Hưởng ứng phong trào thi đua "Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau", cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh Kiên Giang đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP. Phú Quốc và xã Cửa Dương thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ ấp Cây Thông Trong, xã Cửa Dương (TP. Phú Quốc) được tặng nhà đại đoàn kết đầu năm 2024. Ảnh minh họa: baokiengiang.vn |
Mặt trận các cấp đã chủ động phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh tích đóng góp nguồn lực đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Ông Ngô Phương Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết, hưởng ứng Lễ phát động Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên phạm vi cả nước từ nay đến năm 2025, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang đã chủ động phối hợp với Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh.
Kết quả các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cam kết tài trợ kinh phí cho công tác tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh được 43 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí vận động được, Ban Vận động Quỹ "Vì người nghèo" tỉnh phân bổ cho 13 địa phương trong tỉnh để triển khai xây dựng 780 căn nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo.
Phong trào thi đua xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Kiên Giang được triển khai sâu rộng, tính toàn dân, toàn diện, tạo sức lan tỏa trong các tầng lớp nhân dân. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2025 huy động, vận động các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát cho 1.624 hộ nghèo cần hỗ trợ về nhà ở.
Tiếp tục duy trì và phát huy kết quả đạt được trong công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc các cấp đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự thu hút, đồng thuận cao của toàn xã hội đối với công tác chăm lo cho người nghèo. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban vận động Quỹ "Vì người nghèo" các cấp phối hợp chặt chẽ với chính quyền, các ngành chức năng tham mưu với cấp ủy có những chủ trương chỉ đạo sát hợp để tăng cường vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo" và vận động nguồn lực thực hiện chương trình an sinh xã hội, tập trung xây dựng nhà Đại đoàn kết cho các hộ nghèo.
Phát huy vai trò của các tổ chức thành viên của Mặt trận, hướng dẫn đoàn viên, hội viên thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; phối hợp thực hiện vận động ủng hộ Quỹ " Vì người nghèo" ở từng cộng đồng dân cư.
Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá việc công khai các nguồn lực hỗ trợ cho hộ nghèo đúng đối tượng; đảm bảo hiệu quả tiết kiệm, tránh lãng phí, tiêu cực trong quản lý, sử dụng quỹ; tham mưu, đề xuất biểu dương, khen thưởng kịp thời các gương điển hình của các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong thực hiện Phong trào "xóa nhà tạm, nhà dột nát" trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang Ngô Phương Vũ, những năm qua, tỉnh quan tâm và có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ người nghèo và cận nghèo phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, như cấp bảo hiểm xã hội, giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn sản xuất, giáo dục nghề nghiệp, cất nhà ở, giúp hàng ngàn hộ nghèo đã thoát nghèo, nhiều hộ có cuộc sống trung bình, khá giả. Nhiều địa bàn nghèo đã thoát khỏi tình trạng khó khăn và phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới…
Tỉnh ủy Kiên Giang đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/1/2023, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới. Tỉnh đặt ra mục tiêu đến năm 2030 (kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng), tỉnh Kiên Giang không còn gia đình chính sách khó khăn về nhà ở, quyết tâm "xóa bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai, biến đổi khí hậu".
Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang đã ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025". Các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình và mỗi công dân tập trung thi đua huy động, vận động các nguồn lực của nhà nước, của xã hội, doanh nghiệp, của toàn dân thực hiện thành công mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh trong năm 2025 với sự chia sẻ trách nhiệm giữa nhà nước, xã hội và người dân. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Kiên Giang giảm còn 1,28% (5.990 hộ); hộ cận nghèo giảm còn 2,23% (10.438 hộ).
Xóa nhà tạm, nhà dột nát là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, qua đó không chỉ nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nghèo, mà còn thể hiện trách nhiệm của toàn xã hội trong công tác giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội, nhằm giúp cho người nghèo có điều kiện thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Theo Lê Sen (TTXVN)
Link gốc: