Dinh Chúa Đảo mang kiến trúc truyền thống của Pháp, bên trong vẫn giữ được nhiều hiện vật ngày xưa như các bộ bàn ghế, giường, kệ,...
Dinh Chúa Đảo (Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu) còn được biết đến với nhiều tên gọi như dinh Ông Lớn, nhà Chúa Đảo, dinh Tỉnh Trưởng. Đây từng là nơi ở và làm việc của 53 đời chúa đảo, những người đứng đầu bộ máy cai trị ở Côn Đảo (1862-1975).
Dinh Chúa Đảo được khởi công xây dựng từ năm 1862 và hoàn thành vào năm 1876 với diện tích khoảng 1,86ha gồm tòa nhà chính, các gian nhà phụ, sân vườn,...
Dinh có không gian cổ kính mang đậm phong cách kiến trúc truyền thống của Pháp. Đặc biệt, bên trong vẫn giữ được nhiều hiện vật ngày xưa như các bộ bàn ghế, giường, kệ,...
Chiếc bàn bida được đặt ngay phòng khách, thể hiện cuộc sống xa hoa của các chúa đảo thời bấy giờ.
Căn phòng làm việc của chúa đảo rộng khoảng 20m². Đa phần đồ nội thất đều được làm từ gỗ, các bộ bàn ghế được chạm khắc tỉ mỉ.
Chiếc bàn lớn được các chúa đảo sử dụng trong thời gian sống và làm việc tại đây.
Căn phòng ngủ với chiếc giường bằng gỗ được chạm khắc vô cùng tinh tế. Cạnh đó là phòng tắm được trang bị đầy đủ, hiện đại từ bồn tắm, chậu rửa, gương,....
Dinh Chúa Đảo cho thấy cuộc sống xa hoa của kẻ thống trị, đối lập với cuộc sống khổ ải, nghèo nàn của các tù nhân.
Từ sau ngày giải phóng, dinh Chúa Đảo được sử dụng làm nơi trưng bày của Khu di tích lịch sử Côn Đảo.
Bộ Văn hóa – Thông tin đã ra quyết định số 54-VHQĐ đặc cách công nhận đây là Di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia vào ngày 29/4/1979.
Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ra quyết định 548/QĐTTg công nhận đây là Di tích quốc gia đặc biệt.
Năm 2019, dinh Chúa Đảo được trùng tu, tôn tạo và phục dựng lại nhiều nội thất nhằm tái hiện sinh hoạt của các đời chúa đảo.
Hình ảnh một số chúa đảo và bộ sưu tập con dấu qua các đời chúa đảo được trưng bày tại Bảo tàng Côn Đảo.
Theo Nguyễn Huế/Vietnamnet.vn
Link gốc: