(Xây dựng) - Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt được xây dựng với diện tích hơn 6.000m2 trên Di tích Gò Lăng. Di tích Gò lăng với dấu tích còn lại là khu vườn và nền nhà cũ, quê hương bà Nguyễn Thị Đồng là mẹ của Tây Sơn Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia 16/ 11/1988.
Di tích Gò Lăng – Quê mẹ các thủ lĩnh Tây Sơn. |
Di tích Gò lăng thuộc địa phận thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định, cách Bảo tàng Quang Trung 2km, theo hướng Tây - Bắc. Nơi đây, với dấu tích còn lại là khu vườn và nền nhà cũ, quê hương bà Nguyễn Thị Đồng là mẹ của Tây Sơn Tam kiệt Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ - những thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào nông dân Tây Sơn vào thế kỷ XVIII. Di tích được xếp hạng cấp Quốc gia 16/ 11/ 1988.
Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn Tam kiệt trong buổi đầu thu phục nhân tâm, xây dựng cuộc khởi nghĩa Tây Sơn, đó là những truyền thuyết, các câu chuyện truyền miệng mà người dân địa phương thường kể cho nhau nghe bao đời nay mặc cho sự trả thù của triều Nguyễn và chiến tranh tàn phá.
Di tích Gò Lăng có nhiều sự kiện liên quan đến Tây Sơn Tam kiệt. |
Sau khi nhà Tây Sơn mất, triều Nguyễn Gia Long thực hiện chính sách trả thù gay gắt, nhà cũ của ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại di tích đã bị san bằng và trở thành mảnh đất trống không, chỉ còn vết tích nền nhà, đá tảng kê cột vuông vức có khắc hoa văn hình hoa thị với kích cỡ mỗi bề 0,4m và nhiều mảnh gốm sứ của bát đĩa vỡ, trên mảnh vườn cũ chỉ còn một số cây cổ thụ.
Dưới triều Nguyễn, nhân dân Phú Lạc luôn tưởng nhớ, tri ân các bậc tiền hiền, những người anh hùng của quê hương, họ đã xây dựng miếu thờ Sơn Quân (Thần Núi) gọi là miếu Cây Thị, có người gọi miếu thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng tại khuôn vườn cũ và bí mật thờ cúng ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thị Đồng, Tây Sơn Tam kiệt (Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ) vào ngày 14/11 âm lịch hàng năm tại Đình làng Phú Lạc, gọi là ngày cúng Thường tân (Tết cơm mới) với hình thức tưởng niệm hương hoa và mật cáo.
Năm 1999, chính quyền địa phương xây Đền thờ trên nền nhà cũ của di tích để thờ ông bà Hồ Phi Phúc - Nguyễn Thi Đồng và dòng họ nội, ngoại - những tiền hiền có công khai ấp lập làng cùng Tam kiệt Tây Sơn. Hằng năm vào ngày 14/11 âm lịch long trọng tổ chức lễ giỗ hiệp kỵ Tây Sơn với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn.
Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt trên Di tích Gò Lăng. |
Thực hiện chủ trương xã hội hóa công tác trùng tu, tôn tạo để bảo tồn và phát huy giá trị di tích, năm 2016, được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh Bình Định, gia đình liệt sĩ Trần Đình Châu cùng các bằng hữu, Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú, đã công đức xây dựng Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt với diện tích hơn 6.000m2 trên Di tích Gò Lăng.
Công trình được khởi công vào 23/5/2016 và khánh thành vào 31/8/2016 (nhằm ngày 29/7 âm lịch) nhân lễ kỷ niệm 224 năm ngày mất Hoàng Đế Quang Trung (1792 - 2016). Các hạng mục công trình bao gồm: Đền thờ, cổng nghi môn, nhà bia, bình phong, nhà sọan lễ và quản lý, am thờ, cổng phụ, sân đường đi, bãi đỗ xe, cây xanh.
Đền thờ có diện tích 298m2, mặt quay về hướng Nam, xây theo kiểu kiến trúc truyền thống, nội thất đặt 3 án thờ: Chính giữa là án thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt; bên phải là án thờ tổ tiên nội, ngoại; bên trái là án thờ Tây Sơn Tam kiệt: Thái Đức - Nguyễn Nhạc, Quang Trung - Nguyễn Huệ và Đông Định Vương - Nguyễn Lữ; hai bên đầu hồi có giá chiêng và giá trống để phục vụ tế lễ.
Đền thờ song thân Tây Sơn Tam kiệt là điểm du lịch văn hóa tâm linh, phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, điểm đến của mọi người với ý nghĩa thiêng liêng hướng về cội nguồn. Đến với di tích, du khách thắp nén hương tưởng niệm, tri ân công đức những bậc sinh thành các thủ lĩnh kiệt xuất của phong trào Tây Sơn.
Mỹ Bình
Theo