(Xây dựng) - Phong thủy quan trọng nhưng là yếu tố ngoại cảnh tác động đến con người và cuộc sống con người; chứ phong thủy không quyết định tất cả và càng không thể thay thế con người.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Mua đất phải xem địa hình địa thế, cảnh quan xung quanh; làm nhà người ta xem hướng, bố trí đồ đạc trong nhà cần xem vị trí… Cha ông ta từ ngàn xưa cũng để lại những kinh nghiệm: Nhất cận thị, nhị cận giang; Lấy vợ hiền hòa, làm nhà hướng nam… Đó chính là phong thủy. Thực ra, về bản chất phong thủy là khoa học về sự tác động của môi trường sống đối với con người.
Tại sao gọi là “Phong thủy”? Hiểu nôm na, “Phong” là Gió và “Thủy” là Nước.
Nước chiếm tới 75% trọng lượng cơ thể con người; có sinh vật như sứa nước chiếm tới 95% trọng lượng cơ thể. Con người có thể nhịn ăn hàng tháng trời nhưng không thể sống quá vài ngày nếu không có nước. Trong nông nghiệp, nước là yếu tố quan trọng hàng đầu: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.
Không có nước thì không có sự sống. Thế còn gió?
Gió thổi buồm căng khiến cho thuyền di chuyển. Các nước châu Âu sử dụng sức gió làm quay cối xay; còn ngày nay có điện gió vừa sạch vừa bảo vệ môi trường. Nhờ gió thổi mà hạt cây bay xa, tạo thành những cánh rừng. Gió thổi mây bay từ biển vào đất liền làm mưa đem sự sống cho trái đất.
Như vậy, cuộc sống của con người chịu tác động rất lớn của nước và gió. Phong thủy, về bản chất và suy cho cùng là xem xét hai yếu tố chính đó để chọn cho mình nơi ở phù hợp, đem lại cho con người sức khỏe và đời sống ấm no, thoải mái. Không những chọn môi trường, phong thủy còn chỉ cho người ta cách cải tạo môi trường để phục vụ con người. Đắp đường, trị thủy, đào sông, khơi thông cho nước thoát để tránh úng ngập, hay trồng cây chắn gió… đều là phong thủy.
Chọn nơi sinh sống ở vùng đất trù phú, mưa thuận gió hòa, tránh những vùng rừng thiêng nước độc; làm nhà tránh hướng gió dữ, đón hướng gió lành, có cảnh quan đẹp đẽ. Kê giường ngủ tránh gió lùa ban đêm, đặt bếp không để gió tạt ngọn lửa, hơi nóng vào mặt. Đào giếng phải xem mạch nước, lập chợ phải xem dân cư… Tất cả những điều trên đều liên quan đến phong thủy.
Tuy nhiên, phong thủy quan trọng nhưng cũng chỉ là yếu tố ngoại cảnh tác động đến con người và cuộc sống con người; chứ phong thủy không quyết định tất cả và càng không thể thay thế con người.
Có một bạn đọc nói với tôi, đại ý là: Tin vào phong thủy rồi không chịu suy nghĩ, vận động, không chịu lao động, cứ nằm đấy mà chờ sung rụng thì có mà chết đói nhăn răng. Lời nói đó hoàn toàn xác đáng. Đây cũng chính là một khía cạnh mà nhiều người thường quên khi tìm hiểu về phong thủy. Phong thủy bảo làm nhà chọn hướng gió tốt, nhưng cửa cứ đóng im ỉm thì làm sao gió vào được. Phong thủy bảo chọn vùng đất tốt, nhưng không gieo trồng thì lấy gì mà gặt hái. Có đất, có nước, có hạt giống nhưng phải gieo trồng và chăm bón thì mới có mùa màng bội thu. Còn nếu cứ làm nhà đúng hướng theo phong thủy, đặt vật này vật kia theo phong thủy nhưng không chịu làm lụng, lao tâm khổ tứ thì đến miếng cơm cũng chả có mà ăn, nói gì đến giàu có.
Vòng vo như thế để nói rằng, con người vẫn là yếu tố quyết định đối với cuộc sống của bản thân. Nếu chỉ tin mù quáng mà phó thác cuộc đời mình cho phong thủy thì đó chỉ là sự cuồng tín mê muội.
Nhưng như vậy thì phong thủy chả có vai trò gì sao? Trong hóa học có một hiện tượng lý thú: Khi cho một chất vào một phản ứng hóa học, tốc độ phản ứng tăng lên. Tốc độ phản ứng tăng nhưng lượng của chất này không thay đổi và sau phản ứng thì nó vẫn còn nguyên. Đó là chất xúc tác. Như vậy, chất xúc tác chỉ thúc đẩy quá trình phản ứng diễn ra nhanh hơn chứ không thay thế được chất phản ứng.
Giống như vậy, phong thủy chỉ tạo thêm cú hích, cộng hưởng với hoạt động của con người để nâng cao hiệu quả của hoạt động đó, chứ nó không thay thế hoạt động của con người.
Nói cách khác, phong thủy là tác động của ngoại cảnh vào hoạt động của con người, làm cho công việc hiệu quả hơn, chứ không phải cứ làm theo phong thủy rồi ngồi chờ đấy mà tiền bạc tự nhiên chảy vào nhà.
Điều đó cũng có nghĩa, sử dụng phong thủy để điều chỉnh các yếu tố ngoại cảnh có tác dụng làm giảm hoặc triệt tiêu các yếu tố tiêu cực, phát huy yếu tố tích cực, sẽ làm tăng hiệu quả hoạt động của con người.
Tuệ Linh
Theo