(Xây dựng) – Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa phối hợp cùng Trung tâm Quy hoạch và Thiết kế đô thị thuộc Viện Kiến trúc Quốc gia (VIAr) tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức Hội thảo “Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Ảnh: VIAr). |
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phạm Hồng Nguyên cho biết, Thanh Hóa là tỉnh giàu bản sắc văn hóa và nhiều tiềm năng phát triển với 27 đơn vị hành chính cấp huyện, 229 xã, phường, thị trấn và 4.357 thôn, bản, khu phố. Hiện nay, tỉnh có 7 thiết chế, công trình văn hóa cấp tỉnh phục vụ cộng đồng; 4 thiết chế phục vụ công nhân, viên chức người lao động tại khu công nghiệp; 2 thiết chế nhà văn hóa thiếu nhi cấp huyện; 21/27 đơn vị hành chính cấp huyện có trung tâm văn hóa – thể thao và nhiều trung tâm văn hóa, thể thao xã, hội trường đa năng đạt chuẩn.
Trong thời gian qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng đề án “Xây dựng và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, các công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030″.
Để nâng cao chất lượng đề án, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến tham gia của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu chuyên ngành và các nhà lãnh đạo quản lý để làm rõ những vấn đề về cơ sở lý luận, cơ sở thực tiễn của đề án. Tại hội thảo, Ban tổ chức đã nhận được sự hỗ trợ và chia sẻ của các cơ quan chuyên môn của Trung ương và Sở, ngành địa phương, đặc biệt là 34 bản tham luận đưa ra những gợi mở và định hướng tập trung vào 6 vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất là đánh giá hiện trạng thiết chế văn hóa và thể thao cơ sở (nhà văn hóa – khu thôn, bản, khu phố; trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, huyện, tỉnh); công trình văn hóa nghệ thuật trên địa bàn.
Thứ hai là xác định tiêu chí lựa chọn công trình văn hoá nghệ thuật trọng điểm để xây dựng tại các khu vực trên địa bàn tỉnh; tiêu chí lựa chọn để đầu tư xây dựng nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản, khu phố; trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh.
Thứ ba là đề xuất cụ thể loại hình công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm đặt tại các địa phương trong tỉnh (tượng đài, quảng trường, rạp hát, rạp chiếu phim, bảo tàng, thư viện, trung tâm văn hóa cộng đồng, làng văn hóa cộng đồng…).
Thứ tư là đề xuất mô hình xây dựng thiết chế văn hóa thể thao cơ sở (nhà văn hóa – khu thể thao thôn, bản, khu phố; trung tâm văn hóa – thể thao cấp xã, cấp huyện, tỉnh; nhà văn hóa thiếu nhi, nhà văn hóa lao động…).
Thứ năm là xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa – thể thao từ tỉnh tới cơ sở và công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm trên địa bàn tỉnh.
Thứ sáu là đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ, đầu tư xây dựng; xác định danh mục ưu tiên đầu tư về cơ sở hạ tầng; trang thiết bị; kinh phí hoạt động; bộ máy tổ chức… nhằm hoàn thiện cơ sở vật chất của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao và công trình văn hóa nghệ thuật trọng điểm của tỉnh.
Dịch Phong
Theo