(Xây dựng) – Trong quá trình triển khai Chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm OCOP, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đưa sản phẩm OCOP trở thành một trong những chủ lực phát triển du lịch, góp phần nâng cao kinh tế nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn mới.
Lãnh đạo UBND tỉnh tham quan các sản phấm OCOP cấp tỉnh(Ảnh: T/L). |
Bắc Ninh là vùng đất văn hiến, có bề dày truyền thống văn hóa, khoa bảng, xứ sở của lễ hội, quê hương của nhiều thủy tổ, nơi có 4 di sản văn hóa của nhân loại được UNESCO vinh danh. Nơi đây còn được gọi là vùng đất trăm nghề với nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng như: làng nghề gốm Phù Lãng, làng tranh dân gian Đông Hồ, làng nghề mây tre đan Xuân Hội, làng nghề đúc đồng Đại Bái… Bên cạnh đó, có 2 con sông lớn chảy qua đó là sông Cầu và sông Đuống, cung cấp lượng phù sa lớn, hình thành bãi bồi rộng hàng nghìn hecta vô cùng màu mỡ, tạo nên những vùng trồng cây ăn quả, những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng… Từ những điều kiện thuận lợi được thiên nhiên ban tặng, tỉnh Bắc Ninh đã phát triển nhiều loại hình du lịch như: Du lịch văn hóa - lễ hội, du lịch cộng đồng, du lịch làng nghề truyền thống, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái…
Toàn tỉnh hiện có 65 làng nghề, gồm: 41 làng nghề truyền thống, 24 làng nghề mới, tập trung ở các huyện Yên Phong, Thuận Thành, Thành phố Từ Sơn, Bắc Ninh. Hoạt động sản xuất của các làng nghề rất phong phú, đa dạng và hoạt động ở hầu hết các ngành kinh tế chủ yếu từ việc chế biến nông sản, thực phẩm làm các món ăn đặc sản đến sản xuất các vật dụng gia đình, chế tạo công cụ sản xuất nông nghiệp, làm các mặt hàng mỹ nghệ, các sản phẩm nghệ thuật...Trong số các nghề và làng nghề truyền thống tỉnh Bắc Ninh có một số nghề và làng nghề có lợi thế để thu hút khách du lịch, có thể khai thác với vai trò là điểm du lịch trọng tâm.
Hàng năm, Bắc Ninh đón một lượng khách tương đối lớn, tăng dần qua các năm, cao nhất là năm 2019 với gần 1,6 triệu du khách. Thế nhưng, những năm sau đó do chịu tác động ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lượng khách đến Bắc Ninh giảm đáng kể, chủ yếu là khách tham quan, lễ hội, nghiên cứu các di tích lịch sử - văn hóa đình, đền, chùa…và tập trung đông nhất vào mùa lễ hội (hội xuân, hội thu): như lễ hội chùa Phật Tích, lễ hội Lim, đền Bà Chúa Kho, chùa Bút Tháp, đền Đô, chùa Dâu...Trong những năm gần đây, nhu cầu của khách du lịch đang có xu hướng mở rộng thêm về tìm hiểu và thưởng thức di sản Dân ca Quan họ, khách công vụ, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu thị trường kinh doanh, mở rộng đầu tư, tìm kiếm đối tác…
Theo báo cáo của Sở Văn hóa thể thao và Du lịch Bắc Ninh, hiện nay tỉnh Bắc Ninh có 664 cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, trong đó có 34 đơn vị kinh doanh lữ hành, vận chuyển khách, dịch vụ được công nhận đủ điều kiện phục vụ khách du lịch, 628 cơ sở lưu trú. Quy mô phòng lưu trú 8.955 phòng, có 04 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao; 05 cơ sở tiêu chuẩn 4 sao và tương đương 4 sao. Thu nhập từ du lịch của tỉnh Bắc Ninh khá cao và xu hướng tăng lên nhanh chóng. Năm 2016 đạt 589 tỷ đồng, đến năm 2019 đạt gần 1.100 tỷ đồng. Năm 2020 mặc dù do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng thu nhập từ du cũng đạt 748 tỷ đồng (bằng 65% kế hoạch năm). Những năm gần đây, tỷ trọng thu từ khách quốc tế đang có xu hướng tăng lên.
Với lợi thế về vị trí địa lý, sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, văn hóa, lễ hội của tỉnh thì việc phát triển các sản phẩm OCOP về du lịch với các loại hình như: du lịch cộng đồng, làng nghề, văn hóa, lễ hội, nông nghiệp, sinh thái…sẽ phát triển mạnh mẽ, hình thành được nhiều sản phẩm OCOP về du lịch để góp phần quảng bá hình ảnh, còn người Bắc Ninh.
Để tiếp tục triển khai có hiệu quả lâu dài, bền vững Chương trình OCOP và chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; UBND tỉnh Bắc Ninh đang triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP về du lịch tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023-2025”. Theo đó, tổ chức xây dựng thí điểm sản phẩm OCOP du lịch cộng đồng tại 3 địa phương gồm: Làng gốm Phù Lãng (thị xã Quế Võ), làng tranh dân gian Đông Hồ (thị xã Thuận Thành) và làng Quan họ cổ Viêm Xá (thành phố Bắc Ninh).
Theo thiết kế của Đề án, tại điểm Viêm Xá, khu vực ven đê sông Cầu, khu vực bãi cỏ được quy hoạch, chỉnh trang để hình thành khu vực vui chơi, giải trí, check-in cho du khách; phục dựng các phiên chợ vào ngày mồng 4 và ngày mồng 6 tháng Giêng ở làng Diềm; khu vực cho du khách trải nghiệm, thực hành nghi lễ và hoạt động khác của Quan họ. Còn tại làng gốm Phù Lãng, tổ chức địa điểm để trưng bày, giới thiệu lịch sử trải nghiệm làm gốm Phù Lãng nói riêng và gốm Việt Nam nói chung. Số hóa 3D, tranh ảnh, hiện vật… về nghề gốm Phù Lãng qua các thời kỳ; khu vực bãi cỏ ven sông được quy hoạch, chỉnh trang thành các khu vực cắm trại, dã ngoại ngoài trời; Đối với làng tranh Đông Hồ, sẽ bố trí các khu vực trải nghiệm khác nhau cho du khách liên quan đến nghề làm tranh truyền thống (tạo màu, in tranh, phơi tranh, chợ…); tái hiện các hình ảnh (phơi tranh, chợ tranh Tết…) đã được nhà thơ Hoàng Cầm đề cập đến trong bài thơ “Bên thơ kia sông Đuống”; chỉnh trang, trồng hoa, cây cảnh tạo không gian, cảnh quan cho du khách tham quan, check in; hình thành các tour khám phá lịch sử, cuộc sống cư dân hai bờ sông Đuống.
Tin tưởng rằng, Đề án sẽ mang lại những lợi ích về kinh tế - xã hội như tạo việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân tại các điểm du lịch; có tác động tích cực tới việc bảo tồn phát triển các làng nghề, giá trị di sản văn hóa, bảo vệ môi trường. Việc triển khai Ðề án không chỉ góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế làng nghề truyền thống, di sản văn hóa tạo nên các sản phẩm du lịch xanh, du lịch văn hóa, mà còn bảo tồn, giới thiệu nét đẹp về văn hóa, vùng đất, con người Bắc Ninh - Kinh Bắc đến với du khách trong nước và quốc tế.
Mai Thu
Theo