộng đồng xã hội. Chị muốn làm những việc cụ thể, thiết thực, bằng khả năng của mình để giúp người khác dù một chút cũng vui.
“Tôi bắt đầu nghĩ tới những người già. Họ rất cần nơi để chăm sóc sau những năm tháng vất vả mưu sinh. Sắp tới tôi sẽ đầu tư xây dựng viện dưỡng lão tại khu dân cư Lan Anh 16 tại xã Phước Hội, huyện Đất Đỏ gần biển” - Chị Phương cho biết kế hoạch sắp tới.
Một hướng đi mới lại tiếp tục mở ra với chị Phương và Công ty của chị. Chị vẫn nỗ lực không ngừng trong hành trình sống có giá trị của mình. Khi cánh cửa nghèo khó khép lại, cũng là lúc một chân trời mới mở ra tươi sáng hơn, hạnh phúc hơn đối với người phụ nữ giàu nghị lực, có tấm lòng nhân ái như chị. Hầu như năm nào chị cũng nhận được bằng khen, giấy khen hay giải thưởng tôn vinh của các cấp từ Trung ương đến địa phương. Chị đã vinh dự được nhận tặng thưởng 03 năm liền Bông hồng Vàng và nhận tặng thưởng Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước trao tặng. Ngoài ra, chị còn được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trong nhiều năm. Còn công ty chị nhận 03 năm liền giải thưởng “Ngọn Hải Đăng” và nhiều bằng khen của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu về sự đóng góp vào quỹ an sinh xã hội phát triển nông thôn mới.
Nữ doanh nhân Nguyễn Nam Phương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lan Anh - trong lần thứ 3 nhận được giải thưởng Bông hồng Vàng. |
Giá trị hơn nữa đó chính là ý chí, nghị lực và cách chị vượt khó chèo lái con thuyền Công ty Lan Anh vượt qua khủng hoảng kinh tế toàn cầu hàng chục năm. Trong khi ngành Bất động sản trong nước khó khăn, thì Công ty của chị vẫn đứng vững, thậm chí còn phát triển, đóng góp nhiều cho quỹ an sinh xã hội của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, góp phần xây dựng nông thôn mới. Vinh dự đã đến với chị, khi Nhà nước trao tặng “Cúp Thánh Gióng” năm 2016. Và gần đây nữa, khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên cả nước, trong đó, khu vực miền Đông Nam bộ thiệt hại nặng nề nhất, chị đã cùng công ty của chị đóng góp hơn 30 tỷ đồng cho công tác phòng chống dịch, bảo đảm tính mạng cho nhân dân. Thủ tướng Chính phủ đã tặng bằng khen cho chị, ghi nhận những nỗ lực và tấm lòng của chị dành cho xã hội, cho cuộc đời này.
Sơ lược dự án phát triển nông thôn mới, xây nhà ở xã hội và nhà ở cho người thu nhập thấp của Công ty TNHH Lan Anh: Năm 2008, dự án Lan Anh I đã hoàn thiện 152 căn nhà ở xã hội với kinh phí 200 tỷ đồng, giúp cho khoảng 600 nhân khẩu có chỗ ở ổn định. Năm 2009, dự án Lan Anh II đã hoàn thiện, bàn giao 52 căn nhà ở xã hội với kinh phí 712 tỷ đồng cho người dân và hạ tầng cho địa phương. Năm 2010, dự án Lan Anh 4 hoàn thiện, phát triển nông thôn mới ở xã Hòa Long, bàn giao 222 căn nhà cho người thu nhập thấp với kinh phí 256 tỷ đồng và hạ tầng cho địa phương. Năm 2011, tiếp tục xây 122 căn nhà cho người thu nhập thấp, được trả chậm tại dự án Lan Anh 4. Còn lại 100 căn nhà ở xã hội bàn giao sau. Việc này đã giúp cho khoảng 1.000 nhân khẩu ổn định cuộc sống. Cũng trong năm 2011, dự án Lan Anh 5 thuộc vùng nông thôn mới xã Hòa Long được hoàn thiện và bàn giao hạ tầng cho địa phương với kinh phí 543 tỷ đồng. Năm 2020, sau khi mở rộng vùng nông thôn mới tại Châu Đức, dự án Lan Anh 7A với kinh phí 210 tỷ đồng cũng đã được bàn giao cho địa phương. Năm 2021, dự án Lan anh 7B với kinh phí hơn 489 tỷ đồng cũng đã được hoàn thiện, trong đó có 97 căn nhà ở xã hội, 84 căn nhà ở cho người thu nhập thấp. Năm 2022, dự án Lan Anh 10 phát triển nông thôn mới tại Đá Bạc, Châu Đức được xúc tiến, trong đó có 480 căn nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp. Dự án Lan Anh 11 tại Suối Rao cũng được khởi động. |
Tâm Bút
Theo