(Xây dựng) - Xác định mục tiêu trở thành tỉnh trọng điểm phát triển công nghiệp của khu vực trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang đang tập trung nỗ lực giải phóng mặt bằng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Nhiều khu công nghiệp ở Bắc Giang cơ bản đã được lấp đầy. |
Nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
Một trong những dự án khu công nghiệp (KCN) có diện tích lớn nhất trong chiến lược phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang là dự án KCN Yên Lư (xã Yên Lư, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Dự án này có quy mô khoảng 377ha, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2242/QĐ-TTg ngày 31/12/2021. Công ty Cổ phần Bất động sản Capella là chủ đầu tư hạ tầng. Theo Kế hoạch UBND tỉnh, công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) chia làm 03 giai đoạn, do UBND huyện Yên Dũng chủ trì. Đợt 1, giải phóng 150ha, hoàn thành trước ngày 15/10/2022; đợt 2 là 120ha, xong trước 30/7/2023 và đợt 3 là 107ha, hoàn thành trước 30/01/2024.
Đến nay, huyện Yên Dũng đã xây dựng kế hoạch thu hồi đất và thông báo thu hồi đợt 1 với diện tích 173,47ha đất, đã thực hiện kê khai, kiểm kê được hơn 580/707 đạt 83% hộ gia đình, cá nhân và 2 tổ chức, đã thực hiện lập và niêm yết công khai dự thảo phương án (đợt 1) của 3 thôn, đang tiếp tục thực hiện các nội dung kê khai, kiểm kê, xác định nguồn gốc sử dụng đất dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với diện tích còn lại. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện dự án đang bị chậm so với kế hoạch chi tiết UBND huyện Yên Dũng xây dựng. Do dự án KCN Yên Lư có diện tích thu hồi lớn, địa bàn GPMB nằm giáp ranh với tỉnh Bắc Ninh có đơn giá bồi thường cao hơn so với tỉnh Bắc Giang khiến người dân băn khoăn, so sánh khi bàn giao mặt bằng.
Tổng thể KCN Yên Lư quy hoạch với diện tích lớn nên khu vực và phần đất còn lại để bố trí các công trình công cộng của địa phương gặp khó khăn. Những hạn chế trong giao đất, cho thuê, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất những năm trước chưa được giải quyết dứt điểm dẫn đến việc xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, diện tích được bồi thường, hỗ trợ GPMB mất nhiều thời gian. Một số hộ tự bỏ diện tích được chia theo định suất ra để làm đường, mương nay đề nghị được bồi thường, hỗ trợ như đất giao ổn định. Trong khu vực dự án có số lượng lớn mộ phải di dời, nhiều công trình công cộng, trong khi công tác quy hoạch, mở rộng bồi thường, GPMB cần có thời gian để trình duyệt và hoàn chỉnh hồ sơ. Ngoài ra, số công trình dự án trên địa bàn huyện nhiều, diện tích GPMB lớn. Chính vì thế đã ảnh hưởng đến tiến độ GPMB KCN Yên Lư.
Tại KCN Hòa Phú (huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) đã giải phóng mặt bằng (GPMB) được 205,8/207,45ha, đạt khoảng 96,8%. Trong đó, diện tích có thể triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật là 170,8ha. Đã có 23 dự án đầu tư vào KCN với diện tích khoảng 108ha, chiếm trên 80% diện tích đất công nghiệp của dự án với tổng vốn đầu tư hơn 500 triệu USD; trong đó có 16/23 dự án đã đi vào hoạt động với ước tính trên 2.000 lao động. Tuy nhiên, hiện còn vướng mắc khoảng hơn 6,8ha chưa được GPMB tại khu đất thuộc thôn Mai Hạ và thôn Vọng Giang (xã Mai Đình), đây là vùng đất trũng, thường xuyên ngập nước, không có bờ thửa rõ ràng, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất gặp nhiều khó khăn. Đối với diện tích làm cảng KCN, do khu đất không có bờ thửa, một số diện tích đã sạt lở xuống sông Cầu, không còn hiện trạng nên khó xác định diện tích, nguồn gốc sử dụng đất, tiềm ẩn nguy cơ khiếu kiện phức tạp. Bên cạnh đó, nhân dân thôn Mai Hạ, xã Mai Đình đang kiến nghị để lại diện tích khoảng 0,8ha để mở rộng chùa và thu hồi hết phần diện tích thoát lũ. Vì vậy, việc xác minh chính xác chủ sử dụng đất, diện tích từng hộ để bồi thường gặp rất nhiều khó khăn, mất thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Đây chỉ là hai trong số các khu, cụm công nghiệp của tỉnh Bắc Giang đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng và xây dựng để thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư trong thời gian tới. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn như trên đang là cản trở thách thức cho mục tiêu phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang.
Quyết tâm đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Theo Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Giang, trong giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh sẽ thành lập mới 23 KCN, mở rộng 5 KCN, sáp nhập 6 cụm công nghiệp (CCN) vào KCN, với tổng diện tích 6.518ha; nâng tổng số KCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 29 KCN, với tổng diện tích 7.840ha. Thành lập mới 29 CCN và mở rộng 3 CCN với tổng diện tích 1.853ha; đưa ra khỏi quy hoạch 9 CCN, với diện tích 372,6ha; tổng số CCN trên địa bàn tỉnh vào năm 2030 là 66 CCN, với tổng diện tích 3.209ha. Trong đó, đến cuối năm 2025 có thêm ít nhất 5 KCN, 9 CCN có hạ tầng đồng bộ đưa vào sử dụng để thu hút các dự án đầu tư công nghệ hiện đại.
Theo ông Vũ Tấn Cường - Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách (HĐND tỉnh Bắc Giang), qua đợt giám sát của HĐND tỉnh về việc chấp hành pháp luật trong thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022 cho thấy tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật một số khu, CCN chậm dẫn đến “quỹ đất công nghiệp sạch” không còn nhiều, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.
Để giải quyết các vướng mắc trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Sơn cho biết, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tổng hợp, đánh giá và sẽ tổ chức hội nghị bàn biện pháp tháo gỡ gắn với giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo. Cùng đó, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, chủ động kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng một số khu, CCN; thường xuyên rà soát, kiểm tra tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, nhất là về thủ tục hành chính và công tác giải phóng mặt bằng để sớm có quỹ đất sạch thu hút đầu tư.
UBND tỉnh Bắc Giang cũng chỉ đạo UBND các huyện, thành phố cần tổ chức thực hiện quyết liệt, tập trung cao cho công tác bồi thường GPMB phần diện tích còn vướng mắc. Huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức đối thoại, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, chính sách của Nhà nước trong công tác thu hồi đất, bồi thường GPMB để đảm bảo hoàn thành dự án theo đúng tiến độ.
Chương Huyền
Theo