(Xây dựng) – Trong một thế giới biến động, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh vẫn là xu thế tất yếu. Để kiến tạo một tương lai xanh, phải có tư duy xanh, tầm nhìn xanh, kết hợp với công nghệ xanh, năng lượng xanh và lối sống xanh.
Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn cùng đại diện lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) tham gia phiên khai mạc GEFE 2024. |
Sau gần 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hợp tác Việt Nam – EU đã phát triển toàn diện. Nỗ lực đi tiên phong của EU trong xây dựng nền kinh tế châu Âu và toàn cầu xanh thể hiện qua những sáng kiến quan trọng như: Thoả thuận xanh, Cửa ngõ toàn cầu, Chiến lược kinh tế biển, kinh tế số... và các cơ chế, tiêu chuẩn về phát thải. Đây là động lực và là kinh nghiệm quý để Việt Nam theo đuổi mục tiêu một nền kinh tế xanh, bền vững và trung hòa carbon vào năm 2050. Phát triển xanh và bền vững tiếp tục là quan tâm chung và cam kết của Việt Nam - EU.
Diễn đàn và Triển lãm Kinh tế Xanh (GEFE) 2024 tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho thấy mức độ quan tâm sâu sắc của khối EU dành cho Việt Nam, với sự góp mặt của Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu trong bối cảnh quan hệ thương mại Việt Nam và EU đang phát triển mạnh mẽ nhờ Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA). Hiệp định này đã đưa EU trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tạo điều kiện thúc đẩy các khoản đầu tư xanh.
Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas nhấn mạnh, EU coi Việt Nam không chỉ là đối tác thương mại quan trọng mà còn là nhân tố chủ chốt trong việc thúc đẩy chiến lược hợp tác toàn diện giữa EU và ASEAN. Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu khẳng định: “Việt Nam là một ví dụ điển hình về hợp tác chiến lược và tăng trưởng xanh là trọng tâm trong mối quan hệ hợp tác này. Các sự kiện như GEFE 2024 đóng vai trò quan trọng trong việc biến những mục tiêu chung thành hiện thực”.
Trên cơ sở đó, tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn nêu một số nội dung trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới.
Thứ nhất, tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương đi vào chiều sâu, lấy phát triển kinh tế, đặc biệt lấy kinh tế xanh làm một trong những lĩnh vực đột phá về hợp tác.
Cụ thể, thúc đẩy thương mại bền vững và phát triển chuỗi cung ứng xanh thông qua triển khai hiệu quả hơn nữa Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) để đưa hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai bên.
Thứ hai, nghiên cứu và triển khai một số dự án hợp tác hải đăng để thúc đẩy mô hình hợp tác công - tư, hợp tác nhiều bên về chuyển đổi xanh trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế so sánh của mỗi bên. Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ quý báu của EU về tài chính, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực. Đề nghị các thành viên EU chia sẻ kinh nghiệm về phát triển thị trường chứng chỉ carbon có kết nối với thị trường quốc tế và triển khai các dự án về hydrogen xanh.
"Chúng tôi sẵn sàng cùng EU thúc đẩy các sáng kiến về tăng trưởng xanh thông qua chia sẻ kinh nghiệm, câu chuyện về thúc đẩy phát triển nông nghiệp phát thải thấp, chuyển đổi năng lượng xanh, phát triển năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, thúc đẩy triển khai JETP trở thành một mô hình hợp tác kiểu mẫu và là cầu nối thúc đẩy quan hệ EU-ASEAN phát triển hơn nữa", Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn cho biết.
Thứ ba, tăng cường hợp tác trong nghiên cứu phát triển, các doanh nghiệp châu Âu có thể xem xét tăng cường đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu tại Việt Nam trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, hydrogen xanh, hạ tầng xanh, chuyển đổi số, nông nghiệp thông minh, công nghiệp phát thải thấp…
Thứ tư, đề nghị EU tiếp tục duy trì ODA cho Việt Nam, tập trung vào các lĩnh vực cấp thiết đối với Việt Nam hiện nay như tăng cường năng lực quản trị công, kinh tế xanh, số và tuần hoàn.
Thứ năm, hai bên tăng cường trao đổi, ủng hộ lẫn nhau tại các cơ chế đa phương về tăng trưởng xanh, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực chiến lược khác.
Chính phủ đã triển khai đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt. Cụ thể là ban hành các chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi năng lượng, thực hiện cam kết trung hòa carbon, điển hình như Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII, Chiến lược phát triển năng lượng hydrogen của Việt Nam đến 2030; Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh…
Cùng với đó, từng bước phát triển các thị trường quyền sử dụng đất, quyền khai thác tài nguyên, tín chỉ carbon… với mong muốn song hành và hội nhập với thế giới trong lĩnh vực xanh.
Kiến Tài
Theo