(Xây dựng) – Ngày 13/2 (nhằm ngày Mùng 4 Tết Nguyên đán Giáp Thìn), tại Bảo tàng Quang Trung, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa (1789 – 2024).
Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hoa trước tượng đài Hoàng đế Quang Trung. |
Bình Định, vùng đất có bề dày lịch sử - văn hóa; là nơi kết tụ các giá trị truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng và hiếu học. Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, đất và người Bình Định có nhiều đóng góp trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Địa linh Bình Định đã hun đúc nhiều anh hùng, danh nhân lịch sử, văn hóa, tiêu biểu nhất là Tây Sơn Tam Kiệt.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tại Đền thờ Tây Sơn Tam Kiệt. |
Thế kỷ XVIII, đất nước ta có nhiều biến loạn, ở Đàng ngoài họ Mạc lập giang sơn riêng, Chúa Trịnh lấn át Vua Lê; ở Đàng trong Chúa Nguyễn suy tàn, gian thần lộng hành, trăm họ rơi vào cảnh lầm than. Từ những năm 60 thế kỷ XVIII về trước, nhiều cuộc khởi nghĩa nổ ra khắp Bắc, Trung, Nam. Ở Bình Định có khởi nghĩa Chàng Lía để lại dấu ấn sâu đậm trong ký ức dân gian. Tuy nhiên, tất cả những cuộc khởi nghĩa ấy đều thất bại.
Bấy giờ, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ đang theo học văn và võ nơi thầy giáo Trương Văn Hiến. Với tư tưởng tiến bộ, thầy giáo Hiến thổi vào tâm hồn anh em nhà Tây Sơn tình yêu quê hương, thấu hiểu nỗi khổ đau khi đất nước bị chia cắt. Tình hình chính trị, xã hội rối ren, đời sống lầm than, cơ cực của người dân đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức, tư tưởng, chí hướng và hành động của ba anh em nhà Tây sơn.
Năm 1771, ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ ở Ấp Tây Sơn bí mật xây dựng căn cứ, tập hợp nghĩa binh trên vùng đất Tây Sơn thượng đạo, phất cờ khởi nghĩa.
Ngay từ buổi đầu, cuộc khởi nghĩa quy tụ các anh hùng hào kiệt được người đời sau ngợi ca như “Tây Sơn thất hổ tướng”: Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng, Võ Đình Tú, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Lộc, Lê Văn Hưng, Lý Văn Bưu; “Tây Sơn lục kỳ sĩ” như: Võ Xuân Hoài, Nguyễn Thung, Trương Mỹ Ngọc, La Xuân Kiều, Triệu Đình Tiệp, Cao Tắc Tựu; “Tây Sơn ngũ phụng thư” như: Bùi Thị Xuân, Bùi Thị Nhạn, Trần Thị Lan, Huỳnh Thị Cúc, Nguyễn Thị Dung.
Lãnh đạo tỉnh Bình Định dâng hương tưởng nhớ nghĩa quân Tây Sơn. |
Năm 1773, từ căn cứ Tây Sơn thượng đạo, nghĩa quân tiến xuống giải phóng Tây Sơn hạ đạo rồi chiếm phủ thành Quy Nhơn. Cuối năm 1773, nghĩa quân Tây Sơn chiếm phủ Quảng Ngãi, mở rộng căn cứ, tạo bàn đạp vững chắc cho cuộc khởi nghĩa.
Từ Quy Nhơn - Quảng Ngãi, nghĩa quân tiến vào Diên Khánh, Bình Khang, Bình Thuận rồi tiến ra Quảng Nam đánh bại nhiều cuộc phản công của quân Nguyễn. Từ đây, cuộc khởi nghĩa phát triển nhanh chóng với khí thế mạnh mẽ, kết hợp sức mạnh tiến công của nghĩa quân với sự nổi dậy hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân bị áp bức.
Năm 1776, Nguyễn Nhạc cho tu sửa và mở rộng thành Đồ Bàn làm đại bản doanh. Năm 1778, Nguyễn Nhạc lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Thái Đức, thành Đồ Bàn đổi tên là thành Hoàng Đế. Đánh dấu sự ra đời một vương triều mới trong lịch sử Việt Nam – vương triều của những người nông dân áo vải.
Lợi dụng lời cầu viện của Nguyễn Ánh, cuối tháng 7/1784, vua Xiêm cho 5 vạn quân đi theo 2 đường thủy, bộ với 300 chiến thuyền tràn sang xâm lược nước ta. Nguyễn Huệ được lệnh, từ Quy Nhơn đem quân vào tổ chức phản công, cho quân mai phục trên sông Tiền nhử địch vào cạm bẫy.
Cán bộ và nhân dân Bình Định dâng hương tưởng nhớ các anh hùng dân tộc. |
Bằng trận Rạch Gầm – Xoài Mút ngày 19/1/1785, 5 vạn quân Xiêm cùng 300 chiến thuyền đã bị quân Tây Sơn đánh tan, chôn vùi tham vọng xâm chiếm nước ta của Vua Xiêm. Đồng thời, chiến thắng vẻ vang này kết thúc giai đoạn cầm quyền của chúa Nguyễn, đặt toàn bộ lãnh thổ Đàng trong dưới quyền kiểm soát của nhà Tây Sơn. Đây là chiến công vang dội đầu tiên chống ngoại xâm của vương triều Tây Sơn trong lịch sử. Với thắng lợi oanh liệt này, Nguyễn Huệ từ một anh hùng nông dân đã trở thành anh hùng dân tộc.
Vào năm 1786, Nguyễn Nhạc quyết định lập đạo quân tiến ra Bắc thu phục Phú Xuân, Thuận Hóa, rồi tiến đến bờ Nam sông Gianh, địa giới phân chia Bắc - Nam của hai Chúa Trịnh - Nguyễn. Tiếp đó, dưới danh nghĩa tôn phù nhà Lê, Nguyễn Huệ đưa quân ra Bắc đập tan chính quyền chúa Trịnh, thống nhất giang sơn, chấm dứt thời kỳ đất nước bị chia cắt kéo dài hơn hai thế kỷ.
Năm 1788, Lê Chiêu Thống, với tham vọng thấp hèn đã “rước voi về dày mả tổ”, tạo cơ hội cho nhà Thanh âm mưu thôn tính nước ta. Ngày 22/12/1788 (tức ngày 25/11 năm Mậu Thân) tại núi Bân, kinh thành Huế, Nguyễn Huệ làm lễ lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Quang Trung, đảm đương trọng trách cứu đất nước ra khỏi họa xâm lăng, đưa nhân dân thoát vòng nước lửa.
Với chiến thuật thần tốc, táo bạo, bất ngờ của Vua Quang Trung và quân Tây Sơn, chỉ sau 5 ngày đêm, toàn bộ hệ thống phòng thủ của quân Thanh bị đập tan. Hai trận Ngọc Hồi – Đống Đa ngày Mùng 5 Tết là những chiến công vang dội, giữ vai trò quyết định thắng lợi của cuộc đại phá quân Thanh, giải phóng kinh thành Thăng Long.
Đại thắng Ngọc Hồi - Đống Đa ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thể hiện ý chí độc lập, tự chủ được hun đúc qua mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Tinh thần của phong trào Tây Sơn và chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa mãi mãi là niềm tự hào, tiếp sức cho thế hệ hôm nay và mai sau trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đông đảo du khách và nhân dân về dự Lễ kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa. |
Trong những năm qua, Đảng bộ, dân và quân Bình Định phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực, vượt qua khó khăn, thách thức hoàn thành tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế của tỉnh Bình Định tiếp tục tăng trưởng; an sinh xã hội được đảm bảo, đời sống nhân dân cơ bản ổn định; quốc phòng - an ninh được tăng cường, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, kiện toàn.
Phát huy hào khí Tây Sơn và khí thế thần tốc, bách chiến bách thắng của Hoàng đế Quang Trung, Đảng bộ, chính quyền, dân và quân Bình Định với tinh thần bứt phá, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, xây dựng và phát triển tỉnh Bình Định nhanh, toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.
Chương trình nghệ thuật đặc biệt chào mừng kỷ niệm 235 năm chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa có khoảng 400 người (gồm các nghệ sỹ, ca sỹ, diễn viên chuyên nghiệp thuộc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định, Trường Đại học VHNT Quân đội; võ sư, võ sỹ thuộc Bảo tàng Quang Trung; Trung tâm Võ thuật cổ truyền Bình Định; Trung tâm Văn hóa tỉnh; Học sinh trường THPT Nguyễn Huệ và trường THPT Quang Trung, huyện Tây Sơn) tham gia biểu diễn đã thu hút hàng trăm khán giả, du khách và đông đảo nhân dân đến xem.
Mỹ Bình
Theo