(Xây dựng) - Tỉnh Bình Phước thuộc vùng Đông Nam bộ, được thiên nhiên ưu ái với diện tích rừng rộng lớn, trữ lượng carbon tương đối dồi dào. Nhận thức được tiềm năng to lớn này, tỉnh Bình Phước đang nỗ lực phát triển thị trường tín chỉ carbon, góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
2,5 cây điều được trồng theo tiêu chuẩn quốc tế sẽ cung cấp 1 tín chỉ carbon. Bình Phước có diện tích trồng điều chiếm gần 50% tổng diện tích trồng điều của cả nước. (Ảnh: CTTĐT Bình Phước) |
Việt Nam đã tham gia vào thị trường tín chỉ carbon và hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Đến năm 2025, nước ta sẽ thành lập sàn giao dịch carbon. Trong khi đó, Bình Phước có diện tích rừng hơn 1,5 triệu ha, tỷ lệ che phủ 22,57%. Đây là nguồn dự trữ carbon tiềm năng cho việc phát triển thị trường tín chỉ carbon.
Nhu cầu về tín chỉ carbon ngày càng tăng cao trên thị trường quốc tế, mở ra cơ hội cho Bình Phước xuất khẩu tín chỉ carbon và thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xanh. Bên cạnh sự hỗ trợ phát triển thị trường tín chỉ carbon, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và tổ chức tham gia vào thị trường này của Chính phủ thì Bình Phước đã có những nỗ lực thể hiện sự nhanh nhạy trước xu thế mới của toàn cầu.
Mới đây, UBND tỉnh Bình Phước ban hành kế hoạch về phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024-2030 trên địa bàn tỉnh Bình Phước. Mục tiêu của kế hoạch này là phấn đấu nâng năng suất chất lượng các loại rừng, quy hoạch hài hòa các loại rừng, đến năm 2030 tỷ lệ che phủ rừng đạt 21%. Phát triển kinh tế lâm nghiệp, trong đó phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ, nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp. Nâng cao đời sống của người dân làm nghề rừng, giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020.
Cũng tại Kế hoạch này, tỉnh Bình Phước còn đề ra những việc làm cụ thể như kiểm đếm quỹ đất và rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ đủ điều kiện để trồng mới, trồng lại rừng sản xuất gỗ lớn. Rà soát diện tích rừng trồng sản xuất hiện có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có. Tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng. Các địa phương, doanh nghiệp cần áp dụng những giải pháp về xây dựng vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn; về khoa học, công nghệ và khuyến lâm; về cơ chế, chính sách; về tổ chức sản xuất, liên doanh, liên kết…
Một thế mạnh mà không phải địa phương nào cũng có, đó là Bình Phước có diện tích trồng điều lớn nhất cả nước, chiếm hơn 50% diện tích điều của Việt Nam và cây điều có khả năng hấp thụ lượng lớn CO2, góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính. Tận dụng từ thế mạnh này, từ năm 2022, Bình Phước đã triển khai chương trình trồng điều tạo chứng chỉ carbon với mục tiêu phát triển vùng trồng điều bền vững, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Việc phát triển vùng trồng điều theo hướng bền vững có thể tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân và góp phần bảo vệ môi trường.
Để các thế mạnh được phát huy, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã tích cực kết nối với các thị trường quốc tế để xuất khẩu tín chỉ carbon và thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xanh như “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp công nghiệp, thương mại, nông nghiệp công nghệ cao EuroCham - tỉnh Bình Phước năm 2024”.
Bình Phước đang nỗ lực phát triển thị trường tín chỉ carbon với mục tiêu bảo vệ môi trường, giảm thiểu khí thải nhà kính và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Với tiềm năng to lớn và những nỗ lực không ngừng nghỉ, Bình Phước được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển thị trường tín chỉ carbon hàng đầu của Việt Nam.
Tuy nhiên, để đạt được sự kỳ vọng và khai thác được tiềm năng của Bình Phước thì theo các chuyên gia, Bình Phước phải “giải bài toán” đồng bộ để có hệ thống pháp lý về quản lý phát thải khí nhà kính, phát triển thị trường tín chỉ carbon phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh. Ban hành các quy định cụ thể về tiêu chuẩn, quy trình xác lập, phát hành, giao dịch, quản lý và sử dụng tín chỉ carbon.
Việc tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của thị trường carbon và lợi ích của việc tham gia thị trường này cũng rất cần thiết.
Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm theo dõi, giám sát và xác minh phát thải khí nhà kính hiệu quả, đảm bảo tính minh bạch cho thị trường carbon. Xây dựng hệ thống giao dịch tín chỉ carbon trực tuyến an toàn và tiện lợi nhằm thu hút và hỗ trợ các tổ chức trung gian tham gia vào thị trường carbon, cung cấp dịch vụ tư vấn, phát triển dự án và giao dịch tín chỉ carbon…
Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tiếp cận nguồn tài chính ưu đãi để phát triển các dự án giảm phát thải khí nhà kính cùng các chương trình ưu đã khuyến khích đầu tư vào các dự án tiết kiệm năng lượng…
Yếu tố quan trọng quyết định sự thành công là chất lượng nhân sự, các chuyên gia khẳng định, Bình Phước cần có chiến lược cụ thể về đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên gia kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao về lĩnh vực biến đổi khí hậu và thị trường carbon; nâng cao năng lực cho các tổ chức trung gian tham gia vào thị trường carbon; nâng cao nhận thức và kỹ năng cho cộng đồng về thị trường carbon và lợi ích của việc tham gia thị trường này. Trong đó, việc hợp tác với các quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới để chia sẻ kinh nghiệm, học hỏi các mô hình phát triển thị trường carbon hiệu quả là cần thiết.
Phát triển thị trường tín chỉ carbon thành công, Bình Phước sẽ góp phần giảm thiểu khí thải nhà kính, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tạo ra nguồn thu nhập mới cho người dân, thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế xanh và tạo việc làm cho người lao động. Nâng cao vị thế của Bình Phước trên bản đồ quốc tế về phát triển kinh tế xanh và bảo vệ môi trường.
Công Danh
Theo