(Xây dựng) - Sáng 4/5, tại trường THPT Chương Mỹ B (xã Đồng Phú, huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội), diễn ra chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ” do Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành Đô và các đơn vị tổ chức.
TS. Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Tại chương trình, các chuyên gia, diễn giả đến từ Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), đại diện các trường đại học, doanh nghiệp, doanh nhân… đã thông tin cụ thể hơn về khối ngành sức khỏe và ngôn ngữ để học sinh hiểu rõ hơn về ngành học.
Theo TS. Nguyễn Thúy Vân - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thành Đô, năm 2024, phương án xét tuyển vào ngành Dược vô cùng đa dạng. Đối với trường Đại học Thành Đô, học sinh có thể dùng kết quả học bạ cấp 3 để xét tuyển vào ngành này với điều kiện là kết quả lớp 12 phải đạt loại giỏi. Nếu kết quả học tập lớp 12 không đạt loại giỏi, các em học sinh có thể đăng ký vào trung cấp, cao đẳng, sau đó có thể học liên thông. Ngoài xét tuyển học bạ, trường cũng xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT; kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ với kết quả kỳ thi Tốt nghiệp THPT và kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi trẻ Thủ đô Ngô Vương Tuấn phát biểu tại chương trình. |
“Tốt nghiệp ngành Dược các em có thể làm việc tại khoa Dược của các bệnh viện; tại các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm; tại các trung tâm kiểm nghiệm thuốc; hoặc có thể tự mình mở công ty Dược, nhà thuốc và làm chủ đầu tư hệ thống nhà thuốc”, TS. Thúy Vân cho biết.
Chia sẻ thêm về ngành Y-Dược, bác sĩ Đỗ Doãn Bách hiện đang công tác tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai, một trong mười gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024 cho biết: Tuy ngành Y cũng có thời gian học rất dài so với các ngành nghề khác nhưng hiện nay cơ hội việc làm của ngành là rất lớn. Hiện nay, tỷ lệ các bác sĩ của Hà Nội mới chỉ đạt gần 11 bác sĩ/1.000 dân. Nguồn nhân lực rất thiếu trong khi đó ngành Y là khối ngành dọc thu hút rất nhiều nhân lực: Bác sĩ, nhân viên y tế, điều dưỡng, dược sĩ… Các bạn học sinh lựa chọn ngành Y sẽ có cơ hội làm việc tại các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện Nhà nước, các công ty dược phẩm.
Bên cạnh khối ngành Y, Dược thì khối ngành ngôn ngữ cũng nhận được rất nhiều quan tâm từ các em học sinh. TS. Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Ngôn ngữ ứng dụng, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia Hà Nội đã chia sẻ về cơ hội việc làm của khối ngành này.
Học sinh đặt câu hỏi tại chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khỏe - ngôn ngữ”. |
Là một chuyên gia có nhiều năm tham gia công tác hướng nghiệp, mượn câu chuyện qua trò chơi nhỏ về “đổi giầy”, ThS. Đặng Thị Ngọc Quyên chia sẻ 5 bước lựa chọn ngành nghề phù hợp để có những định hướng nghề nghiệp đúng đắn. Theo ThS. Quyên, bước đầu tiên cần phải hiểu mình mong muốn gì, như hiểu đôi chân mình đi được đôi giầy nào để chọn ra đôi giầy (nghề nghiệp) mình mong muốn nhất.
Thứ hai, phải hiểu về nghề nghiệp mình đã lựa chọn. Ví như lựa chọn đôi giầy đi chơi thể thao, giầy đi dự sự kiện… Nghề nghiệp mình lựa chọn cần kiến thức, kỹ năng hay tính cách của người học như thế nào; Thứ ba là cần phải hiểu môi trường đào tạo. Cũng giống như việc hiểu nhà cung cấp giầy là ai, giá thành ra sao, phù hợp với khả năng mình không?
Thứ tư, các em cũng cần trải nghiệm nghề, ví như việc lên các trang tuyển dụng xem đặc điểm nghề như nào, hỏi các thầy cô, nhà báo, anh chị đi trước để có thể hiểu sâu về nghề, định hướng theo nghề nào thì sẽ tiếp cận với người làm nghề đó, giống như đi một đôi giầy mới, chúng ta phải đi đi lại lại để xem có phù hợp không.
Thứ năm, lập kế hoạch và ra quyết định. Đi giầy rồi, cần phải lập kế hoạch thích đi giầy đó rồi thì phải làm thế nào để tiết kiệm được tiền mua; Giống như mục tiêu đến trường nào, xem xét kỹ mốc thời gian của từng trường… Nếu lựa chọn được rồi thì hãy chiêm nghiệm lại giống như câu chuyện thử giầy, đổi giầy. Sau khi làm đủ 5 bước trên, ThS. Quyên đặt niềm tin các học sinh tham gia đối thoại hôm nay sẽ có được sự lựa chọn đúng đắn về nghề nghiệp của mình.
Học sinh THPT được tư vấn về khối ngành sức khoẻ |
Chương trình “Đối thoại tư vấn hướng nghiệp về khối ngành sức khoẻ - ngôn ngữ” là hoạt động trong chuỗi chương trình “Đối thoại trực tiếp, giao lưu trực tuyến về tư vấn hướng nghiệp năm 2024” do báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp với trường Đại học Thành đô và các đơn vị tổ chức nhằm kịp thời cung cấp cho các học sinh THPT những thông tin hữu ích, thiết thực về các ngành học, tư vấn chọn trường, chọn nghề cũng như gặp gỡ trực tiếp với những người thành công trong ngành để giúp các em hiểu và có động lực theo đuổi ước mơ. Từ tháng 3/2024 đến nay, báo Tuổi trẻ Thủ đô đã tổ chức 3 chương trình tư vấn hướng nghiệp được tổ chức tại các trường: THPT Thường Tín (xã Văn Phú, huyện Thường Tín); THPT Lý Thường Kiệt (phường Thượng Thanh, quận Long Biên); THPT Đồng Quan (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội). |
Anh Thư
Theo