(Xây dựng) - Ngày 20/10, Hội nghị trao đổi giữa các địa phương vùng Đông Nam Bộ quý III/2023 được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước chủ trì hội nghị.
Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh đề nghị thiết lập cơ chế thông tin thường xuyên để đề xuất tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về Hội đồng vùng. |
Vùng Đông Nam Bộ là khu vực phát triển kinh tế năng động, trình độ phát triển cao, có lực lượng lao động dồi dào, hệ thống đô thị phát triển. Theo kế hoạch về phối hợp triển khai thỏa thuận hợp tác vùng Đông Nam Bộ với 12 nội dung phối hợp cấp vùng, tính đến hết quý III/2023 đã thực hiện được 7/10 nội dung phối hợp cấp vùng, còn lại 05/10 nội dung tiếp tục thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thọ - Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chia sẻ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu luôn coi trọng mối quan hệ hợp tác, liên kết phát triển với các địa phương trong vùng và mong muốn: “Với gần 20 triệu dân và sự phát triển kinh tế của các địa phương trong vùng chính là tiềm năng, là cơ hội để Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển mạnh mẽ kinh tế biển, đặc biệt là vai trò trung tâm du lịch nghỉ dưỡng hệ thống đô thị ven biển cho toàn vùng, hướng tới đạt tầm cỡ quốc gia và quốc tế”.
Toàn cảnh hội nghị. |
Ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, vùng Đông Nam Bộ có vị thế địa chính trị và an ninh quốc phòng quan trọng hàng đầu ở phía Nam, vì vậy việc phối hợp triển khai các dự án giao thông liên kết vùng cần được quan tâm thực hiện. Ông Phan Văn Mãi đề nghị cần có sự phối hợp hơn nữa giữa các Sở Giao thông Vận tải các tỉnh để thảo luận, thống nhất về quy mô đầu tư, giải phóng mặt bằng đối với đường Vành đai 3 và 4 để thực hiện theo tiến độ. Bên cạnh đó, thảo luận dự thảo kế hoạch phối hợp và quy chế phối hợp triển khai thực hiện các dự án xây dựng các tuyến đường thủy, đường sắt kết nối các đô thị và đường cao tốc, đường vành đai biên giới…
Các đại biểu các Sở, ngành các tỉnh tham dự hội nghị. |
Đại diện các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bình Phước, tập trung ý kiến về cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam Bộ, các cơ chế hạ tầng vùng, phân cấp ủy quyền kết nối y tế, du lịch vùng, giới thiệu sản phẩm OCOP, hợp tác về khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, chuyển đổi số cho cơ chế vùng; cùng các lĩnh vực khác như: hợp tác về môi trường, qui chế quản lý sông Sài Gòn - Đồng Nai và năng lượng sạch… cũng được hội nghị bàn thảo. Trong quá trình triển cần có thêm thời gian để bàn thảo các vấn đề cấp thiết trong phát triển vùng. Mỗi kỳ họp cần có đánh giá các nội dung thực hiện để triển khai hiệu quả. Giao thông đa phương thức cần được bàn nhiều hơn nữa để phát triển toàn diện.
Kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh nêu ý kiến: “Thời gian tới cần có hội nghị xúc tiến đầu tư vùng. Để nâng cao hiệu quả liên kết vùng, đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh vùng Đông Nam Bộ, tổ công tác chung thiết lập cơ chế thông tin thường xuyên để đề xuất tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ về Hội đồng vùng. Qua đó tháo gỡ những vướng mắc khó khăn và sớm ban hành cơ chế đặc thù của vùng, đồng thời nghiên cứu đề xuất quỹ phát triển hạ tầng vùng với nguồn vốn huy động từ các tổ chức, doanh nghiệp”.
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên, cùng với hệ thống giao thông, sân bay cảng biển quốc tế, Đông Nam Bộ là vùng kinh tế lớn, trung tâm du lịch phát triển, các loại hình dịch vụ công nghiệp, công nghệ thông tin, viễn thông, logistics… Tin rằng, Hội đồng điều phối vùng Đông Nam Bộ sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đề ra, đưa vùng phát triển thịnh vượng.
Yphong
Theo