(Xây dựng) - Thực tế cho thấy, Hà Nội, TP.HCM… là các TP có tốc độ đô thị hóa lớn nhất của Việt Nam, trong quá trình quy hoạch - phát triển đô thị, nhu cầu hệ thống hóa cơ sở dữ liệu và khai thác sử dụng dữ liệu để quản lý đất đai phục vụ phát triển và quản lý đô thị ngày càng lớn.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Nhưng theo các chuyên gia, hệ thống dữ liệu thông tin hiện nay phần lớn vẫn quản lý theo phương thức truyền thống, mất rất nhiều thời gian để tra cứu, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn, tình trạng vi phạm trong sử dụng đất đai vẫn còn nhiều. Do đó, việc xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về đất đai cần sớm được triển khai thực hiện.
Chỉ riêng tại Hà Nội, số liệu thống kê trong hai năm (2017 - 2018) của Sở TN&MT Hà Nội, Sở đã lập hồ sơ, trình UBND TP quyết định thu hồi hơn 100.000m2 đất vi phạm; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ trình TP thu hồi 12 dự án với tổng diện tích 2.868.112m2 đất. Trong năm 2018, UBND TP Hà Nội đã ban hành Công văn số 4677/UBND-ĐT về việc kiểm tra, theo dõi, xử lý đối với 39 dự án bị chấm dứt hoạt động, vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn TP…
Đáng lưu ý, những vi phạm trong sử dụng đất đai không chỉ từ người dân mà còn từ các DN.
Nguyên nhân xảy ra vi phạm trong sử dụng đất đai là do hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai hiện còn hạn chế, chưa cung cấp đầy đủ những nhu cầu về thông tin; phần lớn vẫn quản lý theo phương thức hồ sơ truyền thống, mất rất nhiều thời gian để tra cứu, tìm kiếm, khiến cho công tác quản lý gặp nhiều khó khăn...
Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật (Bộ Xây dựng), việc đẩy nhanh việc xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai nhằm đơn giản và rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính. Xây dựng được hệ thống dữ liệu số về quản lý đất đai là cơ sở để thúc đẩy Hà Nội cũng như các TP lớn khác triển khai phát triển đô thị thông minh.
Đồng quan điểm trên, đại diện Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) cho rằng, hiện nay các địa phương chưa xây dựng được hệ thống theo dõi đánh giá và hướng dẫn thực hiện, việc đánh giá tình hình quản lý và sử dụng đất đai chưa có nội dung đánh giá đầy đủ. Do vậy, chưa có được những kết quả đánh giá sát thực với từng địa phương. Đây là tình trạng chung trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên cả nước tại các địa phương trên cả nước…
Các chuyên gia nhận định: Với xu hướng phát triển bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay, các địa phương, đặc biệt là các TP lớn cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý đất đai để đáp ứng với nhu cầu quản lý đô thị nói chung, trong đó có nhu cầu về quản lý đất đai trong quá trình phát triển đô thị. Nếu chúng ta có một hệ thống “dữ liệu số” với nền tảng quản trị thông minh, thì công tác quản lý và cung cấp dịch vụ đô thị theo hướng thông minh sẽ dễ dàng, nhanh chóng và thuận tiện hơn. Hơn nữa sẽ góp phần nâng cao năng lực quản trị của các cơ quan Nhà nước của các địa phương.
Dưới góc độ quy hoạch, ThS. KS Phan Trọng Dũng - Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội cho biết, dữ liệu thông tin về hệ thống thông tin địa lý - GIS; hồ sơ địa chính; hồ sơ quy hoạch đô thị và quản lý đô thị, hệ thống hạ tầng kinh tế đô thị; dữ liệu quản lý hành chính, dân cư,… cần phải được tích hợp trong cơ sở dữ liệu số, việc xây dựng tiêu chí về dữ liệu số sẽ đáp ứng được yêu cầu lâu dài về quản lý đô thị thông minh, cung cấp dịch vụ công để tổ chức, DN và người dân có thể tra cứu thông tin, dịch vụ xã hội qua internet, thiết bị điện thoại thông minh…
Tuy nhiên, muốn vận hành hệ thống dữ liệu số về quản lý đất đai, thì các TP cần phải xây dựng được hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu chung của đô thị. Đồng thời, phải đào tạo đội ngũ nhân sự có chuyên môn sâu về quản lý ứng dụng hệ thống cơ sở dữ liệu đa ngành.
Ngoài ra, để việc triển khai xây dựng hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai đạt hiệu quả, bên cạnh sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cấp TP, thì rất cần sự triển khai mạnh mẽ, minh bạch, thực tế từ các cấp chính quyền cơ sở, từ cấp xã phường, thị trấn…
Linh Đan
Theo