(Xây dựng) - Quãng hơn hai chục năm nay, lần nào sắp ra Hà Nội bạn cũng gọi điện hỏi mình câu ấy. Những năm trước câu trả lời của mình tràn trề thể lực. Bắt đầu là lấy hơi trầm hùng hát đoạn thứ nhất ca khúc “Hà Nội niềm tin và hi vọng” của Phan Nhân, “Mặt Hồ Gươm vẫn lung linh mây trời…”. Vài năm nay xuống giọng không thể hát được nữa. Dù “tin” và “hi vọng” thì vẫn thế thôi.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet). |
Bạn từ ngày đánh khăng đổ dế bắt ve ở Hà Nội chợt thân thiết với mình từ lúc di cư vào Sài Gòn lập nghiệp. Hai đứa hai nghề hoàn toàn khác biệt nhưng có cùng sở thích rong ruổi dặm dài. Gặp nhau chỉ vào những lúc một trong hai đứa xa nhà. Nguyên cái ngồi nhà của người này đã là một cuộc mênh mông trời biển hết chiều dài đất nước của người kia. Mình vào sài Gòn không bao giờ phải gọi điện hỏi bạn thời tiết trong ấy. Đằng nào thì cũng nắng hoặc mưa mà thôi. Và đằng nào thì trong túi du lịch của mình cũng luôn có một chiếc ô gắp gọn. Bạn ở Hà Nội từ bé thấm đẫm nhớ nhung phong vị bốn mùa thành phố. Hỏi đấy mà cũng chỉ như tự nhắc nhỏm về nao nao nỗi nhớ. Lần nào bạn hỏi mình cũng phải cầm máy vừa nói chuyện vừa chạy ra cửa sổ. Để biết trời Hà Nội hôm nay thế nào. Đó là chuyện trí nhớ chẳng giúp được gì. Không thể nhớ cái đang và sắp xảy ra.
Thời tiết mấy năm nay thất thường. Đang giữa tháng Bảy đột nhiên trời se lạnh phải đắp chăn. Trí nhớ lại càng trở nên vô dụng. Sáng nay bạn gọi, mình cũng trả lời như thế. Bạn cười rũ, cứ làm như tôi đi buôn sừng tê giác ở châu Phi về không bằng!
Thực ra thì đã từ dăm năm nay mình hoàn toàn nói dối bạn. Cũng không hẳn là nói dối. Mình xem tin thời tiết trên TV để trả lời bạn. Đó là chương trình có độ tin cậy không nhiều lắm trên truyền hình. Chỉ là dự báo thôi mà! Mình không mở cửa sổ nhìn lên trời đã ngần ấy năm rồi. Chuyển nhà ra vùng ngoại ô. Chẳng có bất cứ một hồ nước nào trong bán kính ba cây số chứ đừng nói tới Hồ Gươm. Ở đây mây trời soi bóng trên những tòa cao ốc lắp kính đen sì vây kín xung quanh. Chẳng lung linh gì cả. Gương mặt mây sầm sì vụn vỡ như sắp khóc. Nhìn vào đấy chỉ thấy nỗi nhớ biền biệt hoang mang xa. Mình cũng bắt đầu thấy nhớ nhung Hà Nội mất rồi.
Bạn xuống máy bay đi taxi đến thẳng chỗ mình. Hai nỗi nhớ gặp nhau mà không phải là nhớ nhau. Chỉ nhớ cái khoảnh khắc sắp vào thu Hà Nội. Chuyện trò rôm rả hẳn lên. Cứ như chưa hề có cuộc gặp cách đây chỉ vài tháng. Bạn bàn, mát giời ta gọi chiếc xe lên thăm lại làng cổ Đường Lâm! Mình bảo, có chú em sẽ mang xe đến đón. Mà sao lại cứ phải là Đường Lâm? Bạn cười, lần trước lên đấy nóng muốn chết vì “Đất đá ong khô nhiều ngấn lệ” (Quang Dũng)!
Con đường quốc lộ 32 mở rộng chạy dài lên đến tận thị xã Sơn Tây. Chẳng còn đâu những bãi mía nương dâu mạn qua thị trấn Phùng nữa, Tất cả hai bên đường đã biến thành phố xá hoặc “dự bị” phố với những tấm biển bán nhà đất các cỡ treo chi chít. Nắng giữa trưa trắng lóa trên mặt đường, trên những tường nhà cao tầng sơn mới. Một Hà Nội vắng cây.
Xuống xe ở cổng làng mới biết bên ngoài rất nóng. Chẳng khác gì cảm giác ngùn ngụt đá ong nung người vài chục năm trước của mình với bạn. Chỉ khác lần này phải mua vé vào cổng. Lần đầu tiên trong đời phải “mua vé vào làng” kể cũng có nhiều day dứt. Bạn gạt đi, mua vé vào tham quan di tích thì cả thế giới đều thế. Mình cố gắng nhớ lại trong đầu những ngôi nhà đá ong san sát trong vài con ngõ hẹp. Những chiếc cổng xây lợp ngói cánh gỗ bạc màu mưa nắng. Những phên những dại bằng tre đan trước hiên nhà. Những tay bầu tay bí vấn vít nắng trưa. Những con đường lát gạch nghiêng nong đôi nâu già ọp ẹp sống trâu. Trước mắt không còn gì như thế. Đã thấy nhấp nhô nhà mái bằng và thùng inox trắng toát in bóng chảo anten truyền hình kỹ thuật số. Dạo bước trên con đường làng bê tông nhẵn nhụi, mình thì thầm vào tai bạn, tôi với ông trở thành hai kẻ hoài cổ trong làng cổ Đường Lâm! Bạn phì cười, chính mình là di tích mà vẫn phải mua vé vào xem, người Hà Nội đi xem Hà Nội!
Bất giác, mình ngẩng mặt lên trời. Bạn cũng ngẩng theo. Đồng thanh, trời Hà Nội hôm nay thế nào?
Đỗ Phấn
Theo