(Xây dựng) – Ngày 26/5, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải do Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy dẫn đầu đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Quảng Ngãi về tình hình thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nguồn cung vật liệu xây dựng và bãi đổ thải cho dự án thành phần Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, đoạn đi qua địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi trực tiếp thị sát hiện trường tuyến chính cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn. |
Với vai trò đồng chủ trì, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu các bên có liên quan trên tinh thần khách quan, đi thẳng vào những tồn tại, hạn chế cụ thể khiến dự án gặp vướng mắc… trong đó lỗi của bên nào, điểm yếu của ai thì phải được chỉ ra để tìm hướng khắc phục, tháo gỡ… trên tinh thần “vướng ở đâu gỡ ở đó”, phục vụ tối đa cho tiến độ dự án trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, ông Minh cũng chỉ đạo Chủ đầu tư Tiểu dự án khi bàn giao mặt bằng tiến hành bay flycam toàn bộ hiện trạng. Nếu đơn vị thi công tiếp tục phản ánh tỉnh Quảng Ngãi chậm bàn giao mặt bằng thì địa phương sẽ công khai trước cuộc họp Ban chỉ đạo dự án trọng điểm quốc gia, làm cơ sở đối chứng, trong đó xác định rõ trách nhiệm của đơn vị thi công dự án.
Những kiến nghị của nhà thầu được Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp nhận, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị và địa phương tập trung xử lý. |
Đại diện Tập đoàn Đèo Cả - Nhà thầu thi công dự án tiếp tục đề cập đến vấn đề mặt bằng nhận bàn giao “xôi đỗ”, không có đường găng, phương tiện không thể tiếp cận để tập kết vật tư, thiết bị, vật liệu và tổ chức thi công. Trong đó, nhà thầu dự án cho biết hiện nay mặt bằng đã được bàn giao tổng cộng 50,89km/60,3km. Tuy nhiên, còn “xôi đỗ, da beo”, mặt bằng tuyến liên tục gần 43km, mặt bằng có thể tiếp cận để tổ chức thi công khoảng 39km, còn hơn 3,6km chưa đủ điều kiện thi công. Nhà thầu cho rằng, một số vị trí đường găng, cần được đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng như: Nút giao đầu tuyến, mố M2 cầu sông Vệ, cửa Bắc hầm 1, hầm 2.
Quảng Ngãi là một trong những địa phương thực hiện tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng phục vụ cao tốc Bắc – Nam. |
Nhà thầu đang triển khai 14/20 mũi thi công với 400 nhân sự và hơn 80 đầu máy thiết bị tập trung tiếp cận thi công các vị trí đường găng tiến độ của dự án như: Hầm số 1, 2, 3; cầu Sông Vệ, cầu TL624; nút giao… và một số đoạn xử lý nền đất yếu trên tuyến.
Tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu nhà thầu tuyến chính cao tốc Bắc – Nam tập trung thi công, đẩy nhanh tiến độ dự án.
Ban Quản lý dự án 2 – Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo nhà thầu điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thi công trên công trường để phù hợp với mặt bằng hiện có.
Mặt bằng đã bàn giao hoàn toàn đủ điều kiện tổ chức thi công.
Tiến độ dự án đang chậm hơn so với kế hoạch.
Về tiến độ dự án đến thời điểm hiện tại chậm hơn so với kế hoạch, ông Lê Thắng - Giám đốc Ban Quản lý dự án 2, Bộ Giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân có cả khách quan lẫn chủ quan. Hiện tại, nhà thầu đang tích cực phối hợp với địa phương để tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Cùng với đó, ông Thắng cho biết, chủ đầu tư đã yêu cầu nhà thầu Đèo Cả điều chỉnh kế hoạch, giải pháp thi công trên công trường để phù hợp với mặt bằng hiện có, cũng như nguồn vật liệu phục vụ dự án.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ Trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Danh Huy cũng cho biết, chiều 25/5, Đoàn công tác của Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức kiểm tra hiện trường dự án cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, trong đó nhận thấy mặt bằng mà tỉnh Quảng Ngãi đã bàn giao hoàn toàn đủ điều kiện thi công. Đồng thời, ông Huy cũng đánh giá, Quảng Ngãi đã vào cuộc một cách quyết liệt và có hiệu quả trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án, là một trong những địa phương đứng đầu về công tác này.
Dự án thành phần đoạn Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 -2025 có tổng chiều dài tuyến 88km, trong đó đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi dài 60,3km và đoạn qua tỉnh Bình Định dài 27,7km. Dự án có tổng mức đầu tư gần 20.470 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án 2 thuộc Bộ Giao thông vận tải làm chủ đầu tư. Dự án có tổng cộng 3 gói thầu xây lắp (XL1, XL2 và XL3), với tổng giá trị gần 14.500 tỷ đồng. Khởi công vào ngày 1/1/2023 vừa qua. Trong đó, gói thầu XL1 (km0 – Km30), có giá trị 3.682 tỷ đồng; gói thầu XL2 (Km30 –Km57+200), có giá trị 4.129,61 tỷ đồng và gói thầu XL3 (Km57+200 – Km88), có giá trị lớn nhất với 6.686,42 tỷ đồng. Các gói thầu phần lớn do liên danh Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả - Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả - Công ty Cổ phần Xây dựng Đèo Cả chịu trách nhiệm thi công. |
Nhóm Phóng viên thực hiện
Theo