(Xây dựng) – Đó là chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Hội - Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban chỉ đạo xây dựng Văn hóa doanh nghiệp tại Hội nghị sơ kết công tác xây dựng Văn hóa doanh nghiệp Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) vừa được tổ chức vào ngày 04/3/2022.
Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban chỉ đạo Đề án Văn hóa doanh nghiệp Nguyễn Văn Hội chỉ đạo tại Hội nghị. |
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến với sự tham gia của các thành viên Ban chỉ đạo, các Thành viên HĐQT, Ban Tổng Giám đốc, Ban kiểm soát, Ban Giám đốc Nhà máy, đại diện các Ban chuyên môn và lãnh đạo các tổ chức Đoàn thể BSR.
Tại Hội nghị, ông Phạm Minh Nghĩa - Trưởng ban Quản trị và phát triển nguồn nhân lực, thành viên thường trực Ban Chỉ đạo đã báo cáo về những kết quả đã thực hiện trong Đề án văn hóa doanh nghiệp BSR: “Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Tổ triển khai Đề án văn hóa BSR cùng đơn vị tư vấn PACE đã chủ động phối hợp chặt chẽ, chuyển đổi hình thức làm việc từ trực tiếp sang hình thức online, điều chỉnh kế hoạch làm việc linh động kịp thời và đã hoàn thành các công việc của Đề án theo kế hoạch của năm 2021”.
Ban chỉ đạo Đề án Văn hóa doanh nghiệp đã tổ chức khởi động dự án, hội thảo và lan tỏa phương pháp xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp tại BSR với ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo các Ban chức năng, đại diện các Tổ chức đoàn thể và các Tổ trưởng; Khảo sát, phỏng vấn ban lãnh đạo về tầm nhìn, chiến lược, giá trị cốt lõi của BSR và định hướng phát triển trong tương lai; Hoàn thiện và ban hành Sổ tay văn hóa BSR.
Tổ chức hội thảo, phỏng vấn Ban lãnh đạo Công ty, lãnh đạo ban chức năng về nguyên tắc ứng xử các phòng ban và khảo sát chất liệu xây dựng các giá trị văn hóa đặc trưng, ban hành Bộ nguyên tắc ứng xử phòng ban/đơn vị trực thuộc trong toàn BSR. Xác định giá trị văn hóa ưu tiên triển khai trong giai đoạn 2021 - 2022 và xây dựng kế hoạch truyền thông văn hóa doanh nghiệp BSR giai đoạn 2021 - 2022.
Từ ngày 01/01/2022 đã đưa vào áp dụng Quy định mới về đánh giá hoàn thành nhiệm vụ hàng tháng cho cán bộ công nhân viên, trong đó có đánh giá hiệu quả của các hoạt động của văn hóa đơn vị. Ngoài ra, Ban chỉ đạo đã dự thảo thiết kế các ấn phẩm truyền thông bộ tài liệu văn hóa: bản in và bản điện tử Sổ tay văn hóa, Bộ nguyên tắc ứng xử phòng ban, các giá trị cốt lõi… Công tác tuyển chọn Đại sứ văn hóa BSR cũng đã được hoàn tất.
Kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được trong năm 2021, để đảm bảo các nội dung công việc đạt được chất lượng và phù hợp thời điểm ban hành áp dụng, tạo sự hào hứng đón nhận và lan tỏa, thường trực Ban chỉ đạo Đề án Văn hóa doanh nghiệp đề xuất ra mắt Đại sứ văn hóa; tổ chức đào tạo cho đội ngũ Đại sứ văn hóa để chia sẻ, phổ biến, lan tỏa Bộ tài liệu văn hóa BSR đến Người lao động tại từng Ban/Phòng chức năng. Hướng dẫn, triển khai các hoạt động văn hóa cho cấp Lãnh đạo Công ty và chi tiết cho từng Ban chức năng/Đơn vị.
Ngoài ra, đẩy mạnh xây dựng danh mục các hoạt động văn hóa cho từng Ban chức năng, Công ty để ban hành trong quý I/2022; Xây dựng lộ trình phát triển văn hóa BSR tương ứng với từng giai đoạn phát triển; Khảo sát, đánh giá quá trình thực hiện các hoạt động văn hóa BSR, chia sẻ bài học kinh nghiệm.
Tại Hội nghị, Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương cũng đã có ý kiến chỉ đạo phát động các cuộc thi tìm hiểu về Văn hóa doanh nghiệp về đẩy mạnh văn hóa đến từng cán bộ công nhân viên. Đây là cách để BSR nâng cao nhận thức của nhân viên về văn hóa doanh nghiệp và vai trò của văn hóa doanh nghiệp đối với hiệu quả hoạt động kinh doanh. Tổng Giám đốc BSR cũng đề nghị Ban chỉ đạo song song với chương trình triển khai tổng thể nên ưu tiên 2 giá trị “Chuyên nghiệp” và “Sáng tạo” trong 5 giá trị cốt lõi của BSR để tập trung hơn trong triển khai và đánh giá, tạo hiệu quả tối ưu và rút kinh nghiệm trong triển khai thực hiện.
Tổng Giám đốc BSR Bùi Ngọc Dương phát biểu tại Hội nghị. |
Các thành viên tham dự Hội nghị đã trao đổi, chia sẻ sôi nổi các giải pháp để hiện thực hóa văn hoá nền tảng BSR bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, đơn giản, dễ ứng dụng để từng bước thấm nhuần trong mỗi người lao động BSR, trở thành thói quen, cử chỉ, nếp nghĩ, hành động Văn hóa trong công việc hàng ngày tại công ty, nhà máy. Các thành viên cũng nhấn mạnh đến việc chăm lo đời sống tinh thần và vật chất cho cán bộ công nhân viên như bố trí, quy hoạch lại nơi ở cho người lao động, phòng làm việc, trang thiết bị làm việc, trang phục quần áo, suất ăn, xây dựng tủ sách, đẩy mạnh các cải tiến, sáng kiến, các hoạt động thể thao, chăm lo sức khỏe cho người lao động khi phải sống chung an toàn với dịch bệnh Covid-19,…
Hội nghị cũng lắng nghe những ý kiến góp ý để xây dựng văn hóa ứng xử của những người BSR ra bên ngoài nhằm nâng cao, quảng bá hình ảnh BSR, cụ thể bằng các công việc như thực hiện Đề án trồng 1 triệu cây xanh, các hoạt động an sinh xã hội, hoạt động thể thao,…thiết kế hiệu quả hệ thống truyền thông, trang web và có kênh tiếp nhận ý kiến đóng góp từ bên ngoài BSR.
Kết luận Hội nghị, Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Văn Hội ghi nhận, biểu dương những kết quả đã đạt được đối với Đề án; tiếp tục truyền thông, lan tỏa 05 giá trị cốt lõi của BSR: “Chính trực - Chuyên nghiệp - Đoàn kết - Sáng tạo - Hiệu quả”. Thống nhất, lựa chọn 2 giá trị “Chuyên nghiệp và Sáng tạo” để làm nòng cốt, chủ đạo triển khai trong năm 2022. Trưởng ban đề nghị thường trực Ban chỉ đạo xây dựng KPI cho từng ban chuyên môn để làm cơ sở thực hiện và đánh giá kết quả, bình xét cuối năm. Đồng thời, lập kế hoạch đào tạo và có chính sách hỗ rợ cho các Đại sứ Văn hóa để họ tích cực tham gia và sát cánh cùng Trưởng các ban chuyên môn lan tỏa văn hóa đến từng người lao động.
Chủ tịch HĐQT, Trưởng ban chỉ đạo Nguyễn Văn Hội nhấn mạnh, văn hóa doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo cho sự thành công và phát triển bền vững của doanh nghiệp. Đặc biệt là khi công nghệ số phát triển mạnh mẽ, cùng với sự hội nhập kinh tế toàn cầu, việc tạo ra sức mạnh nền tảng và bản sắc cho BSR là vấn đề cần được quan tâm, phát huy thường xuyên và liên tục với phương châm: Văn hóa là hành trình, thấm sâu vào mỗi cán bộ công nhân viên và đáp ứng yêu cầu không ngừng phát triển, không ngừng đổi mới.
Giang Sơn
Theo