(Xây dựng) - Cảng Hòn Nét, tên gọi tắt cụm cảng biển nổi gồm các khu vực cảng: Con Ong, Hòn Nét, Hòn Miều… là âu tàu tự nhiên trời cho vùng biển Đông Bắc, thuộc vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh). Cảng biển nước sâu, thủy diện rộng, lặng sóng… Tàu chỉ cần thả neo là ăn hàng bốn mùa mà không ảnh hưởng thời tiết, nhưng hiện còn rất sơ khai.
Cảng biển Con Ong - Hòn Nét nước sâu, lặng sóng, âu tàu tự nhiên lớn nhất Việt Nam. |
Cảng Con Ong - Hòn Nét là quần thể hải cảng nổi trong vùng biển rộng, nước sâu, lặng sóng thuộc vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), diện tích mặt nước tập trung ở huyện Vân Đồn, thành phố Cẩm Phả và một phần thuộc thành phố Hạ Long. Trong đó, khu vực cảng Hòn Nét có chiều dài luồng hàng hải trên 7km, gồm 29 điểm neo đậu tàu thuyền, mớn nước trên 13m, tiếp nhận được tàu trọng tải từ 120.000 tấn; Khu vực Hòn Miều 4 điểm neo đậu, mớn nước sâu 15m, tiếp nhận được tàu 180.000 tấn; khu vực hòn Con Ong có chiều dài âu luồng trên 10,5km, gồm 44 điểm neo đậu tàu thuyền, tiếp nhận được tàu tải trọng 65.000 tấn.
Năm 2022, cảng Con Ong - Hòn Nét có sản lượng hàng hóa qua cảng đạt trên 134 triệu tấn. |
Năm 2023, cảng Con Ong - Hòn Nét là điểm sáng trong các trụ cột kinh tế biển, làm nên thắng lợi Quảng Ninh 9 năm liền tăng trưởng kinh tế GRDP đạt mức 2 con số, đứng đầu Vùng Đồng bằng sông Hồng. Năm 2020, trong hoàn cảnh thực hiện mục tiêu kép vừa kinh doanh và chống dịch Covid-19, cảng Con Ong - Hòn Nét từng đón 4.220 lượt tàu biển quốc tế, 27.890 phương tiện thủy nội địa với khối lượng hàng hóa trên 76 triệu tấn (Hiện toàn quốc có 32 cụm cảng biển, trong đó 14 cảng biển loại I và IA, 18 cảng biển loại II, hàng hóa thông qua cảng 640-680 triệu tấn/năm), thu ngân sách xuất nhập khẩu cho Nhà nước trên 5.000 tỷ đồng, một con số khiến thị trường cảng biển Việt Nam khi ấy ngưỡng mộ.
Ngày 6/4/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm, làm việc với Quảng Ninh, nội dung chỉ đạo có nêu, Quảng Ninh lợi thế kinh tế cảng biển với 250km bờ biển, trên 6.000km2 mặt biển… phải làm giàu bằng kinh tế biển. Thực tế, Quảng Ninh đã sớm xác định kinh tế cảng biển là mũi nhọn. Ngày 23/4/2019, Tỉnh ủy đã có Nghị quyết số 15-NQ/TU chuyên đề về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; theo đó là một đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đề án nghiên cứu quy hoạch phát triển cảng Con Ong - Hòn Nét, quy mô xây dựng cảng tiên tiến, hiện đại, đa ngành, đáp ứng được yêu cầu xuất nhập khẩu các ngành hàng kinh doanh có điều kiện như khí ga hóa lỏng, hóa chất, vật liệu mới... các mặt hàng có giá trị kinh tế cao. Hệ thống hải cảng trên diện tích 350ha, 118ha cảng tổng hợp, nạo vét luồng lạch để có thể đón tàu 200.000 tấn ra vào an toàn. Trên bờ mở một con đường bộ rộng từ 4-6 làn xe, dài trên 10km kết nối với đường cao tốc Móng Cái - Hải Phòng... Công trình khái toán đầu tư 3.100 tỷ đồng, bằng ngân sách và nguồn lực hợp pháp khác.
Quảng Ninh đã có doanh nghiệp trong tỉnh đầu tư trên 1.000 tỷ đồng trang sắm phương tiện nâng hạ, bốc dỡ, đẩy nhanh tốc độ bốc dỡ hàng hóa giải phóng phương tiện nhanh gấp 3-5 lần so với 5 năm về trước. |
Nghị quyết số 15-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh là sáng suốt, tạo môi trường đầu tư phát triển, hiện đã thu hút được 7 doanh nghiệp đầu tư lớn vào dịch vụ kho bãi, thiết bị bốc xếp, các dịch vụ logistics hậu cần thương mại. Có doanh nghiệp đầu tư thiết bị nâng hạ, máy cẩu, phương tiện bốc dỡ… trên 1.000 tỷ đồng. Tốc độ bốc dỡ hàng hóa, giải phóng phương tiện nhanh gấp 3-5 lần so với 5 năm về trước; tránh tụt hậu và đã ngang hàng với cảng đàn anh Hải Phòng. Nhưng cảng Con Ong - Hòn Nét nhiều mặt trong công tác quản lý, tận thu ngân sách còn bỏ ngỏ, chưa đạt yêu cầu như Nghị quyết 15-NQ/TU đề ra.
Một là, còn thiếu sự đầu tư cơ sở hạ tầng. Đề án quy hoạch phát triển cảng Con Ong - Hòn Nét lập ra đã 5 năm nay mà vẫn nằm im trên giấy trong tủ tài liệu lưu. Khi mới khởi thảo, Đề án đã từng vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư lớn; trong đó có những nhà đầu tư từng được tung hô “đại bàng” tìm ổ đẻ trứng đến tiếp cận đề án, tưởng như Đề án thành dự án khả thi đến nơi. Ai dè, mục tiêu của nhà đầu tư chỉ “hóng” mặt tiền không gian cầu dẫn ra mép nước dài 10km gồm bao nhiêu diện tích đất mặt nước có thể chuyển đổi được mục đích sử dựng đất, để vượt thổ xây dựng đô thị thương mại hoặc chia lô bán nền; thăm dò nạo vét 17,5km luồng lạch. Dưới đáy nước tận thu được bao nhiêu m3 cát vật liệu xây dựng và tận thu được bao nhiêu tấn than bùn tích tụ gần 200 năm nay dưới đáy biển ở hải cảng này. Nhưng khi Nhà nước quản lý chặt rừng ngập mặt, quản lý chặt tài nguyên khoáng sản… thì các nhà đầu tư tự giãn ra, không thấy mặn mà.
Đề án quy hoạch phát triển cảng Con Ong - Hòn Nét là công trình động lực, nằm trong trụ cột kinh tế biển mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sáng suốt chỉ đạo. Nâng cấp cảng Con Ong - Hòn Nét, công trình khái toán đầu tư 3.100 tỷ đồng với một tỉnh có mức tăng trưởng GRDP 2 con số liên tục gần 1 thập kỷ liền, thì không nên chờ đợi nguồn lực ngoài ngân sách “bắc nước chờ gạo người”. Hoặc nếu kêu gọi vốn nước ngoài thì ta dễ mất chủ quyền. Quảng Ninh nên chủ động nghiên cứu dùng ngân sách đầu tư, nâng cấp cảng Con Ong - Hòn Nét. Có đầu tư cơ sở hạ tầng công tác quản lý mới tốt hơn, cảng mới mở rộng được nguồn thu. Theo như Đề án xây dựng cảng chất lượng cao, thì hàng hóa xuất nhập cảng mới được đổi mới. Một tàu xuất nhập cảng loại hàng hóa chứa hàm lượng kỹ thuật công nghệ cao, có giá trị kinh tế bằng nhiều lần chiếc tàu hàng khoáng sản thô như hiện nay.
Hai là, cảng nổi Con Ong - Hòn Nét như bị thả nổi về công tác đánh giá tác động môi trường, khi trên bờ việc quản lý môi trường rất chặt chẽ. Các sơ sở sản xuất có hệ thống quan trắc môi trường tự động, hệ thống dập bụi, hệ thống xử lý nước thải công nghiệp một cách bài bản theo tiêu chuẩn Việt Nam. Thì cảng Con Ong - Hòn Nét như cách bức với chính quyền địa phương, bởi phân định địa lý thuộc vùng biên giới do các chế định biên mậu điều tiết gồm: Hải quan, biên phòng và cảng vụ hàng hải quản lý theo chức năng ngành.
Cảng nổi Con Ong - Hòn Nét ngày đêm có hàng chục tàu thuyền lớn nhỏ neo đậu, chủ yếu là “ăn” hàng, xuất nhập hàng rời như than quặng, clinker, xi măng... chuyển tải khoảng trên dưới 140 triệu tấn/năm. Riêng nhà máy xi măng Cẩm Phả một năm xuất qua cảng khoảng trên 2 triệu tấn xi măng PCB40. Cửa băng tải của nhà máy này xả xi măng trực tiếp xuống boong tàu không thấy có máy phun sương dập bụi. Các con tàu lớn nhỏ chuyển tải hàng rời tuyệt nhiên không có phương tiện hút bụi, dập bụi; tàu thuyền nào có trang bị phương tiện hút bụi, dập bụi quy chuẩn quốc tế cũng niêm cất, bởi cả làng cùng tự do xả bụi ra môi trường. Những ngày nắng hanh bụi than, bụi xi măng, clinker bốc cao làm vẩn đục không gian vịnh Bái Tử Long. Bụi còn dư hóa chất độc hại ấy cuốn theo gió gây ô nhiễm môi trường không gian biển và một số xã đảo huyện Vân Đồn; các phường ven biển thành phố Cẩm Phả và bụi ít nhiều còn phát tán đến vịnh Hạ Long.
Ba là, phương tiện chuyển tải hoạt động trong khu vực cảng Con Ong - Hòn Nét quá tải khá phổ biến. Khi phóng viên Báo điện tử Xây dựng thực tế hiện trường, đã ghi hình chụp ảnh những chiếc tàu quá tải dập dờn trên ngọn sóng dữ, nước tràn đến mặt boong rất nguy hiểm. Đã phản ánh với lãnh đạo Công an địa phương thì nhận được trả lời, đúng là địa giới hành chính thuộc địa phương quản lý, nhưng chỉ xử lý khi xảy ra tai nạn và giải quyết hậu quả, còn công tác kiểm tra đôn đốc an toàn lại không thuộc thẩm quyền, sự bất cập như nổi chìm trong công tác quản lý ở cảng nổi Con Ong - Hòn Nét.
Một số hình ảnh cảng Con Ong - Hòn Nét nổi chìm công tác quản lý:
Bụi than, clinker ảnh hưởng nghề nuôi trồng thủy sản của ngư dân xã đảo Thắng Lợi, huyện Vân Đồn. |
Một vùng biển vịnh Bái Tử Long luôn mù mịt trong bụi, bụi phát tán từ bốc dỡ than cám, quặng, xi măng, clinker… hàng rời trên các con tàu. |
Tàu thiếu phương tiện hút bụi, dập bụi, bụi thả tự do ra môi trường. |
Bụi từ công đoạn bốc dỡ hàng hóa rời trên các con tàu, phát tán tự do làm mất cảnh quan vịnh Bái Tử Long. |
Những chiếc tàu chuyển tải thường chở quá tải rất nguy hiểm. |
Vũ Phong Cầm
Theo