Kỳ 1: Xanh hóa công trình xây dựng, hướng đi đã lộ rõ
(Xây dựng) - Ngay sau khi cam kết zero carbon vào năm 2050, Chính phủ đã có những động thái mạnh mẽ nhằm hiện thực hóa cam kết này. Tuy nhiên, một lộ trình kéo dài trong gần 3 thập kỷ cùng rất nhiều thách thức, nỗ lực của cả hệ thống chính trị mới là điều kiện cần, chính sách hỗ trợ tạo nguồn lực để thực hiện sẽ là điều kiện đủ để ngay sau khi chúng ta kỷ niệm 100 năm lập quốc, người dân Việt sẽ thực sự được hưởng một cuộc sống xanh. Số công trình xanh “đếm trên đầu ngón tay”, khung pháp lý cho tín dụng xanh đang trong quá trình chuẩn hóa, chủ đầu tư thực hiện công trình xanh có thực lực yếu đang là những nút thắt trong quá trình xanh hóa các công trình xây dựng.
Diễn biến tổng dư nợ tín dụng xanh giai đoạn 2021 – 2022 (Nguồn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam). |
Từ áp lực đến thực tế
Nằm trong danh sách các nước có nguy cơ cao do biến đổi khí hậu đang diễn ra, hơn thế, Việt Nam đang trong quá trình và trên đà phát triển, tăng tốc nền kinh tế, cùng với đó là sự phát triển, xây dựng rất nhiều các công trình, vì thế, xây dựng xanh đang trở nên khẩn thiết hơn bao giờ và đòi hỏi sự nỗ lực, cam kết của nhiều cấp, các ngành. Theo đánh giá từ rất nhiều tổ chức tư vấn, cam kết zero carbon của Chính phủ Việt Nam cho thấy, phát triển xanh và bền vững là xu hướng và phải coi đó là chính sách duy nhất trong phát triển của Việt Nam.
Mặt khác, theo ông Douglas Lee Snyder - Giám đốc điều hành, Hội đồng công trình xanh Việt Nam, việc xây dựng công trình xanh trở nên khẩn thiết bởi những áp lực từ hiện tượng khan hiếm nguyên liệu thô, an ninh năng lượng quốc gia…Nếu như một công trình xanh vừa bảo vệ sức khỏe và hiệu suất của người sử dụng, trong khi quá trình vận hành lại tiết kiệm được từ 30-50% năng lượng, trong danh mục lựa chọn, một điều có thể hiểu một cách khá rõ ràng là, các công trình “không xanh” sẽ bị ra khỏi danh sách. Một khảo sát trên toàn cầu mới đây cho thấy, gần 80% người tiêu dùng muốn ủng hộ và mua hàng từ các công ty hoạt động bền vững và cung cấp sản phẩm hoặc dịch vụ xanh.
“Phương pháp tiếp cận theo danh mục đầu tư hiện đang trở nên phổ biến hơn khi Chính phủ và thị trường hướng tới đánh giá tính bền vững toàn diện của các công ty”, ông Douglas Lee Snyder cho biết.
Nhà máy sản xuất chăn ga gối Everpia Giang Điền đã đạt chứng nhận công trình xanh nhờ hiệu suất tiết kiệm đạt 44% năng lượng, 23% nước và 26% vật liệu đối với nhà xưởng phức hợp, 54% năng lượng, 25% nước và 29% vật liệu đối với nhà xưởng bông tấm so với thiết kế ban đầu. |
Theo ông Douglas Lee Snyder, chứng nhận là xác nhận của bên thứ ba mà doanh nghiệp có thể dễ dàng đưa ra cho khách hàng, nhân viên, nhà đầu tư và các bên liên quan khác để quảng bá thành tích của chủ sở hữu hoặc bên vận hành. Đây có thể là dịp phù hợp để củng cố sức khoẻ và tình trạng, cũng như trách nhiệm xanh của thương hiệu.
Áp lực đến từ chính sách phát triển và từ thực tế cuộc sống là như thế, câu hỏi đặt ra là, việc phát triển công trình xanh tại Việt Nam trong những năm qua đang diễn ra như thế nào?
Mặc dù chưa có thống kê chính xác trên toàn quốc của cơ quan chức năng, nhưng theo thông tin từ Bộ Xây dựng, tính đến tháng 10/2022, Việt Nam có 11 công trình đạt tiêu cuẩn EDGE (Excellence in Design For Greater Efficiencies - Chứng chỉ công nhận công trình xanh) như: Nhà máy Everon Everpia Giang Điền, Trung tâm Sáng kiến hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp HCMC Innovation Hub, Khu dân cư VSIP Sembcorp Casa Flora - Phase 1 và Khu dân cư Cat Tuong Phu Thanh Clubhouse… Trong đó, có 2 công trình đã được đánh giá đạt tiêu chuẩn EDGE khá sớm là công trình Tòa nhà văn phòng FPT Complex tại Đà Nẵng và công trình chung cư E-Home 5 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trong khi đó, thống kê của Công ty Tư vấn CBRE Việt Nam cho biết, cho tới nay, tại 2 đầu tàu kinh tế của đất nước là Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, số lượng công trình xanh khá khiêm tốn. Theo đó, tại Thành phố Hồ Chí Minh có 11 văn phòng đạt tiêu chuẩn công trình xanh và sẽ tăng lên 18 trong ba năm tới. Con số này ở Hà Nội thấp hơn một chút với 4 tòa nhà hiện tại và dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong ba năm tới.
Rõ ràng, chỉ trong một khoảng thời gian không dài, mà chúng ta đã có những chuyển biến quan trọng về nhận thức, về công tác xây dựng hành lang pháp lý và dù chưa nhiều, nhưng công trình xanh đã mọc lên tại rất nhiều địa phương trên toàn quốc. Tuy nhiên, để công trình xanh thực sự là mục tiêu của mỗi doanh nghiệp, chủ đầu tư, việc tìm ra và đưa ra giải pháp tháo gỡ những nút thắt sẽ là công việc không chỉ khẩn thiết trước mắt, mà còn là công việc lâu dài.
Những nút thắt “nhìn thấy được”
Theo ông Douglas Lee Snyder, từ góc độ pháp lý, việc hiện thực hóa cả ưu đãi tài chính và phi tài chính ở Việt Nam là một thách thức, chẳng hạn như tăng thêm GFA (tổng diện tích sàn xây dựng được cấp phép của một dự án) cho các công trình xanh, cấp phép nhanh, lợi ích về thuế và các khoản vay ưu đãi. Có thể chúng ta cần nỗ lực hợp tác liên bộ nhằm đạt được các mục tiêu mà Chính phủ Việt Nam đặt ra. Ví dụ, trong khi các công trình xanh công cộng thường dẫn đầu thị trường ở các quốc gia khác thì ở Việt Nam, định mức chi phí trên mỗi mét vuông thuộc quy định của một bộ là không đủ cho việc xây dựng các công trình xanh công cộng mà một bộ khác quản lý.
Còn theo ông Hoo Swee Loon - Phó Tổng Giám đốc Le Mont Group, việc phát triển các dự án bất động sản công nghiệp theo chuẩn ESG vẫn là một xu hướng khá mới ở Việt Nam. Chính vì vậy, mà việc triển khai sẽ gặp không ít các thách thức, trong đó, ông cho rằng khó khăn đầu tiên là tài chính cho đầu tư ban đầu. Vị này cho rằng, đầu tư theo chuẩn ESG thường yêu cầu một số tài chính ban đầu lớn để thực hiện các công nghệ và thiết bị xanh hơn, cũng như thiết lập hệ thống quản lý và theo dõi ESG.
Bên trong Nhà máy Everon Everpia Giang Điền, một trong những công trình xanh của Việt Nam. |
Ý thức được nút thắt về tài chính khi thực hiện công trình xanh, khi 97% số doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ với tiềm lực tài chính rất hạn chế, Ngân hàng Nhà nước đã có những động thái “mở” cho tín dụng xanh, tuy nhiên cho tới nay, việc thực hiện thủ tục để có thể giải ngân các khoản tín dụng xanh vẫn rất khó khăn.
Theo báo cáo của ngành ngân hàng, trong những năm gần đây, tín dụng xanh của Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhưng tính đến ngày 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với các dự án xanh chỉ chiếm 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế và chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực năng lượng tái tạo, năng lượng sạch và nông nghiệp xanh (xem biểu đồ 2: Cơ cấu dư nợ tín dụng xanh của Việt Nam trong các năm 2017-2021). Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho rằng, ngân hàng họ dành cho tín dụng xanh nguồn vốn lớn, nhưng rất khó giải ngân, bởi mô hình xanh phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí, chứng nhận. Chính vì vậy, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thương niên (VBF) 2023, bà Michele We - Trưởng nhóm công tác Ngân hàng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered đã mong muốn Chính phủ thúc đẩy sự phát triển của tín dụng xanh. Theo bà Michele We, hành lang pháp lý đang là trở ngại trong việc tiếp cận dòng vốn xanh của doanh nghiệp Việt, nếu khung pháp lý được chuẩn hóa, các ngân hàng sẽ dễ dàng hơn trong việc cho vay các dự án xanh. Ngoài ra, đổi mới trong quản lý hoạt động, khả năng giám sát và đo lường cũng như đào tạo và nhân lực cũng là những khó khăn chủ đầu tư phải đối mặt trong quá trình triển khai dự án xanh.
Ngay sau khi Việt Nam cam kết thực hiện zero carbon tại COP 26, để cụ thể hóa cam kết đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo quốc gia về tăng trưởng xanh, các bộ, ngành, đại phương cũng đã ký nhiều thoat thuận hợp tác để thực hiện cam kết COP26. Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, những nút thắt trong thực hiện công trình xanh cũng dần lộ diện và đang được các cơ quan hữu quan tìm hướng tháo gỡ, xanh hóa công trình xây dựng. Con đường xanh hóa công trình xây dựng đã lộ rõ.
Trong giai đoạn 2011-2021, Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến lớn trong việc huy động đầu tư cho biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời với bảo tồn tài nguyên môi trường. Tuy nhiên, nguồn lực tài chính huy động để thực hiện chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh vẫn còn thấp so với nhu cầu thực tế. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Việt Nam cần khoảng gần 60 tỷ USD để thực hiện Chương trình mục tiêu về biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 – 2021. (Nguồn: Thúc đẩy tăng trưởng xanh để kiến tạo không gian phát triển nhanh, bền vững - PGS.TS. Bùi Quang Tuấn, TS. Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam) |
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2023 do 789club ios phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết. |
Thi Ngọc Kiên
Theo