(Xây dựng) - Việc tạm dừng thực hiện hợp đồng mua bán điện giữa Công ty Điện lực Gia Lai và hai chủ đầu tư dự án điện mặt trời tại huyện Krông Pa đã dẫn đến những khiếu nại và khiếu kiện kéo dài, gây thiệt hại cho cả hai bên. Hiện tại, vụ việc vẫn đang chờ phán quyết của tòa án.
Nhà máy điện mặt trời Chư Ngọc. |
Ngày 23/4/2024, Công ty Điện lực Gia Lai đã gửi Công văn số 1785 đến Công ty TNHH Năng lượng Xanh Vạn Phát và Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh, yêu cầu hai công ty này xử lý các vấn đề tồn tại trên hệ thống điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) tại xã Chư Ngọc, huyện Krông Pa. Công ty Điện lực Gia Lai cảnh báo rằng nếu các vấn đề không được khắc phục, sẽ ngừng tiếp nhận điện từ hai hệ thống này từ ngày 23/5/2024.
Theo Công ty Điện lực Gia Lai, các vấn đề tồn tại bao gồm: Thiếu hồ sơ thủ tục về an toàn công trình xây dựng. Tổng công suất tấm pin lắp đặt thực tế vượt quá công suất trong hợp đồng mua bán điện đã ký. Qua kiểm đếm, chủ đầu tư đã lắp đặt vượt quá 953 tấm pin 410 kWp so với hợp đồng, nên phải tách đấu nối.
Chủ đầu tư không thực hiện công suất huy động tối đa được phân bổ từ cấp điều độ.
Chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện công tác kiểm định định kỳ thiết bị điện theo Thông tư số 33/2015/TT-BCT của Bộ Công thương. Ngược lại, chủ đầu tư của hai dự án phản đối đề nghị này và yêu cầu thanh toán hơn 28 tỷ đồng từ việc mua điện từ năm 2021 đến nay chưa được thanh toán. Công ty Điện lực Gia Lai từ chối thanh toán vì cho rằng chủ đầu tư đã tự ý lắp thêm 953 tấm pin, dẫn đến sản lượng tăng bất thường. Do đó, chủ đầu tư đã gửi đơn khiếu nại đến UBND tỉnh Gia Lai, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Sở Công Thương và Công ty Điện lực Gia Lai.
Bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Năng lượng Xanh Vạn Phát cho biết: “Căn cứ hướng dẫn việc thẩm định, kiểm tra hồ sơ đăng ký hợp đồng mua bán điện cùng cơ sở công trình xây dựng bán điện khi đủ điều kiện được nghiệm thu, thực hiện đấu nối, đưa vào vận hành trước ngày 31/12/2020 thì Vạn Phát đã hoàn thành trình tự thủ tục trước ngày 26/12/2020 để hai bên ký hợp đồng mua bán điện. Vì vậy, Vạn Phát và Thanh Danh không thuộc đối tượng bắt buộc bổ sung hồ sơ, thủ tục về an toàn công trình xây dựng”.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Mộng Huyền, việc yêu cầu tách đấu nối các tấm pin ứng với phần công suất không có trong hợp đồng mua bán điện là không có căn cứ: “Việc cho rằng chúng tôi có hành vi lắp đặt vượt công suất chỉ dựa trên các quan điểm lập luận không có căn cứ của phía Công ty Điện lực Gia Lai. Công suất cung cấp điện của một hệ thống ĐMTMN được xác định bởi bộ phận máy biến dòng Inverter chứ không phải chỉ bởi số lượng tấm pin. Muốn nâng công suất hệ thống ĐMTMN thì phải lắp đặt thêm số lượng máy biến dòng Inverter hoặc nâng công suất máy biến dòng Inverter lên. Nhưng từ khi nghiệm thu cho đến nay, không hề có hiện tượng công suất vượt quá Inverter cho phép”.
Đối với yêu cầu thực hiện công suất huy động tối đa, bà Nguyễn Thị Mộng Huyền cho rằng nội dung này không đúng với thỏa thuận ký kết trong hợp đồng mua bán ĐMTMN của hai bên: “Trong hợp đồng không quy định cụ thể biên độ công suất lớn nhất và nhỏ nhất cho hệ thống mà chỉ nêu chung chung công suất 999,6 kWp. Công suất 999,6 kWp cũng không được đưa vào điều khoản cụ thể nào của hợp đồng”. Về yêu cầu thực hiện công tác kiểm định định kỳ thiết bị điện theo Thông tư số 33/2015/TT-BCT, bà Nguyễn Thị Mộng Huyền khẳng định rằng các dự án đã thực hiện đầy đủ.
Ông Hoàng Hồng Điệp, Chánh Thanh tra Sở Công Thương cho biết: “Hệ thống ĐMTMN của hai công ty Vạn Phát và Thanh Danh được lắp đặt trên mái của trang trại chăn nuôi. Theo quy định tại khoản 10 Điều 3 Luật Xây dựng năm 2014, công trình xây dựng là sản phẩm được tạo thành bởi sức lao động của con người, vật liệu xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình, được liên kết định vị với đất. Công trình bao gồm công trình dân dụng, công trình công nghiệp, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công trình hạ tầng kỹ thuật và công trình khác. Do đó, hệ thống ĐMTMN của công ty là công trình xây dựng có kết cấu dạng nhà và phải chấp hành đầy đủ các quy định của Luật Xây dựng và các văn bản hướng dẫn thi hành, tức phải bổ sung hồ sơ thủ tục về an toàn công trình xây dựng theo Công văn số 7088/BCT-ĐL ngày 22/9/2020 của Bộ Công Thương”.
Về việc tách đấu nối các tấm pin không có trong hợp đồng, ông Hoàng Hồng Điệp cho biết: “Nội dung này đang trong giai đoạn tranh chấp và chờ quyết định của Tòa án có thẩm quyền”. Vụ việc đang được Tòa án nhân dân tối cao tiếp nhận đơn và chờ xét xử. Về việc kiểm tra định kỳ thiết bị điện, nếu chủ đầu tư đã thực hiện, họ nên cung cấp các tài liệu chứng minh như: Hợp đồng kiểm định hoặc các giấy tờ liên quan khác, thời gian hoàn thành, gửi bên mua điện để xem xét.
Ông Trần Đức Hưng, Trưởng Phòng Quản lý năng lượng, Sở Công Thương Gia Lai giải thích: “Trong hoạt động phát điện, việc thực hiện tiết giảm công suất phát là tình huống bất khả kháng do các diễn biến tiêu thụ điện bất thường. Đây là các tình huống nguy hiểm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến độ an toàn, an ninh hệ thống điện vì có thể khiến tần số hệ thống điện tăng cao, thậm chí gây sự cố lan tràn trên toàn bộ hệ thống điện quốc gia. An toàn vận hành hệ thống điện phải luôn được bảo đảm trong mọi trường hợp. Vì vậy, chủ đầu tư các đơn vị phát điện cần phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia và các cấp điều độ trong việc chấp hành nghiêm các mệnh lệnh điều độ để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống điện quốc gia”.
Đến nay, vụ việc kéo dài đã gây thiệt hại cho cả bên mua lẫn bên bán điện. Hy vọng rằng sự việc sẽ sớm được các bên giải quyết ổn thỏa trên tinh thần tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành, nhằm không gây ảnh hưởng đến các doanh nghiệp cũng như môi trường đầu tư của Gia Lai. Các bên cần có tiếng nói chung và hợp tác để đạt được giải pháp hợp lý, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của cả hai bên trong hợp đồng mua bán điện.
Bá Tứ
Theo