(Xây dựng) - Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu là một chủ trương lớn của tỉnh Vĩnh Phúc, nhằm các mục tiêu vừa nâng cao đời sống văn hóa ở khu dân cư, vừa trú trọng phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Chủ trương được triển khai đưa vào cuộc sống có rất nhiều cơ chế hỗ trợ nâng cao chất lượng sống của người dân trên địa bàn.
Sở Xây dựng Vĩnh Phúc đang tập trung kiểm tra quy hoạch xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu. |
Theo Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND ngày 5/5/2023 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc, về việc ban hành quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, quy định 16 chính sách hỗ trợ, cụ thể:
Hỗ trợ mô hình kinh doanh dịch vụ thương mại; hỗ trợ mô hình điểm du lịch cộng đồng; Hỗ trợ mô hình du lịch homestay, farmstay; hỗ trợ mô hình vườn sản xuất; hỗ trợ bảo vệ và phát huy giá trị nhà có giá trị kiến trúc; hỗ trợ vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh thông qua Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội Vĩnh Phúc;
Hỗ trợ lập quy hoạch; hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; hỗ trợ tu bổ, tôn tạo và phát huy gia trị di tích được xếp hạng; hỗ trợ duy trì thường xuyên hạ tầng, cảnh quan và môi trường; hỗ trợ phục dựng, bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống;
Hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; hỗ trợ quy tập các mộ riêng lẻ về nghĩa trang; hỗ trợ sắp xếp lại các cột điện, đường dây điện hạ thế để đảm bảo an toàn giao thông, cảnh quan; hỗ trợ đào tạo nhân viên y tế thôn, tổ dân phố đạt chuẩn do Bộ Y tế quy định; hỗ trợ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi trong khu dân cư.
Phấn đấu đến hết năm 2030, có tối thiểu 60 làng được xây dựng đạt các tiêu chí của Làng văn hóa kiểu mẫu do cấp có thẩm quyền ban hành, trong đó: Đến hết năm 2025, hoàn thành 30 làng và đến năm 2027, hoàn thành 60 làng với các đặc trưng cơ bản về cấu trúc không gian, kiến trúc cảnh quan được bảo tồn và chỉnh trang kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; môi trường cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống; đời sống văn hoá, tinh thần của người dân lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tự quản.
Các làng văn hóa kiểu mẫu đang được khẩn trương xây dựng theo lộ trình đã đề ra. |
Dự kiến cơ cấu nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn huy động xã hội hóa của đề án là 2.610 tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh 2.475 tỷ đồng; nguồn ngân sách cấp huyện xã và nguồn xã hội hóa 135 tỷ đồng. Đối tượng hưởng lợi từ đề án là người dân trên địa bàn tỉnh; trước mắt là người dân các làng thực hiện trong giai đoạn 2023-2025 và giai đoạn tiếp theo đến 2030;
Để triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo các địa phương sẽ phát huy cao nhất vai trò của cả hệ thống chính trị, người đứng đầu trong triển khai thực hiện các nghị quyết. Đặc biệt, sẽ tuân thủ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ "dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra", tránh sự áp đặt, chủ quan duy ý chí khi triển khai các nội dung, chương trình. Đồng thời, sẽ quán triệt nghị quyết của HĐND tỉnh về tiêu chuẩn, tiêu chí, cơ chế, chính sách hỗ trợ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, từ đó, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, các hội, đoàn thể trong tuyên truyền, phổ biến để các tầng lớp nhân dân hiểu, cùng vào cuộc với chính quyền, chung sức, đồng lòng quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu…
An Nhiên
Theo