(Xây dựng) - Với niềm tin khát vọng từ thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng các cấp của tỉnh Yên Bái, cùng với niềm tự hào chưa từng có của một tỉnh miền núi trung du nhỏ bé, Đại hội Đảng toàn quốc đã dành cho tỉnh 5/35 tham luận của 5 đồng chí đã từng là cán bộ công tác tại Yên Bái. Những bài tham luận này không chỉ là một tỷ lệ đơn thuần, mà nó có ý nghĩa đặc biệt là điều rất thiêng liêng của mảnh đất, người dân Yên Bái nuôi dưỡng, đào tạo, bổ sung cho Đảng những người con ưu tú để gánh vác trọng trách của đất nước và nhân dân giao phó.
Người dân Yên Bái thi đua làm đường giao thông nông thôn. |
5 đồng chí đó là: Phùng Quốc Hiển - nguyên Bí thư tỉnh Yên Bái, Phó chủ tịch Quốc hội; Đào Ngọc Dung - nguyên Bí thư tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Đỗ Văn Chiến - nguyên Bí thư tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc miền núi; Phạm Thị Thanh Trà - nguyên Bí thư tỉnh Yên Bái, Bộ trưởng Bộ Nội vụ - Phó Ban Tổ chức Trung ương; Đỗ Đức Duy - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh Yên Bái.
Với niềm tin và niềm tự hào ấy, ngay sau Đại hội, cấp ủy và chính quyền các cấp cùng toàn thể các tầng lớp nhân dân đã nhanh chóng quyết tâm đưa Nghị quyết Đại hội vào thực tiễn cuộc sống. Bộ máy và cán bộ chủ chốt của tỉnh, các cơ quan, đơn vị từ cấp tỉnh đến huyện, thị, xã được kiện toàn nhanh chóng nhập cuộc, vai trò tiên phong gương mẫu được gắn chặt trên từng cương vị công tác được giao. Sau Đại hội, Tỉnh ủy tỉnh Yên Bái đã ban hành 9 Nghị quyết chuyên đề trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Từ những nghị quyết đó, Ban thường vụ tỉnh ủy, HĐND cùng ban hành một số chỉ thị, nghị quyết và các đề án, chính sách trong đó nổi bật là các chính sách về hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản, dịch vụ, nguồn nhân lực…
Mặc dù phải chịu tác động bất lợi của dịch Covid-19, song với tinh thần chỉ đạo quyết liệt và tinh thần đoàn kết, nỗ lực của cả hệ thống chính trị mà nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh vẫn đạt mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ và vượt kế hoạch năm. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, kim ngạch xuất khẩu tăng 31%, thu ngân sách tăng 18%, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng gần 7%, trồng mới rừng đạt gần 74% kế hoạch, doanh thu từ dịch vụ du lịch đạt 41,2% kế hoạch, thành lập mới doanh nghiệp đạt gần 33% kế hoạch… Trên cơ sở tăng trưởng, 4 tháng đầu năm 2021 Yên Bái có thể về đích với mục tiêu tăng trưởng kinh tế 7%/năm.
Bên cạnh đó, Yên Bái đã rà soát, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo an ninh - quốc phòng, giai đoạn 2020 - 2025, nhằm áp dụng các chính sách mới ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm kế hoạch, đồng thời triển khai thực hiện các giải pháp phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trọng tâm là khu vực nông nghiệp nông thôn, đồng bào dân tộc thiểu số. 4 tháng đầu năm đã giải quyết việc làm cho 7.500 lao động bằng 38,3% kế hoạch, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp gần 40% kế hoạch. Ban hành nghị quyết về phát triển nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo giai đoạn 2021 - 2025, tiếp xúc và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư chiến lược đầu tư phát triển tại Yên Bái như Tập đoàn SunGroup, Tổng công ty Viglacera, Alphanam…
Có thể khẳng định với quyết tâm chính trị cao, với trách nhiệm và sự đoàn kết gắn bó từ cấp ủy đảng và chính quyền các cấp. Niềm tin và nỗ lực của các tầng lớp doanh nghiệp, doanh nhân và nhân dân trong tỉnh, kết quả khởi đầu của năm kế hoạch sau thành công Đại hội Đảng các cấp đã chứng tỏ vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, HĐND, UBND và chính quyền địa phương. Kết quả phát triển mọi mặt của 4 tháng đầu năm đáng trân trọng, khích lệ và nó là tiền đề để Yên Bái vững bước đi lên hoàn thành xuất sắc mọi chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2021 và các năm tiếp theo.
Sơn Lâm
Theo