(Xây dựng) - Ngày 4/11, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị khoa học sinh viên năm 2022, nhằm báo cáo tổng kết công tác nghiên cứu khoa học sinh viên, đồng thời đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên trong thời gian tới.
PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường đánh giá cao sự nỗ lực của các giảng viên, sinh viên trong nghiên cứu khoa học năm 2022. |
191 đề tài với 764 sinh viên và 162 giảng viên tham gia
Phát biểu tại Hội nghị, TS Nguyễn Thị Minh Phương - Trưởng phòng Khoa học công nghệ (Đại học Kiến trúc Hà Nội) nhấn mạnh: Hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên lần thứ 31 của trường diễn ra nghiêm túc; có 191 đề tài, với 764 sinh viên và 162 giảng viên tham gia. Các công trình nghiên cứu tham gia, giải quyết vấn đề cấp bách về kinh tế - xã hội, khẳng định bước đi ban đầu của sinh viên. Kết quả trên thể hiện sự chỉ đạo, phối hợp hiệu quả của lãnh đạo Nhà trường, Phòng Khoa học công nghệ, Phòng Chính trị - Công tác sinh viên, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh với các Khoa, Viện chuyên môn, các nhà giáo, nhà khoa học và toàn thể sinh viên.
Để thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học sinh viên Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội trong thời gian tới, TS Nguyễn Thị Minh Phương đề xuất: Cần gắn sinh viên nghiên cứu khoa học với hoạt động khởi nghiệp, nhằm phát huy tính chủ động, nung nấu tinh thần khởi nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho sinh viên; Tạo điều kiện cho sinh viên tham gia đề tài, dự án các cấp, các “sân chơi” nghiên cứu khoa học trong và ngoài trường; Tăng kinh phí hỗ trợ cho hoạt động khoa học…
Đánh giá cao sự nỗ lực của thầy trò trong nghiên cứu khoa học và công nghệ, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật - Chủ tịch Hội đồng Trường nhấn mạnh: Gần 200 đề tài là sự nỗ lực lớn của các giảng viên và sinh viên. Mặc dù nguồn kinh phí còn hạn hẹp nhưng thầy cô vẫn tâm huyết dành nhiều thời gian, trí lực giúp sinh viên nghiên cứu khoa học, tìm tòi, sáng tạo, ứng dụng, giúp Trường ghi danh trong các cuộc thi.
Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng, sáng tạo không ngừng
Theo PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật, để đưa Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội thành một trường đại học chất lượng cao hàng đầu Việt Nam, tiếp cận đẳng cấp khu vực và quốc tế cần 3 yếu tố, đó là: nguồn lực; nguồn nhân lực chất lượng cao (gồm chất lượng giảng viên và trình độ sinh viên) và cơ chế quản lý tiên tiên. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học nói chung và công tác nghiên cứu khoa học của sinh viên nói riêng là 1 trong những nhiệm vụ để Trường khẳng định vị thế.
Đại học Kiến trúc Hà Nội định hướng đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ. Trong đó, nghiên cứu khoa học, ứng dụng vào thực tế; sau đó chuyển giao công nghệ, hình thành sản phẩm phục vụ cuộc sống, vừa giúp nâng cao trình độ của giảng viên, sinh viên khi được tiếp cận thực tế, vừa giúp nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên; nâng cao vị thế của Nhà trường.
Động viên khuyến khích sinh viên phát huy ý tưởng sáng tạo, PGS.TS.KTS Phạm Trọng Thuật nhấn mạnh: Sinh viên phát huy kiến thức, khẳng định được từ trong trường, là tiền đề giúp các em phát triển tốt hơn trong tương lai. Trên thế giới có ý tưởng đưa ra bị đánh giá là điên rồ, nhưng 10 năm sau ý tưởng đó, lý thuyết đúng. Một doanh nghiệp lớn từng đưa ra tiêu chí tuyển dụng: Không cần giải pháp, chúng tôi cần ý tưởng. Điều đó cho thấy, doanh nghiệp cần người khai phá, với tư duy sáng tạo đột phá, hơn là cần người thực hiện giải pháp được đưa ra.
Trường trao giấy khen cho đại diện nhóm của 9 đề tài đạt giải Nhất. |
Năm nay, đề tài nghiên cứu khoa học “Thiết bị khử khuẩn thông minh Plasma - U smart phòng ngừa Covid-19 tại các không gian công cộng”, do TS Phạm Văn Dương hướng dẫn; nhóm sinh viên thực hiện gồm: Hà Công Ngoan 17N1, Hoàng Văn Hiến 20ME, Bùi Thị Thùy Linh 21KX, Nguyễn Phương Linh 21D, Nguyễn Lê Nhi 21RM1, là một trong những đề tài đạt giải Nhất, có tính ứng dụng cao.
Nhóm dựa trên tư liệu về ứng dụng thành tựu khoa học mới trên thế giới, phát triển thiết bị khử khuẩn bằng công nghệ cao, sử dụng plasma lạnh và tia UVC, tạo ra thiết bị khử khuẩn thông minh Plasma U Smart, nhằm phòng ngừa Covid-19 tại các không gian công cộng. Sản phẩm mẫu được thiết kế hoàn chỉnh, chạy thử đánh giá hiệu quả tốt; có tiềm năng phát triển, nâng cao thành các phiên bản với giá thành hợp túi tiền. Năm 2022 dự kiến tạo ra 100 sản phẩm; năm 2023 tạo ra 500 sản phẩm; năm 2024 tạo ra 1.000 sản phẩm.
Thảo Nguyên
Theo