(Xây dựng) - Đó là chỉ đạo của ông Dương Văn An, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Tường về kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 16/10.
Quang cảnh buổi làm việc |
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Huyện ủy Vĩnh Tường đã ban hành hơn 6.200 văn bản cụ thể hóa các chỉ tiêu, mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXVI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực.
Trong đó, trọng tâm là khai thác thế mạnh phát triển nông nghiệp, đưa Vĩnh Tường trở thành nơi cung cấp các nông sản sạch, có thương hiệu, giá trị kinh tế cao; đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng, xây dựng cánh đồng mẫu lớn; phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư vào Cụm công nghiệp Đồng Sóc; khai thác thế mạnh về thương mại, dịch vụ; phát huy truyền thống hiếu học, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo; huy động các nguồn lực xã hội hóa, chăm lo cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Đến nay, huyện Vĩnh Tường đã đạt và vượt 12/20 chỉ tiêu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra; dự kiến 4 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt; 2 chỉ tiêu cần phấn đấu hoàn thành và 2 chỉ tiêu dự kiến không đạt. Giai đoạn 2020-2023, tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân của huyện đạt 8,61%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu ngân sách bình quân đạt 998 tỷ đồng/năm, vượt cao so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra.
Công tác xây dựng Đảng được chú trọng. Toàn huyện kết nạp được hơn 1.100 đảng viên, thành lập 10 tổ chức Đảng trong các đơn vị kinh tế tư nhân. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, chú trọng.
Vĩnh Tường là địa phương đi đầu trong tỉnh về huy động các nguồn lực xã hội hóa để chăm lo cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn về nhà ở. Bình quân hằng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 3.200 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,61%. Đời sống người dân liên tục được cải thiện, diện mạo nông thôn thay đổi mạnh mẽ. Quốc phòng - an ninh được củng cố và giữ vững.
Về nhiệm vụ triển khai thực hiện một số đề án, dự án lớn như: Dự án đường liên xã từ đường Thượng Trưng - Tuân Chính đi ngã 3 cổng làng Tam Phúc; Dự án đường liên xã Cao Đại - Tân Phú - Thổ Tang - Lũng Hòa; Dự án đường TL.304 và QL2C cũ địa phận huyện Vĩnh Tường; Dự án cải tạo, nâng cấp đường Thổ Tang đi Vĩnh Sơn... đều gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, huy động nguồn vốn. Riêng nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã từ 15 đơn vị thành 7 đơn vị trong giai đoạn 2023 – 2025, huyện Vĩnh Tường cũng gặp không ít khó khăn trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ, xử lý tài sản dôi dư.
Chia sẻ với những khó khăn của huyện Vĩnh Tường trong công tác xây dựng Đảng, phát triển kinh tế, các đại biểu cho rằng, để tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tiếp theo, Vĩnh Tường cần tập trung hoàn thiện khung đô thị loại IV; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong bồi thường, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư; đẩy mạnh phát triển thương mại, hình thành chuỗi thương mại dịch vụ từ thị trấn Thổ Tang đến xã Vân Xuân; Chú trọng phát triển, mở rộng vùng sản xuất chuyên canh cây bưởi, vùng nuôi trồng thủy sản chuyên canh; mở rộng hệ thống đường giao thông tạo sự kết nối liên vùng.
Một số đại biểu đề nghị huyện nghiên cứu, bố trí cán bộ công chức cấp xã về làm việc tại các vị trí phù hợp ở cấp huyện thay cho tuyển dụng mới; quyết liệt hơn trong việc đưa chăn nuôi bò sữa ra khỏi dân cư. Tăng cường công tác nắm bắt tình hình, kịp thời giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân ngay từ cơ sở; tiếp tục khai thác tốt các tiềm năng lợi thế về phát triển thương mại, chăn nuôi tập trung.
Nhấn mạnh Vĩnh Tường là địa phương có vị trí thuận lợi, có bề dày truyền thống, lịch sử, văn hóa và kinh tế phát triển tương đối đồng đều trên cả 3 trụ cột, Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn An đề nghị huyện Vĩnh Tường tiếp tục nghiên cứu đưa các làng nghề vào cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung, phát triển làng nghề gắn với bảo đảm vệ sinh môi trường; nghiên cứu, phát triển thêm chợ đầu mối, khu vực kho bãi vận chuyển hàng hóa, phấn đấu đưa Vĩnh Tường trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ khu vực phía Bắc; tiếp tục đẩy mạnh dồn thửa đổi ruộng, tạo ra những cánh đồng mẫu lớn chuyên canh; khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, nghiên cứu, giải quyết tốt bài toán về chăn nuôi gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường, đưa chăn nuôi ra ngoài khu dân cư.
Trong công tác xây dựng Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đề nghị huyện Vĩnh Tường tập trung rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu của nhiệm kỳ qua để xây dựng các mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2025 - 2030, đưa kinh tế - xã hội huyện Vĩnh Tường bước sang kỷ nguyên phát triển mới, giai đoạn phát triển mới; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ, sắp xếp, bổ nhiệm cán bộ cho nhiệm kỳ tới dựa trên phẩm chất, năng lực, đạo đức của cán bộ, bảo đảm công khai, minh bạch.
Văn Nhất
Theo