(Xây dựng) – Tỉnh Đắk Lắk hiện có 138 phương tiện tàu đã đăng ký, đăng kiểm nhưng có tới 69 tàu đã hết hạn kiểm định an toàn kỹ thuật. Trong đó có 66 tàu chuyên chở bơm, hút cát thì chỉ 11 tàu còn đăng kiểm theo quy định.
Bờ sông Krông Ana (gần cầu Giang Sơn, nối huyện Krông Bông và Cu Kuin) bị sạt lở nghiêm trọng do nạn khai thác cát nhiều năm nay. |
Trước đó, Báo điện tử Xây dựng đã đăng bài viết về thực trạng hàng trăm tàu hút cát hoạt động khai thác trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk hết đăng kiểm nhiều năm nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Việc làm này không chỉ ảnh hưởng đến an ninh trật tự đường thủy, mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, tai nạn giao thông cho người và phương tiện vận tải khai thác cát, trên các tuyến sông Krông Ana, Krông Nô và Sông SêrêPôk.
Trả lời phóng viên Báo điện tử Xây dựng về vấn đề nêu trên, Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa – Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thống kê trên địa bàn tỉnh có gần 1.000 phương tiện hoạt động trong lĩnh vực đường thủy. Trong số này hầu như là phương tiện thủy dân sinh, thô sơ, có động cơ nhỏ (dưới 5 CV) theo quy định các phương tiện nhỏ chỉ thực hiện đăng kí tại địa phương mà không cần đăng kiểm. Hiện nay có 138 tàu thực hiện đăng kí, đăng kiểm, nhưng có tới 69 phương tiện đã hết đăng kiểm năm 2020.
Tình trạng sạt lở bờ sông do nạn khai thác cát đang từng ngày đe dọa khu dân cư (đoạn gần quốc lộ 27, cầu Giang Sơn nối 2 huyện Krông Bông và Cư Kuin). |
Trả lời câu hỏi của phóng viên, việc hàng trăm tàu hút cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, hết đăng kiểm nhiều năm nhưng vẫn hoạt động khai thác cát trái quy định, trách nhiệm của Phòng Cảnh sát giao thông như thế nào? Thiếu tá Nguyễn Trọng Nghĩa cho hay, đối với tàu chuyên chở hút cát theo thống kê chỉ có 66 tàu. Qua kiểm tra trực tiếp chỉ có 11 tàu còn đăng kiểm, số tàu còn lại nếu hoạt động đều trái quy định. “Khó khăn lớn nhất là các chủ tàu khai thác muốn đăng kiểm phương tiện cũng rất khó khăn, bởi địa phương không có đơn vị đăng kiểm. Muốn đăng kiểm các chủ tàu phải tự đưa tàu xuống Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) hoặc thuê đơn vị đăng kiểm từ dưới đó lên để đăng kiểm”, Trung tá Nghĩa thông tin.
Theo thống kê địa bàn tỉnh Đắk Lắk chỉ có 11 tàu còn đăng kiểm, đủ điều kiện khai thác, vận chuyển cát. Tuy nhiên, theo điều tra của phóng viên chỉ tính trên sông Krông Ana (đoạn từ cầu Giang Sơn hướng lên huyện Krông Bông) có gần 30 phương tiện hàng ngày đang tham gia bơm hút cát. |
Trả lời câu hỏi, việc Sở Giao thông Vận tải cho rằng trách nhiệm chính trong việc quản lý, khai thác cát của các tàu này thuộc lực lượng Công an liệu có đúng thẩm quyền, trách nhiệm? Trung tá Nghĩa cho rằng, trách nhiệm chính của lực lượng Cảnh sát giao thông là tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, thực hiện tuần tra xử lý những vi phạm khi phát hiện. Còn việc các tàu hết đăng kiểm thì chủ phương tiện phải chịu trách nhiệm chính.
Cũng theo Trung tá Nguyễn Trọng Nghĩa, trong 6 tháng gần đây, qua tuần tra kiểm soát trên các tuyến sông lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy đã phát hiện 75 trường hợp vi phạm, với các lỗi như: Chở hàng vượt quá dấu mớn nước an toàn; Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hết hạn; Không mặc áo phao; Không có Giấy chứng nhận điều khiển phương tiện… Đã lập biên bản xử phạt hành chính 10 trường hợp, với số tiền hơn 35 triệu đồng. Trong đó đang phối hợp xác minh 4 vụ có dấu hiệu khai thác, vận chuyển cát trái phép.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo điện tử Xây dựng, hiện nay con số phương tiện khai thác cát trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, không chỉ dừng lại ở con số 66 như số liệu của Phòng Cảnh sát giao thông mà còn rất nhiều. Bởi số lượng tàu hết đăng kiểm vẫn ngang nhiên hoạt động khai thác, vận chuyển cát nhiều năm nay nhưng không bị xử lý, đã dẫn đến việc các hộ dân, chủ doanh nghiệp ồ ạt đóng mới tàu.
Ngọc Giang
Theo