(Xây dựng) - Vĩnh Phúc đang quyết liệt chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp tạo sự đồng thuận trong cán bộ, đảng viên, nhân dân trong quá trình sắp xếp địa giới hành chính cấp xã nhằm tinh gọn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Cán bộ phường Trưng Trắc tuyên truyền đến người dân chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Phúc Yên. |
Theo tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị được sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết 26 ngày 21/9/2022, trên địa bàn thành phố Phúc Yên có hai đơn vị hành chính thuộc diện phải sắp xếp là phường Trưng Trắc và phường Trưng Nhị.
Trong đó, phường Trưng Trắc có diện tích tự nhiên gần 0,9km2, đạt tỷ lệ gần 16%; dân số trên 12 nghìn người, đạt tỷ lệ trên 175% và phường Trưng Nhị có diện tích tự nhiên trên 1,8km2 , đạt tỷ lệ trên 33%; dân số gần 9.000 người, đạt tỷ lệ trên 127% so với các tiêu chí quy định.
Phương án sắp xếp theo Đề án được thành phố Phúc Yên ban hành là nhập toàn bộ diện tích và dân số của hai phường Trưng Trắc và Trưng nhị để thành lập một đơn vị hành chính mới là phường Hai Bà Trưng.
Chủ tịch UBND phường Trưng Trắc Nguyễn Văn Cường cho biết: “Ngay sau khi nắm bắt được chủ trương, kế hoạch triển khai việc sáp nhập 2 phường, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên, phường đã tập trung chỉ đạo các hội đoàn thể, tổ dân phố đẩy mạnh tuyên truyền để người dân hiểu, đồng thuận với chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước.
Tổ chức niêm yết công khai kế hoạch phương án sắp xếp tại nhà văn hóa các tổ dân phố. Rà soát, lập danh sách cử tri để lấy ý kiến về phương án sắp xếp. Nhờ đó, người dân tin tưởng và ủng hộ cao việc sắp xếp, sáp nhập.
Qua thống kê, có gần 100% cử tri trên địa bàn phường đồng thuận, ủng hộ việc sáp nhập. Chỉ còn một vài cử tri băn khoăn về việc thực hiện các thủ tục hành chính sau sáp nhập; việc thay đổi tên gọi của phường trên các giấy tờ tùy thân… các ý kiến này đã được phường tuyên truyền, giải thích, làm rõ”.
Theo Đề án về sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã giai đoạn 2023-2025, huyện Vĩnh Tường là địa phương có số xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập nhiều nhất tỉnh với 15 đơn vị hành chính. Đến nay, 15/15 xã, thị trấn thuộc diện sáp nhập, sắp xếp lại đã hoàn thành việc lấy ý kiến cử tri với tỷ lệ cử tri đồng ý đạt gần 90%.
Thực hiện đề án, các xã, thị trấn đã hoàn thành đúng tiến độ việc lập danh sách và niêm yết danh sách cử tri tham gia lấy ý kiến về việc sắp xếp ĐVHC cấp xã tại trụ sở UBND xã, thị trấn và nhà văn hóa các thôn, tổ dân phố.
Từ ngày 26/3, các địa phương trên địa bàn huyện đồng loạt thực hiện việc lấy ý kiến cử tri về sắp xếp ĐVHC cấp xã. Với tinh thần quyết tâm cao, các thành viên tổ lấy ý kiến cử tri đã nhanh chóng đến từng hộ dân để lấy ý kiến cử tri, đến ngày 30/3, huyện Vĩnh Tường đã hoàn thành việc lấy ý kiến của trên 82.600 cử tri tại 74 thôn, tổ dân phố thuộc 15 xã, thị trấn.
Với cách làm tương tự, tại nhiều địa phương khác thuộc diện phải sắp xếp, sáp nhập trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ người dân đồng thuận, ủng hộ với phương án sắp xếp, sáp nhập cũng đạt rất cao, như: Thị trấn Thổ Tang (Vĩnh Tường) 99,88%; xã Đình Chu (Lập Thạch) 100%; xã Hợp Thịnh (Tam Dương) 100%; xã Hải Lựu (Sông Lô) 100%...
Theo lãnh đạo Sở Nội vụ, trong giai đoạn 2023-2025, toàn tỉnh có 16 đơn vị hành chính cấp xã không đảm bảo các tiêu chuẩn và không có yếu tố đặc thù nên sẽ thực hiện việc sắp xếp. Trong đó, huyện Vĩnh Tường có 8 đơn vị; huyện Sông Lô 4 đơn vị; thành phố Phúc Yên, huyện Tam Dương, huyện Yên Lạc và huyện Lập Thạch mỗi địa phương 1 đơn vị.
Hiện nay, UBND tỉnh đang triển khai xây dựng, hoàn thiện Đề án sắp xếp ĐVHC cấp xã tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2023-2025 để trình HĐND ban hành nghị quyết trình Trung ương xem xét, quyết định.
Việc sắp xếp các ĐVHC là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, là nhiệm vụ quan trọng, tương đối phức tạp, khối lượng công việc nhiều. Do đó, để thực hiện thành công phương án sắp xếp đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị cao, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và xuyên suốt từ Trung ương, tỉnh, huyện, xã và thôn, tổ dân phố đến người dân.
Đồng thời, phải huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, quyết liệt trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện; chú trọng và phát huy công tác tuyên truyền, vận động để tạo sự đồng thuận của nhân dân trong quá trình thực hiện.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương liên quan làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức cho người dân, cũng như cấp ủy, chính quyền cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sắp xếp.
Chủ động xây dựng phương án sắp xếp, tổ chức lại bộ máy cán bộ, bố trí cán bộ dôi dư phù hợp, đảm bảo đúng quy định, cũng như đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ thuộc diện phải sắp xếp.
Tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tại các địa phương thực hiện sắp xếp, kịp thời giải đáp thắc mắc, tháo gỡ khó khăn và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để quá trình sắp xếp được thuận lợi, đạt hiệu quả cao và đúng các quy định của pháp luật.
Văn Nhất
Theo